Đó là: Nhiều điểm nghẽn, rào cản, nút thắt về thể chế tồn tại lâu năm vẫn chưa được tháo gỡ, loại bỏ. Nguy cơ “dậm chân tại chỗ”, nguy cơ tụt hậu, nhất là tụt hậu về kinh tế, về khoa học, công nghệ và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” còn tiềm tàng. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được khắc phục triệt để; tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi”, “lạc quan tếu”, báo cáo không trung thực, cán bộ thiếu năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái... đều là những “miếng mồi” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá, để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Những nguy cơ, thách thức này đe dọa trực tiếp đến quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Thiết nghĩ, văn kiện đại hội Đảng qua thực tế ở mỗi cấp cần “nhìn thẳng” vào những sự thật này để phân tích, thảo luận.
Đổi mới tư duy để dám “nhìn thẳng vào sự thật”
Theo PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” đã có từ Đại hội VI của Đảng. Chỉ khi dám nhìn thẳng vào sự thật, ta mới có thể tiến hành đổi mới thành công được. PGS, TS Đào Duy Quát nhấn mạnh: “Đổi mới tư duy để dám nhìn thẳng vào sự thật! Từ cách tiếp cận đúng thì mới có thể tìm ra được những giải pháp đúng. Đất nước sẽ bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai theo tinh thần này, tức là với tư duy mới để bước vào kỷ nguyên mới!”.
Muốn văn kiện đại hội Đảng “nhìn thẳng vào sự thật”, theo nhiều chuyên gia, đi cùng những con số tổng kết “khô cứng”, cần xem xét tới việc đưa ra những dẫn chứng, những câu chuyện cụ thể, những tấm gương khen - chê có địa chỉ rõ ràng. Theo PGS, TS Phan Hữu Tích, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương, văn kiện phải có tính khái quát cao, việc đưa những tấm gương, các điển hình nếu làm không tốt, không khéo cũng có thể khiến văn kiện bị dài dòng, không bảo đảm dung lượng. Tuy nhiên, nếu chỉ vì điều đó mà chúng ta viện cớ để văn kiện thiếu tính cụ thể thì không được! “Chúng tôi nghĩ, phải lựa chọn những sự kiện, vấn đề xã hội thật điển hình để đưa vào. Ví dụ, một vấn đề của Đại hội XIII mà cán bộ, đảng viên cũng thấy rất xót xa, đó là sau Đại hội, hàng loạt cán bộ của Trung ương quản lý rồi cán bộ chủ chốt sai phạm bị xử lý. Cũng không nhất thiết phải nêu tên người cụ thể trong báo cáo, nhưng khi nhắc tới sự kiện ấy, những hành vi khái quát ấy, thì người ta sẽ biết đấy là ai!”, PGS, TS Phan Hữu Tích nhấn mạnh.
 |
Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Bên cạnh đó, văn kiện đại hội Đảng cần phân định rõ 2 nhóm vấn đề: Vấn đề mới phát sinh và vấn đề tồn đọng, nhất là tồn đọng đã nhiều nhiệm kỳ. Đối với vấn đề mang tính chất “tồn đọng”, không nói nguyên nhân một cách chung chung, mà các báo cáo cần dành dung lượng nhiều hơn cho việc xem xét thật chi tiết, tỉ mỉ căn nguyên. Mục tiêu là phải tìm ra căn nguyên đầu tiên đã làm nảy sinh vấn đề để xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, không bỏ sót đối tượng vi phạm và đề ra giải pháp khả thi cũng như lộ trình khắc phục dứt điểm. Thực tế cho thấy trong không ít trường hợp, chúng ta mới chỉ sửa chữa được “phần ngọn” của vấn đề, mà chưa đào sâu để xử lý được “phần gốc” của nó. Bài học rút ra từ nhiều vụ việc là chỉ khi chạm sâu được vào công tác tổ chức cán bộ, tư tưởng cán bộ, chúng ta mới xử lý được dứt điểm “phần gốc” của hầu hết vấn đề.
Trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ yêu cầu: “Trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt” và “Nhận diện, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để từ đó rút kinh nghiệm, đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025-2030”. Sứ mệnh của văn kiện đại hội Đảng các cấp chính là đạt được mục tiêu quan trọng này.
PGS, TS Phan Hữu Tích cho rằng: “Lâu nay, chúng ta nói về kinh nghiệm, nhưng chúng ta mới chỉ chú ý kinh nghiệm thành công thôi. Phải chăng kỳ này, chúng ta cần tổng kết một cách kỹ càng kinh nghiệm không thành công, kinh nghiệm rút ra từ cả sự yếu kém. Có thể nói, nội dung này hiện còn đang làm nhẹ. Do đó, cần có sự quán triệt mạnh mẽ, sâu sắc và yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên có ý thức, trách nhiệm chính trị rất cao về điều này. Song song đó, cần có biện pháp, cách thức khuyến khích cấp ủy và các địa phương đặc biệt thành thật. Mặt khác, chúng ta động viên sự tham gia của xã hội. Tôi nghĩ cũng cần hết sức mạnh dạn tiếp thu ý kiến của nhân dân. Nhân dân ở đây tức là những người có hiểu biết, những người có trách nhiệm, trí tuệ, có tầm nhìn và nhiều khi người ta góp ý cũng hơi “nghịch nhĩ”, khó nghe, nhưng ta vẫn cần rất chân thành, rất nghiêm túc tiếp thu”.
Chú trọng tính khả thi
“Nhìn thẳng vào sự thật” không chỉ để “nói rõ sự thật”, mà quan trọng hơn là xác định được những giải pháp khả thi, phù hợp với thực tiễn, thậm chí còn cần đi trước thực tiễn. Trong Nghị quyết số 28 ngày 17-11-2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được nêu rõ là đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đạt hiệu quả cao. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về ban hành văn bản của Đảng; khắc phục tình trạng văn bản không sát với thực tiễn, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, không rõ trách nhiệm, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, các văn kiện đại hội Đảng càng phải khắc phục tốt nhất những nhược điểm này. Giải pháp được đưa ra là: Thật sự coi trọng phần “Tổ chức thực hiện” trong các văn kiện đại hội, để nội dung này được xây dựng chi tiết hơn, mang tính định hướng, hiệu quả hơn và gắn với trách nhiệm cụ thể hơn.
PGS, TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích: “Vấn đề còn là ý chí của người lãnh đạo có quyết tâm làm hay không và cần có yêu cầu đối với cấp dưới khi anh không làm thì sẽ bị xử lý như thế nào. Muốn vậy, cần minh bạch hóa thông tin, như Đại hội XIII của Đảng xác định phải thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Chúng ta cần cả nguồn lực về con người, cần cả kinh phí, vật chất. Bởi vì số hóa không đơn giản, như để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn mà thế giới gọi là “Big data” thì cũng rất tốn kém”. Bên cạnh đó, các báo cáo cần bổ sung thêm phần kiểm tra, giám sát quá trình triển khai, cũng như khắc phục hạn chế, yếu kém với mục tiêu và mốc thời gian cụ thể, rõ trách nhiệm.
 |
Xã Trường Lưu (tỉnh Hà Tĩnh) phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2030.
|
Mặt khác, để bảo đảm tính “khả thi” của các văn kiện đại hội Đảng, có một nội dung không thể bỏ qua. Nội dung này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết “Tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”. Đó là: Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo hướng thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh góp ý theo kiểu hình thức. Căn cứ điều kiện cụ thể của tổ chức đảng và đại hội để định hướng, gợi mở những nội dung cốt lõi, những vấn đề mới. Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, nhất là đối với những vấn đề mới, khó, đồng thời kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, không được phép ngả nghiêng, dao động; luôn tỉnh táo, cảnh giác với mọi âm mưu lợi dụng việc góp ý để xuyên tạc, chống phá.
Cuối cùng, chúng ta cũng biết rõ rằng Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối. Và thường các quyết định, chủ trương được thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đối với văn kiện đại hội Đảng các cấp, sau khi đã hoàn thiện cũng sẽ được đại hội thông qua bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín.
Việc bỏ phiếu kín, nếu người bỏ phiếu thiếu trách nhiệm có thể đưa ra quyết định sai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Có thể nhìn lại một vụ việc điển hình gần đây để rút thêm kinh nghiệm về hình thức bỏ phiếu kín. Đó là trường hợp bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận hối lộ trong vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn. Trớ trêu thay, chưa đầy 3 tháng trước đó, bà Lan vẫn nhận được 46/47 phiếu “tín nhiệm cao” tại kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (tháng 12-2023). Qua đây, theo các chuyên gia, trong những trường hợp cần thiết, cần xem xét tăng cường biểu quyết công khai để nâng cao trách nhiệm của từng thành viên và cả tập thể. PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho rằng: Khi chúng ta có thể hoàn thiện các quy định, các hướng dẫn để công khai danh tính và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người bỏ phiếu, thì trách nhiệm với mỗi lá phiếu, với mỗi quyết định sẽ cao hơn rất nhiều. Khi đã dám chịu trách nhiệm rồi, nếu đưa ra những quyết định sai, không phù hợp, không dự báo đúng tình hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho địa phương, cho quốc gia, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của người dân, thì tùy mức độ, tổ chức ấy, cá nhân ấy cần bị xem xét các hình thức kỷ luật phù hợp...
 |
Lễ đón nhận văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu - Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Theo Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, thời hạn phải hoàn thành đối với Đại hội đảng bộ cấp xã, phường, đặc khu là trước ngày 31-8-2025. Cho đến thời điểm này, các xã, phường mới sau sắp xếp, sáp nhập trên cả nước đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ với tinh thần ngắn gọn, súc tích, đổi mới và chú trọng tính khả thi.
Xã Trường Lưu (tỉnh Hà Tĩnh) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Kim Song Trường, Phú Lộc và Thường Nga với hơn 60 cán bộ, công chức. Với đặc điểm tình hình, không gian và điều kiện phát triển mới, Dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025-2030 đề ra nhiệm vụ tổng quát, đó là: Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức trong sáng, đủ năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với nâng cao đời sống nhân dân; phát huy thế mạnh văn hóa truyền thống của quê hương theo hướng kết nối du lịch văn hóa trên địa bàn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị; phấn đấu đưa Trường Lưu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước năm 2030. Đồng chí Ngô Ngọc Linh, Phó chánh văn phòng Đảng ủy xã Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Để bảo đảm tính khả thi trong Dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ xã, các chỉ tiêu được xây dựng cụ thể, sao cho nội dung chỉ tiêu thiết thực và sát với điều kiện thực tế của xã mới. Đồng thời, mức độ chỉ tiêu cần có sự lượng giá phù hợp và thúc đẩy được tinh thần nỗ lực thực hiện của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 có 4 nhiệm vụ quan trọng, đó là: Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý, thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới. Theo đó, văn kiện đại hội Đảng các cấp là sự cụ thể hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng thành hệ thống những giải pháp hữu hiệu từ thực tiễn ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, đồng thời khắc phục triệt để tồn tại, bất cập, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi.
(còn tiếp)
PHAN LIÊN - VĂN DUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết Vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.