Kiến trúc cảnh quan là nghiên cứu và thiết kế những không gian mở ở các quy mô khác nhau như: Công viên, khuôn viên trường, cảnh quan đường phố, quảng trường, khu dân cư, khu nghỉ dưỡng... Từ việc nghiên cứu các yếu tố nghệ thuật, môi trường, kiến trúc, kỹ thuật và xã hội học, các kiến trúc sư (KTS) cảnh quan sẽ đưa ra phương án sắp đặt vật liệu, vật dụng, hình khối nhằm mang đến sự hài hòa, đẹp mắt cho toàn bộ công trình; đồng thời cân bằng và nuôi dưỡng môi trường tự nhiên.
Thiết kế cảnh quan Khu nghỉ dưỡng sinh thái Flamingo Đại Lải Resort được thực hiện trong 15 năm (2007-2022), chia ra nhiều giai đoạn. Diện tích thiết kế và xây dựng cảnh quan là 70,4ha trên tổng diện tích 103,94ha tại xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thiết kế thuộc về nhóm tác giả là các KTS Nguyễn Thượng Quân, Bùi Thị Bích Đào, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Thị Phương Yến và cộng sự Công ty Cổ phần Kiến trúc FARC.
    |
 |
Một góc Khu nghỉ dưỡng sinh thái Flamingo Đại Lải Resort. Ảnh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cung cấp |
Thừa hưởng phong cảnh hồ Đại Lải, “phông nền” dãy Tam Đảo, nhóm tác giả đã lựa chọn phương án thiết kế “thuận tự nhiên”-nhân tạo như thiên tạo-để làm nên một không gian nghỉ dưỡng thân thiện với hệ sinh thái nghỉ dưỡng phong phú, một mô hình kiến trúc xanh. Các yếu tố chính tạo nên thiết kế cảnh quan của khu nghỉ dưỡng là cây xanh, mặt nước, các trục giao thông và khu chức năng (công trình lưu trú nghỉ dưỡng, khu thể thao, điểm vui chơi, cắm trại, vườn rau...) được hòa quyện bằng các thủ pháp cảnh quan sử dụng trong thiết kế như: Cảnh quan rộng hướng tới thiên nhiên, thủ pháp mượn cảnh, nối cảnh. Các công nghệ cảnh quan như sử dụng cây bản địa cùng các loại cây ngoại nhập, công nghệ duy tu chăm sóc, bảo dưỡng kết hợp các loại cây cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng cùng nguồn năng lượng tưới tiêu, chiếu sáng bảo vệ môi trường.
Cảnh quan khu du lịch được đắp thêm đồi nhân tạo làm đa dạng địa cảnh, tăng diện tích phủ xanh bề mặt. Các đồi này cũng dùng để ngăn cách không gian thay đổi điểm nhìn, tạo trải nghiệm về cảm xúc. Mặt nước cũng được thêm vào bằng cách đào thêm hồ, suối nhân tạo, dẫn nước từ hồ Đại Lải vào sâu trong khu đất nhằm tăng chu vi mặt nước, tăng khả năng tiếp cận mặt nước cho các công trình nghỉ dưỡng kết hợp cùng cây xanh điều hòa vi khí hậu cho khu vực.
Tuyến đường không chỉ là trục giao thông mà còn là nơi để con người trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc. Thiết kế các tuyến đường len lỏi trong môi trường thiên nhiên và hạn chế tác động đến hiện trạng tự nhiên bằng các dạng tuyến đường khác nhau: Đường giao thông cơ giới có vỉa hè và không có vỉa hè, đường dạo bên hồ hay con đường thơ, đường trong rừng thông ngập tràn mùi thơm của cỏ cây hoa lá, của sương sớm tinh mơ... Dường như không có ranh giới giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, các tuyến đường dạo được thiết kế theo từng chủ đề riêng, được trồng các hàng cây đặc trưng như keo, thông và các thảm cây bụi ra hoa quanh năm. Các vật liệu khác nhau như đường bê tông trần, đường lát đá bước dạo, đường gỗ, đường đất nện trong rừng thông... được lựa chọn theo từng chủ đề tạo sự đa dạng và đem đến nhiều trải nghiệm, đồng thời mang màu sắc bản địa cho phương án thiết kế.
Các khu chức năng được phân bố theo trục cảnh quan một cách linh hoạt. Cổng và sân khấu Hồng Hạc được thiết kế mang nhiều tính ước lệ và tượng trưng với sự biến đổi không gian gây ấn tượng cho du khách ngay từ những bước chân đầu tiên đến với khu nghỉ dưỡng. Vườn hoa bốn mùa với quang cảnh thoáng đạt mở rộng nơi trăm hoa khoe sắc. Áp dụng thủ pháp “cảnh quan rộng”, các không gian vườn hoa bốn mùa có tầm nhìn rộng mở, đan xen giữa các khu biệt thự theo quy hoạch sử dụng đất. Thực vật được gieo trồng thành mảng, tuyến, cánh đồng lớn và thay đổi các loại giống hoa theo mùa tạo ra những cung bậc cảm xúc khác nhau vào mỗi thời điểm hoa nở trong năm.
Dọc tuyến cảnh quan các khu cắm trại, khu vui chơi cho trẻ em, không gian nghệ thuật được bố trí đan xen. Những tác phẩm nghệ thuật khổng lồ được bố trí trên những bãi cỏ rộng lớn sẽ khiến du khách như lạc vào một không gian triển lãm giữa lòng thiên nhiên. Đồng thời đây cũng là những điểm nhấn thị giác mà các KTS dụng ý đưa vào thiết kế.
Có thể nói, ít khu du lịch nào lại mất đến 15 năm xây dựng kiến tạo cảnh quan. Song nhờ bền bỉ theo đuổi “triết lý xanh” đã và đang đem đến một không gian trải nghiệm nghỉ dưỡng hạnh phúc giữa thiên nhiên. Thiết kế cảnh quan khu nghỉ dưỡng đã đáp ứng được mục đích của chủ đầu tư là hướng tới phát triển du lịch bền vững. Đó là lý do Khu nghỉ dưỡng sinh thái Flamingo Đại Lải Resort là điểm đến nổi bật của du lịch Vĩnh Phúc nhiều năm qua.
Kiến trúc sư NGUYỄN HUYỀN TRANG