Phát huy thế mạnh từng địa phương

Là tỉnh có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân khu 2, Vĩnh Phúc luôn gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN). Đồng chí Lê Duy Thành, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với bảo đảm QPAN. Trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh đều gắn với QPAN, có sự tham gia thẩm định của Bộ Quốc phòng và cơ quan quân sự theo phân cấp, bảo đảm KT-XH phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, đồng thời sẵn sàng mọi mặt đáp ứng các tình huống quốc phòng”. Chúng tôi được biết trong giai đoạn 2011-2015, Vĩnh Phúc đã trích ngân sách hơn 350 tỷ đồng thực hiện hai đề án là xây dựng KVPT tỉnh và phòng thủ dân sự tỉnh.

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Tây Ninh đã không tiếc máu xương, luôn anh dũng, quả cảm trong chiến đấu. Ngày nay, Tây Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 28. Đồng chí Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: “Phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng phải được thực hiện ngay từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch cũng như quá trình tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực”. Được biết, những năm qua tỉnh Tây Ninh đã triển khai hàng chục hạng mục, công trình trong KVPT, chuẩn bị tốt cho tình huống thời chiến. 

Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: HỒNG NAM

Ở các quân khu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 được cấp ủy, chỉ huy các cấp coi là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt. Trao đổi với Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, chúng tôi được biết, thời gian qua công tác xây dựng các tiềm lực theo Nghị quyết số 28 được triển khai đồng bộ, toàn diện, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là tiềm lực kinh tế trong KVPT có bước phát triển vững chắc. Nhiều dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng được triển khai hiệu quả. Riêng nguồn ngân sách địa phương chi cho công tác hậu cần KVPT đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Thế trận hậu cần được quy hoạch chung trong thế trận KVPT. Toàn quân khu đã hoàn thành quy hoạch xây dựng đề án “Căn cứ hậu cần thời chiến” với 8 đề án cấp tỉnh và nhiều đề án quy hoạch, xây dựng căn cứ hậu cần-kỹ thuật cấp quận, huyện. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, phát huy nội lực, ưu tiên đầu tư xây dựng một số công trình, hạng mục quan trọng, như: Đường cơ động, mạng lưới điện, hồ chứa nước, bến vượt và một số công trình kho, trạm… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt cũng như khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, huấn luyện, SSCĐ đối với lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 còn thực tốt quy hoạch xây dựng thế trận KVPT. Chỉ tính riêng năm 2018, các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu 3 đã đầu tư từ ngân sách địa phương 147,3 tỷ đồng xây dựng các hạng mục công trình quân sự trong thế trận KVPT; đầu tư từ ngân sách Nhà nước 53,42 tỷ đồng xây dựng các công trình chiến đấu, bảo đảm thi công đúng tiến độ.

Thực tế ở một số địa phương trên địa bàn Quân khu 3 cho thấy, mặc dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế còn hạn hẹp, nhưng với quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm xây dựng KVPT ngày càng vững chắc. Là tỉnh đồng bằng, tốc độ đô thị hóa nhanh, với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỉnh Hưng Yên đã ban hành đề án xây dựng công trình phòng thủ tỉnh và chỉ đạo các huyện, thành phố lập đề án xây dựng công trình phòng thủ cấp huyện. Hiện Hưng Yên có 3/10 huyện xây dựng xong đề án. Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên... Tại Quảng Ninh, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng thành phần thế trận quân sự trong KVPT. Các huyện, thành phố của Quảng Ninh hầu hết đã quy hoạch và xây dựng các khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương trong KVPT. Các tuyến đường giao thông được liên kết tạo thế trận liên hoàn, khả năng cơ động cao.

Tạo đà để địa phương phát triển kinh tế-xã hội

Công tác QS, QPAN vững mạnh là cơ sở để tạo ra ổn định chính trị và phát triển KT-XH. Những năm qua, KT-XH không ngừng phát triển, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, điều đó không tránh khỏi những tác động đến đời sống của một bộ phận nhân dân. Trong thực tế đã có những sự việc phức tạp xảy ra, nếu không phát huy tốt vai trò của lực lượng an ninh, quân sự thì rất khó xử lý, ổn định tình hình. Điều này được thể hiện rõ nét khi chúng tôi trao đổi với các đồng chí trong cơ quan quân sự thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 2016, trên địa bàn một số tỉnh miền Trung xảy ra hiện tượng ô nhiễm môi trường biển xuất phát từ nhà máy Formosa trong khu công nghiệp Vũng Áng. Sự việc đã bị một số đối tượng xấu kích động, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự trên một số địa phương, nhất là địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Khi xảy ra sự việc, cơ quan quân sự thị xã Kỳ Anh đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác triển khai lực lượng, phát huy vai trò của thế trận quốc phòng toàn dân, vai trò của các hạt nhân chính trị trong vận động quần chúng, vì vậy, các vụ gây rối, tụ tập đông người đã được kiềm chế, hạn chế tối đa thiệt hại. Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn đã đi vào ổn định.

Ở các địa phương khác, như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Dương v.v.. mặc dù có nhiều khu công nghiệp nhưng do phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân và của LLVT trong phát hiện những dấu hiệu bất thường, triển khai sớm kế hoạch bảo vệ từ thế trận QS, QPAN nên không để xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự. Ngược lại như ở Bình Thuận năm 2018 để xảy ra tụ tập đông người, gây rối nhiều ngày làm thiệt hại lớn về cơ sở vật chất cũng có một phần nguyên nhân là chưa chủ động phát huy kịp thời thế trận QS, QPAN; các lực lượng chưa phối hợp nhịp nhàng, rốt ráo trong xử lý tình huống.

Từ thực tế trên cho thấy, việc xây dựng thế trận QS, QP, thế trận an ninh vững chắc trong KVPT là rất quan trọng. Khi trao đổi, đồng chí Trần Đức Lâm, Bí thư Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh), đồng chí Hà Quốc Hợp, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) đều nói với chúng tôi: Việc củng cố thế trận QPAN gắn với phát triển KT-XH như đi bằng hai chân vậy. Nếu chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà không chú ý tới củng cố QPAN thì sự phát triển sẽ lệch lạc, tạo ra những hệ lụy rất khó khắc phục. Tư duy này hiện nay đã thấu suốt tới mọi cấp, mọi ngành ở địa phương và đã được triển khai trong thực tiễn. Đó có lẽ là cái gốc để tạo sự phát triển bền vững cho địa phương…

Từ kinh nghiệm của các địa phương chúng tôi tới tìm hiểu cùng những bài học đã đúc rút sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, chúng tôi cho rằng các địa phương cần tiếp tục rà soát lại từng chỉ tiêu trong phát triển KT-XH, củng cố QPAN, khắc phục những hạn chế, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết số 28 đã đề ra. Những suy nghĩ cho rằng hiện nay cần tập trung phát triển kinh tế là chính, chiến tranh chưa xảy ra nên chưa cần đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng; hoặc có làm nhưng đầu tư nhỏ giọt, dàn trải trong xây dựng công trình phòng thủ; hoặc khi quy hoạch phát triển KT-XH không chú ý đến vấn đề quốc phòng, vô hình trung để mất giá trị QS, QP của địa hình tự nhiên, tự tạo ra sự chia cắt trong thế trận phòng thủ của chính địa phương mình… Hay như xây dựng KVPT theo hướng “trăm hoa đua nở”, mạnh ai nấy làm, không có sự thống nhất, đều phải được rút kinh nghiệm, điều chỉnh, khắc phục cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Có như vậy mới bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết số 28 thực sự hiệu quả và có chiều sâu, góp phần làm cho thế trận phòng thủ đất nước ngày càng hoàn thiện ngay từ trong thời bình.

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân

(Tiếp theo và hết)