Phóng viên (PV): Đồng chí có nhận xét gì về kết quả mà đội tuyển đã giành được trong 10 ngày thi đấu vừa qua? 

Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Ngay sau khi nhận được chủ trương của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học đã thành lập Ban chỉ đạo Hội thao quân sự quốc tế năm 2019 của binh chủng, thành lập Ban huấn luyện, tuyển chọn vận động viên (VĐV). Sau quá trình huấn luyện và luyện tập kéo dài hai tháng theo đúng quy chế của hội thao, đội tuyển đã lựa chọn được 9 đồng chí VĐV xuất sắc nhất, đủ tiêu chuẩn chính thức lên đường tham gia hội thao.

Đây là lần đầu tiên QĐND Việt Nam có đội tuyển tham gia nội dung thi Kíp xe trinh sát thực hiện nhiệm vụ “Môi trường an toàn”, Ban huấn luyện và các VĐV của đội tuyển đã phải khắc phục, vượt qua rất nhiều khó khăn liên quan đến vũ khí trang bị, thao trường, điều kiện khí hậu thời tiết và bảo đảm thực phẩm nơi tổ chức cuộc thi; tập trung trí tuệ tập thể, xây dựng kế hoạch luyện tập cụ thể, chi tiết tới từng cá nhân VĐV, đồng thời đề ra chiến thuật thi đấu phù hợp với thể trạng của người Việt Nam nhằm tạo ra ưu thế trước những đội bạn giàu kinh nghiệm như Trung Quốc, Nga và có tầm vóc to lớn như Ai Cập, Armenia.

Do đó, đoạt giải ba trong lần đầu tiên tham gia Hội thao quân sự quốc tế nội dung Kíp xe trinh sát thực hiện nhiệm vụ “Môi trường an toàn” là sự ghi nhận xứng đáng của Ban tổ chức và Ban trọng tài hội thao đối với ý chí quyết tâm, trình độ kỹ, chiến thuật, tinh thần đoàn kết và sự nỗ lực không mệt mỏi của tất cả các thành viên trong đội tuyển.

leftcenterrightdel
Đại tá Ngô Văn Đĩnh.

PV: Trong các phần thi, đâu là thử thách lớn nhất đối với đội tuyển? Để giải quyết được các khó khăn, Ban huấn luyện đã có những giải pháp gì?

Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Nội dung Kíp xe trinh sát thực hiện nhiệm vụ “Môi trường an toàn” có 3 phần thi có tên gọi lần lượt là “Đơn tổ”, “Bắn súng” và “Tiếp sức”. Đối với mỗi phần thi, Đội tuyển Hóa học Việt Nam phải đối mặt với những thử thách khác nhau, do đó rất khó để nói phần thi nào là khó khăn nhất. Tuy nhiên, phần thi “Tiếp sức” là phần thi mang tính chất tổng hợp, đòi hỏi tất cả thành viên đội tuyển phải có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng, nhanh chóng, chính xác và nhất là phải đồng đều nhau cả về trình độ kỹ năng, khả năng tư duy nhanh và thể lực. Quan sát phần thi của các đội tuyển khác, có thể thấy rằng dù các VĐV thi đấu rất tốt nhưng khâu bảo đảm kỹ thuật thiếu chuẩn xác và không có một chiến thuật thi đấu hợp lý có thể khiến toàn đội tuyển phải trả giá đắt.

PV: Chúng ta đã học được kinh nghiệm gì từ đội tuyển của các nước bạn thông qua việc tham gia Army Games lần này, thưa đồng chí? 

Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Đến với hội thao lần này, Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam tham gia với tinh thần giao lưu, cọ xát, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm trong huấn luyện, luyện tập, khai thác và sử dụng các trang bị khí tài phòng hóa trong hội thao cũng như kinh nghiệm về công tác tổ chức các sự kiện hội thi, hội thao quân sự lớn.

Về công tác tổ chức, nước chủ nhà hội thao lần này đã bảo đảm cho các đội tuyển tham dự điều kiện thao trường, đội ngũ trọng tài và phiên dịch, ăn, nghỉ, luyện tập tương đối tốt, chu đáo, cụ thể, tỉ mỉ và có chất lượng.

Đối với việc huấn luyện, luyện tập và thực hiện các nội dung thi, qua quan sát đội tuyển chủ nhà và các đội tuyển đến từ các quốc gia khác, có thể rút ra một số kinh nghiệm quý báu từ những bài học tốt và cả những hạn chế. Có thể kể tên một vài vấn đề như: Thứ nhất, việc nắm chắc quy chế, điều lệ hội thao là rất quan trọng để có phương pháp tiếp cận vấn đề huấn luyện phù hợp, khoa học, chặt chẽ và đúng đắn, vì đây là kim chỉ nam, là xương sống cho toàn bộ quá trình luyện tập của các VĐV. Ví dụ thực tế tại hội thao lần này cho thấy, phương pháp không phù hợp sẽ dẫn đến kết quả không như mong đợi mặc dù có rất nhiều lợi thế.

Thứ hai, công tác tư tưởng cho các VĐV trong mỗi buổi thi là rất quan trọng. Tinh thần thoải mái và tâm lý tự tin đóng góp rất lớn vào phong độ và kết quả hoàn thành bài thi. Trường hợp Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Thứ ba, tinh thần đoàn kết và thống nhất trong toàn đội tuyển cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Thành công của một đội tuyển trong hội thao không chỉ đến từ các huấn luyện viên, VĐV mà còn nhờ công tác bảo đảm kỹ thuật và việc chăm sóc sức khỏe bảo đảm thể lực.

PV: Không chỉ là nơi thi đấu, Army Games còn là cầu nối hữu nghị giữa các nước tham gia hội thao. Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam đã nhận được sự yêu mến như thế nào từ các đội bạn và đồng chí ấn tượng với phần thi đấu của đội tuyển nào nhất?

Đại tá Ngô Văn Đĩnh: Các VĐV của Việt Nam luôn thể hiện một tinh thần thi đấu cao thượng, tôn trọng các đội bạn. Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam được các chuyên gia, huấn luyện viên nước chủ nhà đánh giá rất cao về tinh thần quyết tâm, phương pháp làm việc, ý chí thi đấu. Ngoài thao trường, tất cả thành viên đội tuyển đã cho bạn bè quốc tế thấy hình ảnh người Việt Nam thân thiện, nhiệt tình, tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Đồng thời, quân đội các quốc gia cũng đã được chứng kiến hình ảnh QĐND Việt Nam là một tổ chức chặt chẽ, có kỷ cương, tác phong công tác khoa học. Nhìn chung, Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho nước chủ nhà và bạn bè quốc tế.

Ngoài đội tuyển nước chủ nhà Trung Quốc là một đội tuyển rất mạnh, đội tuyển đến từ Nga cũng đã để lại dấu ấn rõ nét trong các cuộc thi đấu với trình độ kỹ, chiến thuật cao, đồng đều giữa các thành viên của kíp xe, khả năng bứt phá ấn tượng và tính chính xác trong những thời điểm mang tính quyết định của bài thi.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!   

 

LINH OANH (thực hiện)