Từ lá cờ khẳng định quốc gia
Tháng 4-2024, chúng tôi về Quảng Trị. Chị Võ Thị Hồng, hướng dẫn viên của Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải dẫn chúng tôi đi tham quan. Đây chính là vĩ tuyến 17, nơi mà sau khi Hiệp định Geneva được ký kết ngày 21-7-1954, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền.
Cuộc chiến ở nơi đây đã kéo dài 21 năm, 10 năm đầu tiên là 10 năm chúng ta đấu tranh chính trị, “đấu cờ”, “đấu loa” và “đấu băng rôn”. Từ năm 1956 đến 1967, đã có 267 lá cờ cỡ lớn được thay, lá cờ rộng nhất là 134m2. Ban đầu, cột cờ ở bờ Bắc chỉ là một cây phi lao cao 12m, diện tích lá cờ là 13,6m2. Khi phía bờ Nam, chính quyền ngụy cho thay cột cờ cao hơn, lá cờ to hơn thì bên bờ Bắc, ta lại cho thi công cột cờ cao hơn và lá cờ to hơn của chúng.
 |
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
|
Từ năm 1965, quân ngụy liên tục cho máy bay ném bom, gọi pháo của Hạm đội 7 Mỹ ngoài biển bắn vào và từ Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn ra. Cột cờ ở bờ Bắc bị đánh gãy vào ngày 2-8-1967. Ngay trong đêm đó, một tổ đặc công nước của ta đã bí mật vượt sông, dùng bộc phá đánh gãy cột cờ ở bờ Nam, chấm dứt sự tồn tại của lá cờ 3 sọc trên bầu trời giới tuyến.
Sau ngày đó, ở bờ Bắc có thêm 10 lần dựng cột cờ và 42 lần thay cờ nữa. Để lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện diện, những người mẹ vá cờ Tổ quốc như mẹ Diệm, mẹ Viễn, mẹ Tươi, mẹ Nghỉ không có thời gian ngơi nghỉ. Rất nhiều đêm các mẹ phải thức thâu đêm để vá cờ. Khi bom đạn đánh rách lá cờ, các mẹ lại tay chỉ, tay kim đến chân cột cờ để vá. Khi không đủ màu đỏ, các mẹ quyên góp khăn quàng đỏ của các em học sinh lại để vá lại thành cờ.
Cột cờ Hiền Lương là biểu tượng của quốc gia. Bởi vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ cờ là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ và người dân ở giới tuyến lúc bấy giờ. Bằng mọi giá, dù hy sinh tính mạng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta vẫn luôn giữ cho lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh nơi địa đầu giới tuyến.
Đến biểu tượng của chủ quyền dân tộc
Tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, mộ gió trong khu tưởng niệm là nơi ghi nhớ 64 liệt sĩ, những người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tháng 3-1988.
Ở đây có nhiều kỷ vật của các liệt sĩ: Lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, bộ quân phục của liệt sĩ Lê Văn Xanh, lá cờ Tổ quốc được Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Phương và các đồng đội quyết tâm gìn giữ tới hơi thở cuối cùng.
Lá cờ Tổ quốc bạc màu, mang dấu vết của nắng gió này là chứng tích cho sự hy sinh dũng cảm của các anh, cho sự khốc liệt của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền dân tộc.
 |
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa. Ảnh: HUỲNH VĂN TRUYỀN |
Tiếp nối sứ mệnh của các anh, lá cờ đỏ sao vàng luôn được cán bộ, chiến sĩ Trường Sa bảo vệ, giữ gìn. Những ai đã đến huyện đảo Trường Sa sẽ không quên được những buổi chào cờ. Trong ánh mặt trời buổi sớm, mọi quân, dân đều chỉnh tề dự lễ chào cờ, ai nấy đều tự hào và xúc động dưới lá cờ Tổ quốc.
“Đoàn quân Việt Nam đi...”, giai điệu của Quốc ca như lời nhắc nhở về sự hy sinh và lòng trung thành với Tổ quốc. Lá cờ không chỉ là biểu tượng của dân tộc mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, sự cố kết cộng đồng, là ngọn lửa yêu nước không bao giờ tắt trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ; ở chiến hào, đảo chìm, đảo nổi; ở trên tàu, trên xuồng; trước cổng mỗi nhà dân... Nhìn từ vệ tinh của Google Maps cũng thấy được lá cờ bằng gốm sứ trên nóc nhà chính của đảo Trường Sa. Lá cờ đỏ sao vàng nơi tiền đồn biển, đảo này chính là đại diện cho chủ quyền tối thượng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Và là kỷ vật thiêng liêng
Thôn Thượng Ngạn, xã Văn Lang (Hưng Hà, Thái Bình) có Đền thờ Vua Hùng Nghị Vương - Hùng Vương thứ 17. Đền thờ Vua cùng với đức Phật Đại Đạo Thiên Tôn đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đền đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2003.
 |
Tiếp nhận cờ Tổ quốc ở Trường Sa tại Đền thờ Vua Hùng Nghị Vương, tháng 2-2022. Ảnh do Ban Quản lý Đền thờ cung cấp
|
Khác với những buổi lễ trước, ngày 24-2-2022, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Văn Lang tổ chức lễ tiếp nhận đất, nước, cờ Tổ quốc lấy từ huyện đảo Trường Sa vào đền. Sau nghi thức trang trọng, 6 cựu chiến binh thành kính nhận lá cờ Tổ quốc, chào cờ và treo lá cờ trên gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Kỹ sư, Anh hùng Lao động Vũ Đức Thiện, Trưởng ban Quản lý dự án Đền thờ Vua Hùng Nghị Vương tâm sự: “Bà con mong muốn có lá cờ ở Trường Sa đưa vào đền vì nhiều lẽ thiêng liêng lắm. Ở Thái Bình có rất nhiều con cháu đang công tác ở Quân chủng Hải quân, ở Trường Sa. Đặc biệt, đây cũng là nơi trao quỹ khuyến học cho 1.500 học sinh THCS, tiểu học. Hằng năm, các cháu vẫn về đây dâng hương. Cờ Tổ quốc đây, máu của các chiến sĩ đây, chính lá cờ này sẽ tiếp lửa yêu nước cho các cháu”.
 |
Đại úy Bùi Minh Bưn, Chính trị viên đảo Cô Lin (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) ký tặng cờ các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo, năm 2019. Ảnh: VŨ PHONG |
Chúng tôi cũng vinh dự được chứng kiến lễ nhận cờ Tổ quốc từ Trường Sa của Hội Nhà báo TP Hải Phòng, Trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng). Sự trao - tặng không còn là một nghi thức mà là sự chia sẻ, là sự kết nối giữa những người đã chiến đấu và những người tiếp tục mang trách nhiệm giữ vững chủ quyền, lý tưởng quốc gia.
Khi lá cờ Tổ quốc từ Trường Sa được trao cho đất liền, mọi người đều nói rằng họ không chỉ nhận một biểu tượng mà còn nhận cả di sản của lòng can đảm.
Tôi còn nhớ câu chuyện ông Nguyễn Trọng Đức, một kiều bào tại Hoa Kỳ. Sau ngày 30-4-1975, do không nắm bắt được tình hình trong nước nên ông trở thành người chống lại Nhà nước Việt Nam rất kịch liệt trên mạng xã hội. Thế rồi ông đã được ông Nguyễn Thanh Sơn, khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mời đi thăm quần đảo Trường Sa.
“Đây là lá cờ có chữ ký của Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân Phạm Như Xuân; Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam và đại diện những đảo mà đoàn đã đến thăm”, ông Đức cho biết. Rồi ông kể: “Hôm nay, tôi mang lá cờ này đến đây để xin chữ ký của Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn như một lời cảm ơn người đã đưa đường dẫn lối cho tôi trở về với mẹ quê hương”.
Chúng tôi cũng được Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân kể câu chuyện về chàng phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa ở Gò Công, Tiền Giang. Khoác trên mình quốc kỳ, mang trong tim Tổ quốc, Trần Đặng Đăng Khoa đã đưa lá cờ Tổ quốc từ quần đảo Trường Sa có chữ ký của Chuẩn đô đốc đến 65 quốc gia trên thế giới. Ở đâu, Khoa cũng giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, về lá cờ đỏ sao vàng với niềm tự hào của bao thế hệ người Việt Nam.
Lá cờ Tổ quốc Việt Nam được may từ đất liền đưa ra đảo. Rồi những lá cờ Tổ quốc ấy lại trải qua hành trình trở về đất liền hoặc đi xa hơn nữa để lan tỏa tình yêu Tổ quốc. Như nhiều người trong các đoàn công tác ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã nói: Đoàn ra để động viên cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, nhưng khi đến nơi, những việc làm, cách sống của những người giữ đảo lại là lời động viên với cả đoàn: Còn chúng tôi, còn cờ Tổ quốc là còn tàu, còn đảo.
Bút ký của NGUYỄN VĂN TOÀN (nguyên Tổng biên tập Báo Hải quân Việt Nam)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.