Bài 1: Bảo vệ Tổ quốc - chuẩn bị từ thời bình
Tạo sự thống nhất, đồng thuận từ nhân dân
Trong lúc tham quan thao trường bắn đạn thật của Ban CHQS TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) rộng chừng 4ha nằm trong khu căn cứ chiến đấu đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Nam, một người dân địa phương sống ngay cạnh thao trường. Ông Nam kể: “Trước đây, khu đất này có hơn 300 ngôi mộ được chôn cất từ nhiều năm. Lúc cơ quan quân sự thành phố đặt vấn đề giải tỏa, cũng có một số người dân phản ứng quyết liệt, thế nên công trình phải tạm dừng. Sau đó, cán bộ cơ quan quân sự đã đến từng hộ gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích, nên dần dà mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP) cũng như các quy định của pháp luật về công tác quản lý đất quốc phòng. Vì thế, chỉ trong 5 ngày, toàn bộ mộ phần có chủ đã được người dân tự giác di dời”.
Khi tham quan khu căn cứ chiến đấu của TP Bắc Ninh, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi việc bố trí các công trình chiến đấu, trú ẩn… tạo sự liên hoàn, kiên cố, vững chắc nhưng vẫn giữ được yếu tố bí mật. Có được khu căn cứ chiến đấu vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập trong thời bình cũng như khi có chiến tranh là sự nỗ lực lớn, thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cũng như sự đồng thuận của nhân dân địa phương.
 |
Lực lượng dự bị động viên thực hành đánh chiếm mục tiêu trong diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bắc Ninh năm 2017. Ảnh: ANH TUẤN. |
Trên đường trở về cơ quan quân sự, Thượng tá Nguyễn Sỹ Vượng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Bắc Ninh dẫn chúng tôi vào một khu nhà cao tầng khang trang, với hàng chục phòng ở, phòng làm việc vừa hoàn thiện. Đây là trụ sở làm việc của LLVT xã Hòa Long (nơi làm việc tập trung của ban CHQS và công an xã). Để có công trình này, ngoài việc bố trí 600m2 đất, chính quyền địa phương còn đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng. Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình xây dựng trụ sở làm việc tập trung cho LLVT các xã, phường trong tỉnh.
“Làm bất cứ việc gì cũng cần có sự thống nhất về ý chí và hành động của mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, cùng với chủ động nắm tình hình và trực tiếp đối thoại với người dân, Ban CHQS thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan báo, đài, hệ thống truyền thanh nội bộ tổ chức tuyên truyền về Luật Quốc phòng cũng như các quy định liên quan. Khi người dân hiểu rõ vấn đề thì việc triển khai nhiệm vụ QS, QP nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) nói riêng sẽ thuận lợi hơn”, anh Vượng nêu kinh nghiệm.
Tăng cường xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần
Trải qua nhiều cương vị từ cơ sở cho đến cán bộ chủ chốt của tỉnh nên đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh rất hiểu những khó khăn, bất cập trong việc nâng cao nhận thức về lĩnh vực QS, QP. Bởi thế, trong buổi làm việc với chúng tôi, đồng chí đã khẳng định: “Ngay sau khi Nghị quyết số 28 được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân trong tỉnh. Tỉnh ủy cũng đã cụ thể hóa các chủ trương của Trung ương, xây dựng Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 12-10-2009, đề ra các giải pháp cụ thể tổ chức thực hiện”. Để biến các chủ trương thành kết quả trong thực tiễn, thời gian qua, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên có đủ trình độ, năng lực, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo. Qua câu chuyện của anh Quất, chúng tôi được biết, có những chi bộ ở Bắc Ninh, đảng viên hầu hết là người Công giáo, như Chi bộ Phượng Giáo (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài) có 19/25 đảng viên là người Công giáo. Việc thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo đã tạo thêm hạt nhân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về QS, QP tới đồng bào có đạo, bảo đảm cho địa phương phát triển đồng đều, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Không chỉ ở Bắc Ninh, quá trình khảo sát thực tế ở các tỉnh: Bắc Giang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Tây Ninh…, chúng tôi nhận thấy, mặc dù điều kiện tự nhiên không thuận lợi, tốc độ đô thị hóa nhanh, kinh phí còn eo hẹp, nhưng các công trình chiến đấu, thao trường, bãi tập đều được xây dựng kiên cố, bảo đảm tính lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời bình và thời chiến. Điều đó cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương trong công tác QS, QP nói chung, nhiệm vụ xây dựng KVPT nói riêng.
Có được những kết quả trên là do cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong KVPT. Theo đó, hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) các cấp đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phổ biến, GDQPAN cho các đối tượng. Ở các tỉnh: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh..., sau khi địa phương diễn tập KVPT đã để nguyên trạng các công trình chiến đấu cho học sinh, sinh viên tham quan. Đề cập về vấn đề này, Đại tá Lê Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang cho rằng: “Trực quan sinh động là phương pháp tốt giúp mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Chính vì thế, các cuộc diễn tập KVPT của tỉnh cũng như của các huyện, thành phố, chúng tôi đều huy động các tầng lớp nhân dân tham gia, thông qua hoạt động cụ thể để bồi dưỡng cho họ ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc”.
Tỉnh Quảng Ninh được ví như một “quốc gia thu nhỏ”, hội tụ đủ yếu tố như biển, đảo, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế… Để các tầng lớp nhân dân đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ QS, QP, hội đồng GDQPAN các cấp của tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân. Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng bồi dưỡng cho các đối tượng đặc thù, như: Chủ tàu, thuyền hoạt động trên biển; tăng ni, phật tử tại gia, chức sắc, chức việc tôn giáo; lãnh đạo các doanh nghiệp...
“Khi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chuyển tải, thẩm thấu đến từng người dân thì việc gì cũng thuận lợi hơn”-đó là những lời mở đầu của đồng chí Trần Đức Lâm, Bí thư Thành ủy Hạ Long (Quảng Ninh) trong buổi làm việc với chúng tôi. Cũng theo đồng chí Bí thư Thành ủy Hạ Long, địa phương có được môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội như hôm nay chính là nhờ sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt nắm chắc và hiểu rõ về công tác xây dựng KVPT, từ đó đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác QS, QP là việc làm quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên vì đây là "đầu tàu" làm dịch chuyển mọi hoạt động ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, các địa phương đã và đang triển khai những chương trình, kế hoạch, hoạt động sát với thực tiễn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Vẫn biết rằng những khó khăn, bất cập về cơ chế, nhận thức, điều kiện kinh tế… mà các địa phương đang gặp phải rất cần được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương có những giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, nhưng những kết quả sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28 đã tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, sẽ là cơ sở, động lực quan trọng để các tầng lớp nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng đóng góp nhân lực, vật lực khi đất nước có tình huống xảy ra.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân