Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn của đất nước, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước đầu, song cho đến nay, tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh.

Đáng chú ý, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như: Tình trạng lãng phí và kìm hãm sự phát triển, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào cuộc sống. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến tình trạng “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, xuất hiện nhiều tiêu cực cùng tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.

Công tác tổ chức, cán bộ - Việc khó làm trước

Với quyết tâm giải quyết thấu đáo, hiệu quả, dứt điểm một vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm đã đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng về xây dựng hệ thống chính trị mang tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; chỉ rõ một số công tác trọng tâm nhằm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó nêu giải pháp tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” và yêu cầu rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Không chần chừ, Việt Nam đã tiến hành ngay cuộc cách mạng lớn, mạnh mẽ, khẩn trương và chưa từng có trong lịch sử, đó là tinh gọn bộ máy, xóa bỏ cấp trung gian, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Với số lượng đơn vị hành chính mới, chúng ta tiến hành thành lập tổ chức đảng tương ứng.

Trước cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhìn thấy những yêu cầu lớn đang đặt ra đối với văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới. PGS, TS Phan Hữu Tích, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Kỳ này, chúng ta làm mạnh mẽ, phải vượt qua những gì mà trước đây chúng ta còn nghi ngại hoặc không dám đi thẳng vào những bế tắc đó để tháo gỡ. Đương nhiên, hành động phải có trí tuệ, có trách nhiệm! Ví dụ, bây giờ đã kết thúc hoạt động của một số tổ chức Đảng như Đảng đoàn và Ban cán sự đảng, thì chúng ta cũng phải sửa Điều lệ Đảng. Vì Điều 42, Điều 43 Chương IX đã xác định Đảng lãnh đạo Nhà nước, Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và có hai điều nói về Đảng lãnh đạo qua mô hình Đảng đoàn, ở các cơ quan hành pháp và tư pháp là Ban cán sự đảng. Như thế, rõ ràng cần phải sửa Điều lệ Đảng, chứ không phải chờ đến Đại hội sau chúng ta mới sửa”.

Người dân làng chài Vạn Vỹ (Hà Nội) được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2018. Đây là việc lớn, việc khó mà Đảng bộ, chính quyền địa phương đã làm được.

Từ 1-7-2025, các đơn vị hành chính mới và các đảng bộ tương ứng cũng chính thức hoạt động và chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp mình. Đồng chí Phạm Ngọc, nguyên Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lưu ý rằng: “Đến thời điểm này, các đảng bộ xã, tỉnh, thành (cũ) khi chưa sáp nhập đều đã xây dựng xong dự thảo văn kiện chính trị của cấp mình. Việc xây dựng dự thảo văn kiện chính trị của đảng bộ xã, tỉnh, thành (mới) không có nghĩa là sự cộng cơ học văn kiện chính trị của các đảng bộ cũ lại với nhau! Đổi mới trong xây dựng văn kiện ở đây chính là sự phù hợp với không gian, điều kiện phát triển mới của địa phương, đơn vị mới”.

Liên quan đến công tác cán bộ, trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm dành nhiều sự quan tâm đối với Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và yêu cầu không để xảy ra tình trạng sao chép, rập khuôn báo cáo một cách máy móc hoặc kiểm điểm qua loa, đại khái, hình thức cho có. Việc kiểm điểm cấp ủy cần bám sát quy chế làm việc, chương trình hành động, kết quả lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Lấy kết quả đầu ra cụ thể của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, cùng với sự hài lòng của nhân dân làm tiêu chí đánh giá. Cần thẳng thắn, khách quan chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, mức độ khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém đã được phát hiện, trên tinh thần tự phê bình và phê bình, không nể nang, né tránh. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Báo cáo kiểm điểm cần gắn trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, người được phân công phụ trách các lĩnh vực, địa bàn; coi đây là cơ sở quan trọng để đánh giá cấp ủy viên trong nhiệm kỳ và giới thiệu nhân sự cho khóa mới. Từ đó, tuyệt đối không lựa chọn cán bộ không được quần chúng nhân dân tín nhiệm, cũng không giới thiệu những cán bộ lãnh đạo “dĩ hòa vi quý”, “tròn vo” để lấy phiếu bầu.

Bàn về công tác cán bộ, GS, TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta còn thiếu chủ trương bồi dưỡng nhân tài. Hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất trong sử dụng cán bộ của chúng ta là bình quân về mặt chế độ, chính sách nên không phát huy được. Mức lương, ngạch bậc có tính chất cào bằng nên không động viên được. Rồi mức lương bên trong Nhà nước còn thấp hơn bên ngoài thị trường, đấy cũng là vấn đề. Khắc phục tổng thể những điều đó có thể tạo sức bật lớn cho công tác cán bộ”. Thiết nghĩ, dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp cần chú trọng đi sâu phân tích cách làm, kết quả và giải pháp về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ tới với tầm nhìn dài hạn trong các giai đoạn tiếp theo.

Thường xuyên định hướng vấn đề lớn, mới, phức tạp

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được nêu rõ tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, đó là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng đối với những vấn đề lớn, mới, phức tạp, nhạy cảm trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng hoặc cho chủ trương thí điểm một số nội dung cần thiết.

Bám sát nội dung này, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhiều bài viết, bài phát biểu quan trọng trên các lĩnh vực, vừa mở ra “một con đường lớn” ở tầm vĩ mô, lại vừa xác định rõ được những điểm chi tiết, cụ thể. Công tác lãnh đạo không chung chung mà đi thẳng vào những vấn đề khó nhất, “nóng” nhất, kéo dài nhiều nhiệm kỳ; xác định được những giải pháp quan trọng, đột phá và mang tính hành động mạnh mẽ, quyết liệt, thể hiện một quyết tâm chính trị rất lớn của người đứng đầu Đảng ta trong việc giải quyết thấu đáo, dứt điểm các vấn đề lớn đã và đang đặt ra. Những nội dung này cần tiếp tục được nêu và nghiên cứu, phát triển, phân tích kỹ trong dự thảo văn kiện Đại hội XIV và dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp.

PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khẳng định rằng, các bài phát biểu và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian vừa qua đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII với tư tưởng lớn, coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây đều là những vấn đề cốt yếu. Bổ sung thêm nội dung này, đồng chí Phạm Ngọc nhấn mạnh: “Chúng ta đang tiến tới tổng kết 40 năm sự nghiệp đổi mới đất nước, cần làm sáng tỏ một vấn đề là sau 40 năm, chúng ta đã thực sự định hình được về lý luận của đổi mới ở Việt Nam chưa? Đây là một câu hỏi lớn! Và nếu câu trả lời là đã định hình được rồi, thì cần cụ thể hóa, làm rõ lý luận về đường lối đổi mới đất nước”.

Còn theo GS, TSKH Phan Xuân Sơn, quản trị quốc gia, quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội là vấn đề lớn. Trong vấn đề lớn có vấn đề mới, như cách mạng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, phòng, chống tham nhũng ở mức độ phục vụ quản trị quốc gia... “Tuy nhiên, nhận thức thế nào là vấn đề lớn, mới, phức tạp, nhạy cảm không đơn giản. Ở tầm Trung ương, những vấn đề đó có quy mô toàn quốc. Nhưng ở tầm địa phương, cơ sở, những vấn đề này phải được quy chiếu về, từ đó xác định được cụ thể, rõ ràng những nút thắt cần tháo gỡ trong lĩnh vực, địa bàn của mình. Lúc này, cán bộ cấp ủy đóng vai trò lãnh đạo phải rất tâm huyết, có trình độ, có tư duy chiến lược, tư duy lãnh đạo, thì mới xác định được đúng vấn đề để có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo”, GS, TSKH Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.

Xã Trung Châu (Hà Nội) đã tháo gỡ thành công “điểm nóng” tranh chấp đất nông nghiệp.

 

Có thể thấy, việc xác định vấn đề lớn, mới, phức tạp, nhạy cảm không dễ dàng. Việc đưa những nội dung này vào văn kiện đại hội Đảng để nỗ lực giải quyết còn khó hơn nhiều. Bởi điều này không chỉ phụ thuộc vào năng lực, trình độ, mà còn phụ thuộc vào bản lĩnh, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu.

Theo đồng chí Đỗ Văn Đang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Châu (huyện Đan Phượng cũ, Thành phố Hà Nội), cán bộ phải có bản lĩnh thì mới làm được việc khó. Thậm chí, có bản lĩnh thì mới có thể vượt lên chính mình để thực hiện tốt nhiệm vụ. “Những việc khó mà chúng ta không làm được là do nhiều yếu tố, khó về cơ chế, khó về kinh phí, khó về quy định. Thế nhưng trong đó, có những trường hợp khó vì không vượt qua được cám dỗ đời thường nên không dám làm”, đồng chí Đỗ Văn Đang chia sẻ.

Hai nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã Trung Châu có tới 8 năm với trọn một nhiệm kỳ (2020-2025) đạt Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu xuất sắc. Riêng nhiệm kỳ 2015-2020, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, với những con số ấn tượng như tỷ lệ giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới đạt tới hơn 465% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 129% kế hoạch. Trung Châu đã giải quyết dứt điểm nhiều việc lớn và khó, có thể kể đến như tháo gỡ thành công “điểm nóng” tranh chấp đất nông nghiệp liên quan đến hơn 50 hộ dân diễn ra từ những năm 1971, xử lý dứt điểm việc lấn ao môi trường của 2 chùa thuộc thôn 10 và thôn 11. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực đưa được 32 hộ dân nghèo với 133 nhân khẩu ở thôn chài Vạn Vỹ lên bờ để an cư. Nhờ đó, người dân thoát khỏi cảnh không nhà, không điện, không nước sạch, không được học hành, cuộc sống lênh đênh trên sông Hồng với nỗi lo tai nạn đuối nước mỗi mùa mưa bão. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, xã Trung Châu sáp nhập với các xã Phương Đình, Thọ An, Thọ Xuân để trở thành xã Liên Minh. Tin tưởng khi sáp nhập các xã, tổ chức chọn được những người trẻ hơn, năng động hơn, có trình độ, uy tín để bộ máy mới hoạt động tốt hơn, đồng chí Đỗ Văn Đang cũng bày tỏ: “Một chủ trương đúng thì có thể phát huy tác dụng rất lớn. Chính vì thế, đội ngũ Ban Chấp hành khóa mới của xã Liên Minh cần nghiên cứu kỹ để xác định đúng vấn đề lớn, mới, đưa vào Dự thảo Văn kiện đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ tới. Muốn vậy, cần tìm hiểu, nắm chắc nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương”.

Như vậy, để đổi mới văn kiện đại hội Đảng, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo sát tình hình; phân tích thấu đáo những vấn đề nổi lên đang tác động trực tiếp đến các ngành, các cấp, các địa phương, các cơ quan, đơn vị; xác định rõ tiềm năng, lợi thế phát triển, với phương châm “Tầm nhìn quốc gia, hành động địa phương, đồng hành của doanh nghiệp, trách nhiệm của người dân”. Tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.

VĂN DUYÊN - PHAN LIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết Vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.