Nguồn tài nguyên phong phú cho du lịch

Nhắc đến dân tộc Khmer, người ta thường nghĩ đến những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo cùng nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc như: Lễ Chôl Chnăm Thmây; Ok Om Bok; Sen Dolta; hát múa rô băm, sân khấu kịch hát dù kê, nghệ thuật điêu khắc, trang trí, hội họa, các tác phẩm văn học dân gian... Khai thác những nét đặc sắc vốn có của đồng bào Khmer, ngành du lịch và nhiều doanh nghiệp lữ hành đã khảo sát, đưa vào các tour, tuyến du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết: “Một trong những điểm nổi bật của hệ thống tài nguyên du lịch Trà Vinh là các kiến trúc công trình liên quan đến thiết chế văn hóa tôn giáo của đồng bào Khmer, tiêu biểu là hệ thống các ngôi chùa. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh với nhiều điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa Khmer như: Làng Văn hóa-Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh ở TP Trà Vinh và huyện Châu Thành, các ngôi chùa Khmer, làng nghề dệt chiếu Cà Hom ở huyện Trà Cú, làng làm cốm dẹp Ba So ở huyện Cầu Ngang”.

Tại Sóc Trăng, nhiều di tích, lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer đã trở thành chất liệu để các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch thiết kế hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc sắc. Ông Dương Hồ Nhật Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Du lịch Ba Xuyên (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Hiện nay, công ty có nhiều tour với các điểm đến mang đậm bản sắc vùng đất Tây Nam Bộ, trong đó có tour mang tên "Sóc Sờ Bai Sóc Trăng" với điểm đến là các ngôi chùa Khmer, trải nghiệm nghề làm cốm dẹp, theo dõi chương trình phục dựng lễ cúng trăng của đồng bào Khmer”.

Múa apsara - vũ điệu độc đáo, ấn tượng của đồng bào Khmer. 

Chưa khai thác hết tiềm năng

Dù có nhiều tiềm năng, song khi thâm nhập thực tế tại các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer sinh sống như: Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang... chúng tôi nhận thấy chính quyền địa phương còn bỏ ngỏ đối với tài nguyên du lịch này. Minh chứng cụ thể là chùa Snaydonkum, còn gọi là chùa B-52, tọa lạc tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2013. Với những chứng tích chiến tranh còn để lại, ngôi chùa được xem là điểm du lịch kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử rất đặc biệt. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm nên theo thời gian, dòng chữ tên chùa đã bị mờ; điểm đánh phá của địch ngày trước không có biển, bảng để nhận biết; riêng phần ao trong khuôn viên ngôi chùa, nơi bom B-52 giội xuống được nhà chùa tận dụng làm ao trồng sen cũng không được quan tâm tôn tạo...

Mới đây, các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chuyến khảo sát các sản phẩm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu và Sóc Trăng. Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) là một trong những địa chỉ gây ấn tượng mạnh với các doanh nghiệp bởi kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp của những công trình giàu tính nghệ thuật. Đặc biệt, chùa Xiêm Cán còn hút hồn các doanh nghiệp với phần trình diễn nhạc ngũ âm, múa apsara... Ngôi chùa hơn trăm tuổi này được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 2001. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là chùa Xiêm Cán chưa thể trở thành sản phẩm du lịch bởi không có thuyết minh viên, các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn đơn điệu và thiếu các dịch vụ phục vụ du khách.

Tương tự, những điểm thu hút du khách mỗi khi đến Sóc Trăng là chùa Mahatup (chùa Dơi) và chùa Wath Sro Loun (chùa Chén Kiểu). Đến đây, du khách có thể tận mắt nhìn thấy và lắng nghe những âm thanh từ bộ nhạc ngũ âm, chiêm ngưỡng nét đẹp độc đáo từ quần thể kiến trúc chùa. Thế nhưng cả hai ngôi chùa chỉ có thể dừng lại ở điểm tham quan đơn thuần bởi chưa được khai thác, đầu tư một cách bài bản.

Với quan điểm cần chú trọng khai thác nhiều hơn các giá trị văn hóa để hoàn thiện sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách, TS Tạ Duy Linh, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch (Hội Trí thức và Khoa học công nghệ trẻ Việt Nam) cho rằng, dưới góc độ sản phẩm cho du lịch, nhiều điểm tham quan còn ở dạng “tài nguyên thô”. “Các địa phương cần nâng cao chất lượng điểm đến và thu hút đầu tư mạnh hơn từ các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch. Các địa phương nên ưu tiên phát triển những loại hình du lịch cộng đồng gắn với loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; tập trung phát triển cụm, tuyến, chương trình gắn với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch như văn hóa lễ hội, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề”, TS Tạ Duy Linh đề xuất.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần nâng cao chất lượng điểm đến và thu hút đầu tư mạnh hơn từ các doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ du lịch; tận dụng đội ngũ “cây nhà lá vườn” là con em đồng bào Khmer đang học chuyên ngành du lịch về phục vụ cho địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần phát huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của đồng bào Khmer.

Mang nhiều giá trị độc đáo, các di tích văn hóa của đồng bào Khmer cần được đầu tư, chăm chút nhiều hơn để xứng tầm là sản phẩm du lịch. Điều này đòi hỏi sự chung tay, góp sức từ nhiều phía để du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa Khmer sớm trở thành sản phẩm thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh: THÚY AN