Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự

Trước khi về huyện Yên Mô, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, thông tin: “Tuy kinh tế còn chậm phát triển, nhưng nhiều năm gần đây, huyện Yên Mô luôn là một trong những điểm sáng trong công tác quân sự, quốc phòng (QS, QP) của tỉnh”.

Điều mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình nói đã được kiểm chứng khi chúng tôi đến Ban CHQS huyện Yên Mô đúng lúc cán bộ, nhân viên đơn vị đang luyện tập Điều lệnh đội ngũ, bắn súng... Thượng tá An Đôn Nghĩa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Yên Mô, nêu kinh nghiệm: “Muốn làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn cơ sở sát thực tế về nhiệm vụ QS, QP, trước hết mỗi cán bộ, nhân viên không chỉ thường xuyên bám nắm, hiểu rõ cơ sở mà còn phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt. Do đó, đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ tập huấn, bồi dưỡng, học tại chức của cán bộ, nhân viên”.

Khung tập Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh xử lý tình huống trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2017. Ảnh: DUY ĐÔNG

Trong buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền huyện Yên Mô, các đồng chí lãnh đạo huyện và các ban, ngành, đoàn thể đều ghi nhận và đánh giá cao cơ quan quân sự các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ QS, QP. Đặc biệt, những đề xuất về chủ trương, biện pháp của cơ quan quân sự các cấp đã góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 28 ở từng xã, thị trấn, đơn vị. Nhờ đó, chất lượng xây dựng, huấn luyện LLVT; công tác tuyển quân; giáo dục quốc phòng và an ninh (QPAN)… của địa phương không ngừng được nâng lên. Đồng chí Đinh Thúy Ngần, Bí thư Huyện ủy Yên Mô cho biết: "Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn xác định xây dựng KVPT là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này trước hết phải phát huy tốt vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các ban ngành, đoàn thể. Triển khai xây dựng KVPT ở địa phương tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị; LLVT phát huy tốt vai trò nòng cốt nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực”.

Nói về vấn đề này, đồng chí Trần Đức Lâm, Bí thư Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh), cũng khẳng định: “Với sự tích cực, chủ động tham mưu của Ban CHQS TP Hạ Long, nhiều năm qua Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo LLVT thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng SSCĐ, nhất là việc tổ chức diễn tập ở các cấp. Thông qua diễn tập đã bồi dưỡng năng lực chỉ đạo, tham mưu của các cấp, các ngành trong vận hành cơ chế theo Nghị quyết số 28; đồng thời tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các phương án phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị”. 

Chúng tôi được biết, Hạ Long hiện nay như một đại công trường với những công trình không ngừng mọc lên, hạ tầng cơ sở liên tục thay đổi. Điều đó có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tác chiến phòng thủ của địa phương. Với sự tham mưu của cơ quan quân sự thành phố, địa phương đã có quy hoạch tổng thể, các công trình lớn trước khi duyệt quy hoạch, thiết kế đều có sự tham gia của cơ quan quân sự. Do đó khi hạ tầng phát triển, địa hình thay đổi nhưng vẫn giữ được thế trận phòng thủ của địa bàn.

Phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả

Khảo sát trên địa bàn các quân khu ở phía bắc, chúng tôi nhận thấy, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thường xuyên quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân. Theo đó, các địa phương đã tập trung xây dựng LLVT vững mạnh, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hoàn thành 100% chỉ tiêu; công tác tạo nguồn trong tuyển quân và tuyển sinh quân sự đạt kết quả tốt... Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Trung Phong, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), khẳng định: "Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 28, cùng với hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân, hằng năm địa phương đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác đăng ký, quản lý nguồn quân nhân dự bị, xây dựng và huấn luyện dân quân tự vệ bảo đảm chặt chẽ”.

Nét nổi bật trong việc cụ thể hóa Nghị quyết số 28 ở các tỉnh, thành phố trên cả nước là cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (ANCT, TTATXH); tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH, củng cố QPAN ở địa phương.

Dẫn chứng về vấn đề này, Đại tá Lê Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh và Công an tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các biện pháp ổn định tình hình ANCT trên địa bàn, trong đó nổi bật là các vụ việc, như: Giải tỏa lấn chiếm khu vực Trường bắn Quốc gia TB1 (tháng 8-2011); tranh chấp đất rừng giữa thôn Khe Táu, xã Yên Định, huyện Sơn Động và thôn Vách, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn (năm 2018)”...

Ở tỉnh Ninh Bình, để góp phần bảo đảm ANCT tại cơ sở, tỉnh đã tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả, như: “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Xứ họ, đạo bình yên-Chùa tiên tiến về an ninh trật tự”… Trong diễn tập KVPT của tỉnh Ninh Bình (tháng 10-2018), tỉnh Quảng Ninh (tháng 1-2018), chúng tôi "thực mục sở thị" công tác phối hợp tác chiến, giải quyết các tình huống về ANCT tại địa phương. Từ khâu lập kế hoạch đến điều động lực lượng, xử trí tình huống trong thực tiễn đều được hai lực lượng phối hợp chặt chẽ, xử lý rốt ráo. Đại tá Lê Đình Thương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: "Sở dĩ hai lực lượng phối hợp chặt chẽ là do có sự bàn bạc, hội ý thường xuyên. Tất cả những khúc mắc nảy sinh trong quá trình phối hợp đều được hai bên đưa ra bàn thảo và giải quyết ngay tại các cuộc họp. Đó chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ QPAN ở địa phương".

Quá trình khảo sát ở các địa phương chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 28 vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, nêu quan điểm: "Xây dựng KVPT vững chắc là chủ trương có ý nghĩa chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng KVPT chưa cụ thể, đồng bộ. Để xây dựng KVPT vững chắc, đề nghị Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương ban hành hệ thống pháp quy về mô hình và nội dung hướng dẫn cụ thể để tạo sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở". Đại tá Lê Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang, kiến nghị, thời gian tới Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần có hướng dẫn thống nhất nội dung, các mục tiêu, chỉ tiêu, định mức cụ thể về KT-XH phục vụ cho quốc phòng trong thời chiến, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương trong xây dựng văn kiện, kế hoạch bảo đảm cho năm đầu chiến tranh. Đồng thời, quy định thống nhất chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, đầu tư trang thiết bị vật tư, chương trình huấn luyện cho các đơn vị, lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đơn vị cũng đề nghị cấp trên ban hành một số chính sách mang tính pháp lý để chỉ đạo, quy định các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế có kế hoạch dự trữ vật chất, lực lượng, phương tiện phục vụ quốc phòng trong thời chiến phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay…

Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân

---------------------

(còn nữa)