Chuyển động mạnh mẽ từ “bộ tứ trụ cột”
Quả thực, khí thế đổi mới và hành động chưa bao giờ rõ rệt như lúc này. Từ nghị quyết, chủ trương của Đảng, các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ trụ cột" giúp Việt Nam cất cánh (gồm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia (KHCN, ĐMST, CĐSQG-Nghị quyết 57), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59), xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66) và phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), được gấp rút triển khai.
Theo đó, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” đã trở thành phương châm hành động, cách thức thực hiện được các cấp, các ngành quán triệt, triển khai nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cả hệ thống chính trị, từ khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng khẩn trương vừa làm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bảo đảm nhanh nhưng chắc chắn, có nguyên tắc, trình tự, không gây xáo trộn.
 |
Ảnh minh họa: vov.vn |
Quá trình đó, “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”. Ở Trung ương, Quốc hội họp bất thường để giải quyết những điểm nghẽn; Hiến pháp và nhiều bộ luật, nghị quyết được sửa đổi, thông qua, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Chính phủ chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật; lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp về các vấn đề cần tháo gỡ. Ở địa phương, thực hiện giảm cấp hành chính trung gian, sáp nhập đơn vị hành chính, xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, vận hành thử để thực hiện chính thức từ ngày 1-7...
Một cuộc cách mạng có quy mô lớn, tác động sâu rộng, nhưng tiến độ, ngày giờ hoàn thành từng nhiệm vụ được ấn định cụ thể.
Số liệu về tinh gọn bộ máy đã được ghi nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quan trọng hơn là việc tinh gọn bộ máy không chỉ là cắt giảm cơ học số lượng cơ quan, mà đã gắn với kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Những công việc đang làm trước đây tiếp tục được kế thừa. Nhân sự được sắp xếp theo hướng chọn lọc. Giảm khâu trung gian không cần thiết giúp bộ máy vận hành nhanh, linh hoạt hơn, giảm tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; nguồn lực được tập trung cho những lĩnh vực cốt lõi. Một trong những “quả ngọt” bước đầu nhân dân được thụ hưởng là quyết định miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, những đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Trên lĩnh vực kinh tế, với quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Chính phủ đang làm quyết liệt, ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo đà tăng trưởng 2 con số ở những năm sau. Chuyển trọng tâm ĐMST lên vai doanh nghiệp, nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo tìm giải pháp khơi thông điểm nghẽn, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Chưa bao giờ chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị thúc đẩy kinh tế như vậy. Từ giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu dùng, cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kinh tế tư nhân, đến đột phá phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số, xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế... Với tinh thần hành động, các cuộc gặp gỡ, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước... liên tiếp được tổ chức. Từ những cuộc làm việc khẩn trương không kể ngày đêm, không có ngày nghỉ như vậy, các cam kết ủng hộ quyết tâm của Chính phủ đã được đưa ra.
Để kinh tế phát triển bền vững, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng ta đề ra với những yêu cầu, nhiệm vụ mới khẩn trương, cấp bách. Đặc biệt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra “bộ ba” cần phải loại bỏ đó là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.
Với tư duy chiến lược tìm đường đưa đất nước phát triển, Đảng ta nhấn mạnh KHCN, ĐMST, CĐSQG. Chỉ hơn nửa tháng sau khi Nghị quyết chuyên đề và Ban chỉ đạo Trung ương về lĩnh vực này ra đời, ngày 9-1-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động. Trên tinh thần “5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, 7 nhiệm vụ cụ thể với các ban, bộ, ngành, địa phương; danh mục các chỉ tiêu, các nhiệm vụ theo từng mốc thời gian: Hằng năm, thường xuyên, tháng, năm..., được xác định. Cùng với đó, Quốc hội cũng đang khẩn trương rà soát, sửa đổi các luật liên quan, bổ sung ngân sách; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐSQG, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là “cởi trói” cho chi tiêu nghiên cứu...
Nếu Nghị quyết 68 xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, thì Nghị quyết 57 nhấn mạnh doanh nghiệp là trung tâm ĐMST. Tất cả như một luồng sinh khí mới, lời “hiệu triệu” hành động mạnh mẽ. Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ: Viettel sẽ tập trung nguồn lực phát triển các công nghệ hiện đại, làm chủ công nghệ lõi trong nhiều lĩnh vực. Mục tiêu là: Đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến và hệ sinh thái lõi mạng truyền dẫn cho 5G; đến năm 2030 có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại; trong năm 2025, sẽ hoàn thành đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ hiện đại; đến năm 2030, sẽ có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Cả hệ thống tiến về phía trước
Báo cáo xu hướng tìm kiếm quý I-2025 do Công ty Công nghệ Cốc Cốc công bố cho thấy, các từ khóa liên quan đến “sáp nhập bộ”, “tinh gọn bộ máy” tăng 162%, từ khóa “sáp nhập tỉnh, thành” tăng vọt 439%. Xu hướng này phản ánh sự quan tâm đặc biệt của người dân đối với các quyết sách của Đảng, Nhà nước.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta đang sống trong thời khắc đặc biệt, những thay đổi đúng hướng đã và đang tạo ra sự tin tưởng, đồng lòng ngày càng lớn từ người dân. Chủ trương, quyết sách của Trung ương không chỉ được phổ biến như những văn kiện hành chính, mà đã thực sự trở thành ngọn lửa truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Từ người đứng đầu Đảng đến từng cán bộ cơ sở, sự quyết liệt là điểm chung rõ nét. Tinh thần dám nghĩ lớn, hành động quyết liệt và hướng tới người dân không chỉ khơi dậy khát vọng phát triển mà còn là những chỉ đạo cụ thể, sâu sát và kiên quyết phải “làm thực, làm nhanh, làm có kết quả”. Dưới sự dẫn dắt ấy, nhiều nơi đã xây dựng kế hoạch hành động, tạo ra sự lan tỏa chủ động thay vì chờ đợi. Bước chuyển mới trong tư duy thực thi chính sách: Không còn thụ động, mà chủ động, sáng tạo; không làm theo chỉ đạo một chiều, mà hướng tới hiệu quả thực chất. Tinh thần phục vụ thay cho quản lý, đồng hành thay cho áp đặt, kiến tạo thay cho can thiệp... đang dần trở thành phong cách mới trong quản trị địa phương.
Theo Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì tinh thần đổi mới, cải cách đã có từ những kỳ đại hội và nhiều văn kiện trước đây, nhưng chưa bao giờ cả hệ thống chính trị chuyển động nhanh, quyết liệt như hiện nay. Đây có thể coi là cuộc đổi mới lần 2, mang tính toàn diện, hướng tới những mục tiêu lớn lao và tạo ra sự hứng khởi lớn cho toàn xã hội. Tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ, cuốn phăng mọi tâm lý băn khoăn, chờ đợi, ngại ngần. Cả hệ thống cứ băng băng tiến về phía trước. Có ý kiến lo ngại nhưng vẫn cho rằng cần phải làm, bởi đây là cơ hội để bứt phá. Điều đó chứng tỏ các chủ trương, quyết sách đã và đang thực sự đi vào cuộc sống.
Đổi mới nhằm phục vụ người dân tốt hơn, đó không chỉ đơn thuần là cắt giảm đầu mối mà còn là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ tới cấp xã. Dù chưa thể vận hành trơn tru ngay, bởi mọi mô hình mới đều cần thời gian thích nghi, nhưng chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào hiệu quả lâu dài.
(còn nữa)
HOÀNG TIẾN - NGUYỄN DUYÊN - DUY THÀNH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết Vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.