Đến Chư Đăng Ya, tôi đã ngỡ ngàng thốt lên: “Trời ơi! Đẹp quá!”. Thế rồi, trước thung lũng mướt xanh lá và đỏ rực hoa dong riềng, tôi cứ ngơ ngẩn ngắm nhìn. Từng sợi nắng xiên xuống vắt lên những cánh hoa, chiếc lá còn đọng sương sớm tạo nên đường nét lấp lánh phủ lên núi đồi trong hình hài của chiếc bát úp. Những đứa trẻ theo mẹ lên rẫy tung tẩy chạy đuổi theo chú cào cào bay ẩn nấp đâu đó trên những chiếc lá. Có đứa bẽn lẽn ngắt búp hoa dong riềng cho vào miệng nếm vị ngọt của mật hoa. Tiếng cười đùa trong trẻo góp vào không gian ban mai nơi miền sơn cước thêm màu sắc rộn rã, bình yên.

Từ lần đó, hầu như năm nào tôi cũng sắp xếp thời gian để trở lại nơi này, có khi thì cùng gia đình, có khi cùng những người bạn của tôi từ nơi khác đến, có khi lại ngẫu hứng cả nhóm rủ nhau đi leo núi, “săn mây”...

 

    Vẻ đẹp của Chư Đăng Ya.Ảnh: PHẠM QUÝ. 

Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào J’Rai: “Chư” nghĩa là núi, “Đăng Ya” là “củ gừng dại”, cao khoảng 500m, thuộc địa phận làng Ploi Iagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Núi lửa Chư Đăng Ya mang dáng hình chiếc bát úp khổng lồ, miệng núi là lòng chảo trũng, thoai thoải, khu vực phía trong, ngoài sườn núi là nơi người dân canh tác, trồng hoa màu.

Từ TP Pleiku, để đến núi lửa Chư Đăng Ya chúng ta có thể chọn ngã tư Biển Hồ làm điểm xuất phát, đi theo hướng về Kon Tum khoảng 25km, sau đó rẽ vào đường Lê Văn Sỹ, đến ngã ba Nghĩa Hưng-Chư Jôr, rẽ trái đi khoảng 5km nữa sẽ đến núi lửa Chư Đăng Ya. Hoặc cũng có thể đi theo hướng về ngã ba Nam Yang (thuộc huyện Đắc Đoa) đến ngã ba Tiên Sơn thì rẽ trái và đi thẳng.

Sau khi thưởng thức ly cà phê mang đậm chất Tây Nguyên ở khu du lịch Biển Hồ, chúng tôi chọn theo hướng Kon Tum, di chuyển bằng xe máy để tiện dừng chân ở những điểm dọc đường đến Chư Đăng Ya. Theo hướng này sẽ đi qua rất nhiều điểm đẹp, như đường thông trăm tuổi xã Nghĩa Hưng, vườn chè, chùa Bửu Quang, qua những rẫy cà phê dàn trải ngút mắt... Mùa đơm bông, mùi hương hoa cà phê thơm ngát cả một vùng, màu trắng tinh khôi ấy như thôi miên, níu giữ khiến người đi chẳng muốn rời. Mùa cà phê đương trái thì cây nào cũng lúc lỉu quả, màu đỏ chín của cà phê xen lẫn trong tán lá xanh um gợi cảm giác ấm cúng, no đủ... Bạn tôi từ xa đến đã thích thú reo lên khi được tận tay chạm vào những chùm quả cà phê, tận tay nâng niu từng chiếc cành sai quả để ngắm nhìn cho thỏa những ngày tháng ở thành phố, uống biết bao nhiêu cà phê mà bây giờ mới được tận mắt nhìn thấy cây cà phê.

Một lần đi “săn mây” trên đỉnh Chư Đăng Ya, nhóm chúng tôi có mặt từ sáng sớm. Dừng xe và để gọn trước sân nhà rông, chúng tôi đi bộ qua đoạn đường đất khoảng một cây số để đến được chân núi và sau đó leo bộ lên đỉnh núi đợi “săn mây”. Con đường đất buổi sớm mai chẳng mấy chiều lòng người vì sương đêm làm ẩm đất đỏ, bạn tôi trượt ngã mấy lần do chưa quen. Mỗi lần có đứa ngã là một lần cả nhóm được trận cười, bởi những cú ngã ấy không đau, cái cảm giác được chạm chân vào đất, được lấm lem quần áo, tay chân... thật êm dịu biết bao.

Tôi cứ ngỡ mình đến đây sớm nhất rồi cho đến khi ngược chiều mình, vài em bé J’Rai đang tới gần. Bé gái chìa cho chúng tôi xem rổ nấm mối chúng mới hái được, những búp nấm mũm mĩm, bắt mắt khiến chúng tôi chẳng thể nào từ chối. Bạn tôi ngỏ ý trả tiền nấm cho em nhưng không lấy nấm, em lắc đầu ngại ngùng. Như hiểu ra, bạn đón lấy bì nấm trên tay em. Em nhoẻn miệng cười thay lời cảm ơn. Người J’Rai là thế, luôn thật thà, chất phác dù vất vả, dù khó khăn.

Chư Đăng Ya mùa nào cũng tươi mới và xanh mát, người đến nơi này luôn có cảm giác yên bình và dịu êm. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, phong cảnh như một bức tranh sinh động đủ thứ màu sắc, không gian; giống thước phim với bao thanh âm rộn ràng. Phóng tầm mắt ra xa chút, núi đồi trập trùng uốn lượn, những ngôi nhà rông nép mình dưới gốc cổ thụ. Những ruộng lúa, nương ngô... xanh tươi dàn trải. Xung quanh miệng núi lửa, người dân làm rẫy trồng hoa màu. Những ruộng khoai lang xanh tốt nối nhau, từng luống đều thẳng tắp. Những vườn dong riềng dàn trải, màu xanh của lá chen lẫn màu đỏ của hoa, thấp thoáng là những chú chim sải cánh, cất tiếng hót rộn ràng chào ngày mới. Những người nông dân ra đồng từ sớm lom khom vun gốc, làm cỏ. Trên lưng các bà, các mẹ, em bé nào đó vẫn còn say ngủ mặc cho tia nắng sớm rọi chiếu qua mặt.

Sớm mai, sắc trắng của mây trời đối diện sắc xanh của núi đồi, cây lá, sắc đỏ của hoa, tạo một bức tranh thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Khi mây sà xuống, cảnh vật xung quanh mờ ảo, lãng đãng và huyền bí. Từng đám mây trắng nhẹ bẫng lướt qua, rồi lại đám mây khác. Bồng bềnh, êm ái. Đứng trên đỉnh núi, cảm giác như đất trời gần nhau lắm, chỉ một cái với tay thôi là đã chạm được, bắt lấy được, sờ nắm được, mà không phải thế, tất cả cứ hiện hữu mà xa xăm, hoang dại mà yên bình. Mây, sương, cỏ cây, đất trời quyện hòa vào nhau. Tôi cảm giác như mình ngồi trên chiếc thuyền nhẹ nhàng bồng bềnh lướt qua những con sóng êm trên dòng sông tuổi thơ quê mẹ.

Vào mùa hoa dã quỳ nở, khắp thung lũng là màu vàng rực của hoa. Con đường đất bazan lên núi được bao bọc bởi viền hoa nối dài sang các ruộng hoa màu. Nhìn xuống, khung cảnh như dải lụa màu xanh mướt viền vàng được thêu dệt bởi bàn tay của người nghệ nhân tài ba. Đẹp đến ngỡ ngàng.

Mỗi lần thăm Chư Đăng Ya, chúng tôi vẫn thường mang theo vài cây con nhỏ như nhãn, ổi, bưởi... Lên đến đỉnh núi, chọn những chỗ đất trống thì trồng xuống với niềm hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều cây xanh ở nơi này, thế hệ mai sau khi lên núi không chỉ để săn mây, ngắm cảnh mà có cả cây ăn trái để thưởng thức. Nghĩ thế thôi mà lòng tôi ngân lên khúc nhạc rộn ràng của niềm vui.

Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai chú trọng phát triển du lịch, tháng 11 hằng năm Lễ hội hoa dã quỳ Chư Đăng Ya được tổ chức, có rất nhiều hoạt động đặc sắc và hấp dẫn như: Thi cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, phục dựng lễ hội mừng lúa mới của dân tộc J’Rai, thi chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya... Bên cạnh đó là những phiên chợ trưng bày và giới thiệu nông sản sạch của địa phương. Từ vùng đất hoang sơ, lặng lẽ với nghề canh tác hoa màu của bà con J’Rai là chủ yếu, những năm gần đây, làng Ia Gri bừng lên sức sống mới, rộn ràng, khởi sắc nhờ hoạt động du lịch... Nhầm tưởng tôi là khách lạ nơi xa đến, em bé J’Rai nhoẻn miệng cười và chỉ tay về phía con đường lên núi như sợ chúng tôi không quen không biết đường. Sự thân thiện của em khiến tôi tin tưởng rằng, không lâu nữa, ắt hẳn bà con nơi đây sẽ làm du lịch rất tốt, tốt như nghề làm nông mà bao đời nay họ vẫn gắn bó vậy.

Đến Chư Đăng Ya vào dịp lễ hội hoa dã quỳ, bạn sẽ được hòa mình vào không khí của lễ hội, được thưởng thức những món ăn dân dã, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, cùng nắm tay cô gái J’Rai hòa vào nhịp điệu cồng chiêng, vít cần uống cạn cùng nhau một “can” rượu cần để kết thân, làm bạn, để cùng nhau nhảy múa. Say sưa. Chuyếnh choáng. Thả hồn mình vào với thiên nhiên, đất trời, văn hóa, dòng người rộn ràng để cảm nhận cái tình của người và đất nơi đây.

Tôi đứng yên giữa đất trời cao nguyên, dưới chân là đất đỏ bazan quyện dính, trên đầu là mây, là sương. Dang tay hứng lấy sợi nắng đang vắt ngang đóa dã quỳ, cánh bướm khẽ bay lên... Ẩm ướt, mềm mại, mạnh mẽ, đê mê... Chư Đăng Ya như thiếu nữ vùng sơn cước mang trong mình tình yêu mãnh liệt, nồng nàn. Lúc nào cũng muốn dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu... như trời, như đất, như núi non, cảnh vật nơi đây, mùa nào cũng vậy luôn tận hiến hết thảy vẻ đẹp của mình cho nguồn sống.

Bút ký của PHÚC AN