Rác thải du lịch từ đâu?

Đồng Cao là thảo nguyên xanh thuộc bản Gà, xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, lâu nay được nhiều tín đồ du lịch “mách” nhau cho những chuyến dã ngoại cùng gia đình, bạn bè. Sau dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều du khách tìm đến Đồng Cao để ngắm nhìn những đồng cỏ xanh mướt, tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng. Thế nhưng, chỉ những vị khách đến Đồng Cao từ sớm mới được tận hưởng “kỳ nghỉ trong mơ”.

Hầu hết những người đến sau phải hứng chịu hậu quả từ rác thải do những người đi trước để lại. Sau kỳ nghỉ, địa điểm xanh tươi, gần gũi thiên nhiên này trở thành bãi rác xấu xí với vỏ hộp, giấy ăn, túi đựng đủ màu sắc... Không chỉ Đồng Cao, nhiều điểm du lịch trong cả nước cũng trở nên ô nhiễm và mất mỹ quan vì rác sau kỳ nghỉ lễ.

Đáng tiếc là vấn đề rác thải từ các hoạt động du lịch không phải chỉ ngày một ngày hai gây nên những hình ảnh phản cảm đối với du khách. Cũng cùng cảnh ngộ như thảo nguyên xanh Đồng Cao, ông Phạm Hà, Chủ tịch Tập đoàn Lux Group (doanh nghiệp lữ hành kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ) chỉ cho chúng tôi nhiều khu vực rác thải trên vịnh.

Ông Hà cho biết đã chứng kiến nhiều thời điểm, nhất là khoảng từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm, trên các vùng biển này rất nhiều rác, bè nổi, phao xốp, hộp nhựa, chai, lọ, túi nilon... Hình ảnh rác thải ngập trên vịnh thực sự phản cảm, khiến những người làm du lịch như ông cảm thấy ái ngại khi giới thiệu cho du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, về những danh lam, thắng cảnh, di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.

leftcenterrightdel

 Tổ chức thu gom rác trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng).

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức lớn toàn cầu, gây ra những tác động nguy hại tới môi trường. Nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học. Ô nhiễm rác thải nhựa cũng sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.

Người làm du lịch cần tiên phong 

Du lịch là ngành phát sinh rác thải rất lớn. Việt Nam cần có sự chuyển biến thực sự trong công tác xử lý rác thải. Nếu chỉ kêu gọi chính quyền, các tổ chức ủng hộ nhưng bản thân người làm du lịch không làm thì khó mang lại hiệu quả. Do đó, chính những người làm du lịch cần tiên phong hành động giảm rác thải nhựa, sau đó sẽ tác động, khuyến khích mọi người cùng làm. Đồng thời, các cơ quan quản lý về du lịch tại địa phương cũng cần làm gương, phải tích cực vận động người dân thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Đây là quan điểm chung của rất nhiều người làm du lịch có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường.

Thực tế, quan điểm này đã được hiện thực hóa hiệu quả ở một số địa phương. Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, đại diện nhóm làm việc về quản lý rác thải tại nguồn ở TP Hội An (Quảng Nam) chia sẻ: “Để giải quyết vấn đề rác thải, chúng ta cần có sự hợp tác của các bên liên quan và tiến hành một hệ thống nhóm giải pháp. Điểm tiếp cận hệ du lịch “không rác thải” của chúng tôi gồm có sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức phát triển và đặc biệt nhất là các tổ chức cung cấp giải pháp. Các tổ chức cung cấp giải pháp này được đặt tại chính cộng đồng, địa phương và giải quyết các vấn đề về tái chế ngay tại nguồn”.

Trong khi đó, đến từ Hợp tác xã Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), Giàng A La cho rằng: “Với việc phát triển du lịch quá nhanh trong khi ý thức về bảo vệ môi trường kém, nếu chỉ hô hào mọi người bảo vệ môi trường thì không ai quan tâm. Nếu người dân được hưởng lợi thì họ sẽ có ý thức giữ gìn môi trường. Do đó, chúng tôi tổ chức những tour quanh bản, mỗi nhà đều được hưởng lợi từ du lịch để hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài”.

Từ những điều mắt thấy tai nghe ở địa phương mình, Vũ Thị Ngọc Hướng, hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa (Lào Cai) bày tỏ: “Nhiều người dân không làm du lịch, họ thấy rất nhiều rác trên đường cũng không nhặt, hoặc họ gom rác trong nhà rồi tự đốt, gây ô nhiễm. Kể cả hướng dẫn viên, dù đã được tuyên truyền nhưng không phải ai cũng tham gia hay hướng dẫn du khách giữ vệ sinh môi trường chung. Cần có cơ chế, quy định từ công ty lữ hành về việc khách không xả rác, hướng dẫn viên có thể thấy rác thì nhặt bỏ vào túi, hoặc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm nhặt rác”.

Bài và ảnh: CHÍ BÌNH