Chúng tôi đến thăm Chư Đăng Ya theo lời mời của Phương Linh, cô phóng viên trẻ của Báo Gia Lai. Nằm cách thành phố Pleiku hơn 20km về phía bắc, đường đến Chư Đăng Ya khá thuận lợi. Xe chúng tôi chạy chậm giữa con đường nhựa bằng phẳng. Ven đường là những cánh rừng thông cổ thụ, xen cạnh đó là những vạt đồi cà phê, hồ tiêu ngút ngàn tầm mắt. Trong không gian bàng bạc của đất trời, Phương Linh kể với chúng tôi câu chuyện nhuốm màu thời gian về ngọn núi cổ tích. Chư Đăng Ya theo tiếng địa phương là "núi vườn gừng". Ngày xưa, có một bà cụ sống ở ngôi làng dưới chân núi. Một ngày, bà bị đau bụng rất nặng, các thầy cúng tìm đủ mọi cách mà không chữa được. Khi quá tuyệt vọng, bà gắng sức leo lên ngọn núi gần nhà mong một phép màu đến với mình. Lên đỉnh núi, bà thấy những khóm cây mọc xanh tốt kỳ lạ. Bà đào lên ăn thử thì thấy trong người ấm hẳn lên, cơn đau bụng cũng đỡ dần. Câu chuyện lan rộng quanh vùng, sau này người ta đã gọi tên cho ngọn núi theo tên gọi của loài cây quý.
 |
Những mảng màu tươi mới trên vùng đất Chư Đăng Ya. |
Thực ra, Chư Đăng Ya là dấu tích của ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hàng triệu năm. Trải qua thời gian, lớp đất bazan màu mỡ nơi đây được người dân địa phương khai phá, phủ lên một màu xanh mát của gừng, ngô, khoai, dong giềng… Điều đặc biệt của vùng đất này đến vào lúc giao mùa khoảng giữa cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Khi những giọt nắng đầu tiên rải đều trên nền đất, cây cỏ nơi đây vươn mình mạnh mẽ sau thời gian dài ngủ vùi dưới mưa. Rồi một ngày, người ta chợt nhận ra, khắp các triền núi đã nhuộm vàng sắc hoa dã quỳ từ bao giờ.
Cột mốc đầu tiên của du khách khi đến với Chư Đăng Ya là những cây cổ thụ dưới chân núi. Những thân cây cổ thụ to dễ đến 5 người ôm không hết như người lính thủy chung bao năm canh gác khu vườn cổ tích nơi đây. Từ đây, chúng tôi bắt đầu chinh phục ngọn núi qua còn đường đất đỏ khá trơn và dốc. Bước đi trên con đường, thật khó có cảm giác cô đơn khi những bông hoa dã quỳ hiếu khách như cố tình chạm cánh hoa lên người, sà cả xuống mặt đất để đón chào những vị khách mới đặt chân đến. Đôi khi, giữa không gian tĩnh mịch, ta bắt gặp người dân địa phương đi làm đồng trên những chiếc xe máy đã cũ kỹ. Tiếng động cơ xe máy nổ hết công suất cố gắng bám mặt đường. Cả xe và người nhuộm màu đất đỏ.
Mất đôi chục phút đi bộ, chúng tôi đã có mặt trên đỉnh núi Chư Đăng Ya. Cảm giác cả dốc núi cao bỗng chốc đổ sụp xuống thành lòng chảo rộng như chiếc bát màu sắc mà vị tiên nào lỡ bỏ quên giữa vùng cao nguyên nắng gió. Từ đỉnh núi, ta có thể bao quát được quang cảnh rộng lớn. Những thảm xanh, vàng như lát cắt gọn gàng được phân khúc dưới lòng chảo. Tất cả được phủ thêm lớp vàng óng ả của màu nắng. Dưới nền trời xanh thẳm, pha thêm đôi ba lớp sóng mây bao phủ, dáng núi trở nên nổi bật như một bức tranh màu sắc của đất trời.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN