25 năm gắn bó với đồng bào dân tộc Mông

Hẹn mãi rồi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến. Quãng đường đèo gần 100km từ chỗ nghỉ chân ở huyện Quản Bạ rẽ vào Lũng Cú mất ngót nghét 4 giờ chạy xe. Chốc chốc chuông điện thoại lại reo, đó là anh Tiến gọi. Anh lo cho chúng tôi đi đường lúc trời tối không được thuận lợi, lại là đường núi khúc khuỷu, nguy hiểm. Đến UBND xã Lũng Cú đồng hồ điểm đúng 19 giờ, anh cầm đèn pin vẫn đứng chờ đón chúng tôi. Lên đến phòng làm việc, anh áy náy: "Các anh, các chị thông cảm hôm nay ở đây mất điện". Trong ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn sạc dự phòng, anh kể về những năm tháng sống và công tác ở mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc này.

Từng lời mộc mạc, chân thành: "Tôi quê ở xã Yên Thạch, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Tháng 9-1994, lên Hà Giang công tác, rồi từ đó tôi đã gắn chặt những năm tháng thanh xuân với mảnh đất này. Từ tháng 5-2010 đến 12-2014, tôi được cấp trên tăng cường về công tác tại xã biên giới Sủng Là (Đồng Văn). Sau hơn 4 năm lăn lộn với cơ sở, có chút ít kinh nghiệm thực tiễn, tháng 1-2015, cấp trên điều động tôi tăng cường về Lũng Cú và đảm nhận cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã", anh Tiến kể với chúng tôi.

Những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Hà Giang, Tạ Quang Tiến đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Đường sá ngày đó ở Hà Giang hầu hết không thuận lợi như bây giờ, trong khi phương tiện đi lại rất hạn chế. Vì thế, mỗi lần muốn vào bản thăm hỏi nhân dân, các anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc... đi bộ. 10 năm liền trên những con đường vắt ngang triền núi, đôi chân đã đưa anh đến được với nhiều bản làng xã xôi nhất để cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng trò chuyện với bà con. 

Trước khi được điều động về xã Lũng Cú, Tạ Quang Tiến làm công tác trinh sát, chủ yếu phá các vụ việc buôn bán người qua biên giới. Nhớ lại những ngày đó, anh từng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, như "trứng để đầu đẳng". Dù vậy, khó khăn càng nhiều thêm khi anh thực hiện công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc xã Lũng Cú trong quá trình xây dựng nông thôn mới. “Vì người dân chưa hiểu xây dựng nông thôn mới là làm thế nào, tôi phải thuyết phục bằng những việc đơn giản, gần gũi với người dân nhất. Chẳng hạn từ những việc nhỏ, như: Vệ sinh cá nhân hằng ngày; sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, biết làm kinh tế, biết ăn chín, uống sôi, cho con em đi học, giảm bạo lực gia đình. Nông thôn mới thực chất chỉ bắt đầu từ những việc đơn giản như vậy thôi”, anh Tiến kể. Sự nhiệt tình, gần gũi, đến mức “cầm tay chỉ việc” của đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã được người dân tiếp nhận. Dần dần dân hiểu, thực hiện theo và thấy rằng những điều đó phù hợp với sự phát triển của xã hội. “Dân họ còn bảo với tôi, mày cứ nói nông thôn mới, chẳng có cái gì to tát cả, tất cả đều có trong cuộc sống hằng ngày”, Tiến cười. Người dân trong xã còn yêu mến và đặt cho anh cái tên mang đặc trưng của người Mông đó là Tiến “tủa”.

leftcenterrightdel

Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến.

Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến tâm sự: "Khi bắt tay vào công việc, tôi luôn tâm niệm, những gì bà con chưa biết thì mình hướng dẫn. Nhiều khi bà con trên này vẫn giữ thói quen uống rượu và khi say rượu thì nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, chưa kể tốn kém, lãng phí. Những lúc như thế, tôi đi từng nhà vận động. Tôi dùng tiếng Mông để tuyên truyền, mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày rủ rỉ một chút, thế là bà con “ngấm” lúc nào không hay. Thấy những điều tôi nói đều đúng, người dân bảo nhau làm theo".

Dân vận khó hơn "đánh án"

10 năm đầu, anh Tiến chỉ học và nói được chút ít tiếng dân tộc. Mỗi lần họp thôn, bản, anh phải nhờ người dịch lại. Nhưng bây giờ sau 25 năm thì anh đã đảm đương được vai trò phiên dịch. Việc thông thạo tiếng Mông giúp anh hiểu được tâm lý, phong tục tập quán của người dân địa phương, từ đó tạo thuận lợi cho công việc dân vận. Có những “ca” khó, việc vận động phải bằng kinh nghiệm và sự linh hoạt, khéo léo của mình, anh đã giải tỏa được tâm lý của bà con, khiến bà con ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương.

Còn nhớ, năm 2018, khi xã Lũng Cú được xác định là xã trọng điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh về đích và xây dựng một cụm công trình văn hóa tâm linh. Công tác xây dựng nông thôn mới đã khó, việc xây dựng cụm công trình còn khó hơn khi liên quan đến việc giải phóng mặt bằng phục vụ công trình. Người Mông từ bao đời nay có một điều cấm kỵ, ấy là họ không bao giờ di chuyển mồ mả tổ tiên vì liên quan đến tâm linh. Ngoài ra điều này cũng ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lợi của người dân nên họ chưa chắc đã đồng ý. Để thuyết phục bà con, anh đã phải vận dụng hết vốn liếng 24 năm "cắm chốt" ở Hà Giang. Đi đêm, về hôm là việc bình thường, thậm chí còn phải mang cả cơm nắm, xôi vắt đến ở với người dân để thuyết phục họ nghe, họ hiểu. Ấy vậy mà đôi khi vẫn gặp những tình huống tréo ngoe. Đó là những lần thuyết phục được chồng rồi, nhưng người vợ lại không nghe, dòng họ không thuận...

Một câu chuyện khiến anh nhớ mãi: Khi vận động dòng họ Hờ ở thôn Séo Lủng, anh và những cán bộ địa phương gặp muôn vàn khó khăn do có nhiều ý kiến khác nhau. Như đã nói, người Mông không bao giờ di chuyển mồ mả tổ tiên, từ bao đời nay họ vẫn giữ quan niệm như thế. Đối với dòng họ Hờ, người phản đối thì nhiều, hầu như chẳng có ai đồng ý, lại có những người cho rằng việc di chuyển mồ mả tổ tiên sẽ mang lại những điều không may, đen đủi cho cả một dòng họ. Ròng rã cả tháng trời “ba cùng: cùng làm, cùng ăn, cùng ngủ” với người họ Hờ, mỗi ngày giải thích một chút, rồi anh đã thuyết phục được họ về việc “đổi nhà mới” cho tổ tiên. “Thực ra tôi cũng chẳng nói gì to tát, tôi chỉ lấy ví dụ là ông bà, bố mẹ nào cũng thế, khi ở nhà cũ mình chuyển các cụ sang nhà mới, làm điều tốt, nói lời hay, thì có ông bà tổ tiên nào trách móc. Mỗi ngày nói một chút, dần dần họ hiểu và ủng hộ mình. Mà thuyết phục được người dân cũng mới chỉ là bước đầu, sau đó còn chọn ngày, chọn giờ, chọn địa điểm để di dời. Quả thật là khó khăn. Đó là những ngày mà cả tỉnh, cả huyện phải vào cuộc và bản thân tôi thì chỉ đóng góp một phần nhỏ thôi”, anh Tiến nhớ lại. Tất nhiên rồi mọi việc vẫn diễn ra thuận lợi. Xã đã di chuyển được hơn 100 ngôi mộ trong vòng hơn một năm.

Thấy chúng tôi xuýt xoa, anh Tiến khiêm tốn: "Những lời giải thích của tôi với bà con cũng đơn giản thôi, toàn lấy việc thực tiễn hằng ngày. Nhưng ai cũng biết rằng, để làm được việc đấy đòi hỏi người cán bộ ngoài việc am hiểu phong tục, tập quán địa phương, còn phải nắm rõ địa bàn, biết rõ từng gốc cây, ngọn cỏ và con người nơi đây, không chỉ là hiểu mà còn phải chia sẻ với họ trong cuộc sống hằng ngày. Có như vậy người dân mới trao sự tin tưởng cho mình và khi họ tin thì công tác dân vận mới đạt được kết quả".

Trên quãng đường cùng anh xuống bản, chúng tôi vô tình chạm vào nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân phương xa của anh. "Nhớ thì rất nhớ nhưng làm công việc nào cũng vậy, cũng đều phải tâm huyết và phải biết hy sinh bản thân, nhất là những việc cá nhân. May mắn là công tác trên cương vị nào, ở đâu, tôi cũng gắn bó với người dân địa phương, được mọi người tin tưởng và yêu mến", anh Tiến trầm giọng xuống.

Lại tiếp một buổi tối trò chuyện với anh, câu chuyện cứ dài bất tận. Đã là gần 21 giờ đêm. Ở nơi mở mắt chỉ thấy núi là núi, thời điểm này đã là tương đối muộn. Tiễn chúng tôi ra xe, Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến cứ níu mãi tay mời nghỉ lại xã Lũng Cú, lại càng áy náy vì để chúng tôi quá bữa. Cảm động với lòng hiếu khách của anh, nhưng chúng tôi đành chia tay và hẹn với anh sẽ trở lại Lũng Cú vào một dịp hoa đào nở năm sau.

Ông Lương Triệu Luân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cú cho biết: "Trong quá trình công tác, Trung tá QNCN Tạ Quang Tiến luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập hợp đoàn kết trong nội bộ, đạt được nhiều thành tích. Trong cuộc sống, anh được đồng đội và bạn bè quý trọng vì lối sống giản dị, chân tình, đặc biệt anh được đồng bào dân tộc rất yêu mến, tin tưởng. Việc vận động đồng bào xây dựng nông thôn mới ở xã Lũng Cú, bộ đội Tiến đã đóng góp phần công sức không nhỏ. Nhiều lúc có những hộ khó khăn trong công tác vận động, chúng tôi phải “cầu viện” đến sự hỗ trợ của anh. Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, anh cùng Đảng ủy xã phát triển đủ số lượng đảng viên đạt tiêu chí trong nông thôn mới. Xã Lũng cú thật may mắn có một người con như bộ đội Tiến!"

Bài và ảnh: HỒNG NGUYÊN