Những điểm sáng du lịch về nguồn

Mới đây, có dịp trở lại huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), chúng tôi chứng kiến nhiều đoàn khách du lịch đã chọn các điểm đến là di tích, "địa chỉ đỏ" như: Cụm di tích Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, cầu tàu 914, cầu Ma Thiên Lãnh... để tham quan. Khách du lịch đi đến những địa chỉ này phần lớn đi theo tour của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, còn lại là các nhóm khách lẻ, gia đình.

Đưa gia đình cả 3 thế hệ đến lưu trú, tham quan hai ngày tại Côn Đảo, anh Ngô Văn Tuấn, ngụ phường Hưng Định, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Gia đình chúng tôi rất thích đi du lịch đến những nơi có các di tích hoặc địa chỉ lịch sử-văn hóa để dâng hương, tìm hiểu về vùng đất, con người, văn hóa của địa phương. Về với Côn Đảo, chúng tôi rất xúc động khi được hiểu rõ hơn về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của các thế hệ cha ông. Đây là chuyến đi ý nghĩa nhất của gia đình trong mùa hè này”.

Hiện nay, mỗi năm Côn Đảo đón trung bình hơn 300.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm theo tour du lịch về nguồn và các chuyến sinh hoạt truyền thống. Đồng chí Trần Thị Hoài Thu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Côn Đảo trao đổi với chúng tôi: “Du lịch văn hóa-lịch sử là thế mạnh, là “đặc sản” của Côn Đảo, chiếm gần 90% tổng lượng du khách đến địa phương, góp phần cho sự phát triển của các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực... Có được kết quả trên là nhờ sự kết nối tốt giữa các khu du lịch, nhà nghỉ, khách sạn cũng như các doanh nghiệp du lịch trong xây dựng hành trình tour có hướng du khách tham quan di tích, tạo dấu ấn đặc biệt khi đến Côn Đảo”.

Nói đến loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, TP Hồ Chí Minh cũng là một ngọn cờ đầu của vùng Đông Nam Bộ. Phương châm của thành phố khi phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 là “mỗi địa phương có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước. Đến với TP Hồ Chí Minh hôm nay, du khách còn có thể tiếp cận nhiều tour du lịch gắn với địa danh, di tích lịch sử như: “Về Cần Giờ-Lắng nghe hơi thở của rừng”, “Tân Phú-Đi là nhớ”, “Củ Chi-vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”, “Ký ức Sài Gòn-Chợ Lớn” ở quận 5, “Thành phố bên dòng sông xanh” ở Thủ Đức...

Trao đổi về công tác phát triển du lịch về nguồn, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thành phố có gần 400 điểm đến du lịch, trong đó nhiều địa điểm gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể, phi vật thể. Vì vậy, xây dựng và khai thác các di tích lịch sử-văn hóa sẽ là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khẳng định sức hút của trung tâm du lịch lớn. Sản phẩm này vừa nâng tầm du lịch, vừa nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống, gia tăng giá trị cho Chiến dịch "TP Hồ Chí Minh chào đón bạn-Welcome to Ho Chi Minh City".

 Du khách tham quan di tích lịch sử tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khi đến với các địa phương như: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước..., chúng tôi cũng được tìm hiểu thêm nhiều tour, tuyến du lịch về nguồn độc đáo, đã và đang mang lại sức hút lớn cho du khách. Trong đó, điểm nhấn là tour liên kết giữa các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ như: “Tình đất đỏ miền Đông”, “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ”... Trong mỗi tour, điểm dừng chân để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách là các "địa chỉ đỏ" như: Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi (Bình Dương), Di tích lịch sử Căn cứ Tà Thiết (Bình Phước), Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh).

Tăng sức hấp dẫn, chú trọng liên kết

Là một trong những cái nôi của cách mạng trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai bán nước, giành độc lập, tự do, nên vùng đất Đông Nam Bộ có hệ thống di tích văn hóa-lịch sử đa dạng có thể phát triển du lịch về nguồn. Trên thực tế, sự gắn kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch về nguồn thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng, thiếu những sản phẩm gắn kết liên tuyến đủ sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lữ hành Fiditour phân tích rằng, du lịch về nguồn giàu tiềm năng nhưng nếu cách làm không sáng tạo thì sẽ bị khô khan, dễ gây tâm lý “đến xem cho biết rồi về” cho du khách.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, du lịch về nguồn cần xây dựng những trải nghiệm, tương tác cho du khách. Chẳng hạn, công ty phát triển sản phẩm tour “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”, cho du khách trải nghiệm đi trên những chiếc xe máy cổ của những năm 1960-1970, đi qua những tuyến đường, địa danh từng in dấu chân, chiến công vẻ vang của lực lượng biệt động năm xưa nhằm tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng nhận định, sản phẩm du lịch về nguồn không thể phát triển mạnh nếu đứng độc lập, riêng lẻ mà phải nằm trong chuỗi hệ thống các loại hình du lịch khác để tăng trải nghiệm cho du khách, giúp du khách lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn. Trong du lịch về nguồn, không nên phân định địa giới hành chính, cần xem các di tích là tài sản chung của vùng Đông Nam Bộ để cùng bảo vệ, giữ gìn và liên kết làm du lịch. Cùng với đó, việc trùng tu, tôn tạo di tích, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cần tiến hành thường xuyên, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, giới thiệu, thuyết minh về di tích...

Theo đồng chí Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, tỉnh xác định du lịch là một trong 3 trụ cột kinh tế, vì vậy, chú trọng liên kết địa phương và tăng sức hấp dẫn sản phẩm du lịch là yêu cầu hàng đầu, để mỗi du khách sau khi rời Tây Ninh sẽ là một “đại sứ” quảng bá về nơi đây. Du lịch về nguồn có lợi thế là nguồn tài nguyên du lịch sẵn có, vấn đề còn lại là thiết kế theo hướng đổi mới, tạo sự kết nối trong hành trình tour để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. Đồng quan điểm trên, theo đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, để du lịch về nguồn phát triển chuyên nghiệp hơn, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới, rất cần kết hợp giữa sự chuyên nghiệp tổ chức tour của doanh nghiệp du lịch, sự lựa chọn điểm đến độc đáo, đặc trưng và vai trò điều hành, quảng bá, liên kết của cơ quan quản lý nhà nước.

Phát biểu tại sự kiện "Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam" vừa tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh rằng, một vấn đề quan trọng để phát triển du lịch là liên kết. Sự liên kết phải đi vào thực chất, không dừng lại ở ký kết văn bản. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của hiệp hội du lịch, các địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp du lịch phải giữ vai trò kết nối với nhau nhằm phát triển bền vững với tinh thần đi cùng nhau. 

Bài và ảnh: HỒNG GIANG