Công việc trước mắt rất bộn bề, nặng nề...

Hội nghị lần thứ 11 (từ ngày 10 đến 12-4-2025) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được đánh giá là hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước ta. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Công việc trước mắt rất bộn bề, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi cấp bách, nhân dân, cán bộ, đảng viên đang mong chờ, nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, gian khó...”.

Tại hội nghị này, với những quyết sách về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cùng với nhiều đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử. Mục tiêu đặt ra là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn; đồng thời, mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt được những kết quả tích cực. Ảnh minh họa/Ảnh: baochinhphu.vn 

Để đạt được các mục tiêu đó, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trước hết, theo nhiều đánh giá thì cuộc cách mạng lần này có tính bước ngoặt, chưa từng có trong lịch sử. Lịch sử 80 năm từ ngày lập quốc, chúng ta đã nhiều lần tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhưng mới chỉ ở một phạm vi, mức độ nhất định nên chưa toàn diện, đồng bộ, chưa ổn định, bền vững. Cuộc cách mạng tinh gọn lần này được triển khai với tinh thần cách mạng tiến công, “vừa chạy vừa xếp hàng”, làm căn cơ, bài bản, triệt để. Và, vì chưa có trong tiền lệ nên hàng loạt phát sinh cần tháo gỡ như: Những nội dung hiến định và pháp luật liên quan; bố trí sắp xếp và chính sách với đội ngũ cán bộ; trình độ quản trị, năng lực lãnh đạo, điều hành của cán bộ trong hệ thống hành chính mới; chức năng, nhiệm vụ, giải pháp để các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn; đồng bộ là gắn với tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031...

Bên cạnh cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện chủ trương đột phá của nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57). Phát biểu tại một phiên họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính, khẳng định đây là những việc "không làm không được, nhưng làm phải có hiệu quả, chuyển mạnh mẽ từ nhận thức thành hành động, mang lại kết quả cụ thể, lợi ích cho quốc gia, dân tộc, cho nhân dân". Nhiều hạn chế được chỉ ra khi triển khai Nghị quyết 57, như: Chuyển đổi số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện chỉ khoảng 30% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cải cách hành chính chưa được quan tâm đúng mức, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Nhân lực cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ, thái độ làm việc và đạo đức nghề nghiệp; chưa có cơ chế hợp tác công-tư trong huy động nguồn lực...

Công cuộc tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, khơi thông mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 từ 8% trở lên, tạo tiền đề tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo đang được triển khai quyết liệt. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngày càng được đổi mới, tuy nhiên vẫn còn không ít hạn chế trong nội dung giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; thủ tục hành chính vẫn rườm rà, ảnh hưởng tới thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Đầu tháng 4-2025, Mỹ công bố áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, đã tác động sâu rộng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trước những diễn biến “chưa từng có” ấy, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những đối sách rất khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”

Giải quyết các nhiệm vụ bộn bề, công việc hệ trọng, những quyết sách lịch sử vừa qua, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đồng tâm hiệp lực, tiến hành đồng bộ các giải pháp với sự quyết đoán, quyết liệt cao độ để đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 vào ngày 12-4-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 7 công việc cần làm ngay, trực tiếp giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, từng bước hiện thực hóa các quyết sách lịch sử mà Trung ương đã quyết nghị. Đáng chú ý là phải chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng trong cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức của mình cũng như tham gia định hướng dư luận xã hội. Trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cần rất quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp; chủ động phương án quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực...

Việc triển khai các công việc hệ trọng trên, cốt yếu nằm ở tâm, tầm và tài của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Cần có sự công tâm và biết hy sinh, đúng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Không được có tư tưởng "quyền anh, quyền tôi", địa phương này, địa phương kia. Tất cả vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân. Triển khai các công việc trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan; có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó”...

Đáng chú ý, trong dự thảo các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIV đã được Trung ương thông qua trước khi lấy ý kiến của tổ chức đảng các cấp và toàn dân, có nhiều điểm rất mới. Đó là, về mục tiêu cao nhất của Đại hội XIV là quyết định những vấn đề chiến lược để bảo đảm "ổn định, phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân"; yêu cầu cao của giai đoạn tới là "phát triển chất lượng cao, phát triển nhanh và phát triển bền vững", "chủ động, tự cường và tự chủ trong phát triển"; quyết tâm mạnh mẽ "xác lập mô hình tăng trưởng mới", "xây dựng nền giáo dục quốc dân hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới" là các giải pháp căn cơ để khắc phục nguy cơ tụt hậu. Trong mô hình tăng trưởng mới, lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, trong giai đoạn cách mạng mới, cần tập trung xác định và triển khai mạnh mẽ nội hàm "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", mô hình điểm về các tỉnh "xã hội chủ nghĩa", các xã "xã hội chủ nghĩa"...

Đó vừa là những đột phá về tư duy của Đảng ta, vừa là các định hướng chiến lược, hiện thực hóa khát vọng phát triển trong kỷ nguyên mới, thực hiện bằng được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao...

Đất nước đang trong thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt, với hàng loạt quyết sách lịch sử trong 300 ngày qua đã củng cố niềm tin và nhân lên sức mạnh mới trong cả hệ thống chính trị và toàn dân. “Đường lớn đã mở, đi tới tương lai... Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”. Tinh thần ấy đang được truyền cảm hứng đến mọi người dân Việt Nam với một khí thế và quyết tâm, kỳ vọng lớn...

HOÀNG TIẾN - NGUYỄN DUYÊN - DUY THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết Vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.