Tạo đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân 

Chặng đường từ TP Lai Châu đến trung tâm huyện Mường Tè dài hơn 200km, chúng tôi ngồi trên xe lắc lư theo những cung đường cua tay áo và càng thấy rõ thêm sự vất vả của bà con nơi đây. Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn, trong đó có 6 xã biên giới, nhưng có tới hơn 130km đường biên tiếp giáp với nước bạn. Trong số 12 dân tộc anh em sinh sống, có 4 dân tộc đặc biệt ít người là: Si La, La Hủ, Cống, Mảng.

Nói về những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương (QS, QPĐP), Thượng tá Dương Duy Lai, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mường Tè phân tích: “Kinh tế chậm phát triển, địa bàn rừng núi hiểm trở đã là một khó khăn lớn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí, nhất là vùng có đồng bào thuộc dân tộc đặc biệt ít người, còn hạn chế. Lợi dụng vấn đề đó, các thế lực phản động luôn tìm cách mua chuộc, lôi kéo người dân di cư tự do và theo "đạo lạ" hoạt động trái pháp luật, thành lập “nhà nước Mông”… Những khó khăn trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai nhiệm vụ QS, QPĐP”. Để giúp các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn có tinh thần cảnh giác, nhận thức rõ ý đồ đen tối của kẻ xấu và hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như triển khai hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN), Ban CHQS huyện Mường Tè đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chú trọng tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, hướng dẫn các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng phối hợp với dân quân xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: ĐỨC DUẨN.

Là người có uy tín ở địa phương, đồng chí Toán Ma Tơ, Bí thư Đảng ủy xã Mù Cả (Mường Tè) hiểu hơn ai hết những khó khăn trong công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân bản địa. “Muốn người dân hiểu và làm theo thì trước hết những người có uy tín trong cộng đồng khu dân cư phải gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc và chấp hành pháp luật của Nhà nước. Do đó, ngoài việc phát huy tốt vai trò tham mưu của Ban CHQS xã và các trưởng bản, Đảng ủy xã thường xuyên cử cán bộ về các thôn, bản dự sinh hoạt của chi bộ, chi đoàn, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân... Qua đó, vừa kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời phát hiện những vấn đề nảy sinh liên quan đến an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội (ANCT-TTATXH) để có cách giải quyết thấu đáo”, anh Toán Ma Tơ nêu kinh nghiệm. Nhờ sâu sát, bám nắm cơ sở và thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nên những năm gần đây tình hình ANCT-TTATXH ở Mù Cả luôn ổn định, tình trạng di cư tự do giảm mạnh, nhận thức của nhân dân trong thực hiện và chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng được nâng cao. Hằng năm, xã đều hoàn thành thành tốt chỉ tiêu giao quân, xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân, dự bị động viên.

Mặc dù còn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, nhưng những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu luôn quan tâm xây dựng các tiềm lực, nhất là tiềm lực chính trị-tinh thần, quân sự, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Đề cập tới việc xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, Đại tá Trương Minh Đức, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, khẳng định: “Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND chỉ đạo hội đồng giáo dục QPAN các cấp tổ chức giáo dục kiến thức QPAN cho các đối tượng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới”. Với sự chủ động của hội đồng giáo dục QPAN các cấp, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lai Châu có hơn 46.000 lượt cán bộ, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài quốc doanh được bồi dưỡng, học tập theo quy định. 

Những kết quả trong công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN đã góp phần tạo sự đồng thuận cao và chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, LLVT và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường, củng cố QPAN.

Chú trọng xây dựng LLVT vững mạnh  

Khi nói về các yếu tố tạo nên những đổi thay của tỉnh nhà, tại hội nghị về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng do Đảng ủy Quân khu 2 tổ chức mới đây, đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, khẳng định: “Tình hình ANCT-TTATXH luôn ổn định là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh tổ chức thực hiện toàn diện, có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, chủ động làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. 

Chúng tôi đến Sở chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đúng ngày cán bộ, nhân viên 4 cơ quan (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật) đang luyện tập các bước chuyển trạng thái SSCĐ. Thượng tá Trần Văn Bắc, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu khẳng định: “Huấn luyện tại chức và luyện tập SSCĐ, rèn luyện thể lực là nội dung được duy trì nền nếp từ Bộ CHQS đến cơ quan quân sự cấp huyện. Có thường xuyên huấn luyện, luyện tập thì đội ngũ cán bộ, nhân viên mới nắm chắc các nội dung để tham mưu và hướng dẫn cơ sở. Đây cũng là yếu tố quan trọng để LLVT tỉnh luôn chủ động và không bị bất ngờ trong mọi tình huống”. Nghe anh Bắc nói, chúng tôi lại nhớ đến gương mặt hồ hởi, đầy tự tin của đồng chí Chăm A Khi, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Dào San, khi được hỏi chuyện về công tác xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân địa phương. "Mỗi khi huấn luyện tập trung cho lực lượng dân quân hay diễn tập, chuẩn bị cho tuyển quân... cán bộ Ban CHQS huyện Phong Thổ đều xuống giúp anh em từ công tác chuẩn bị đến công tác tổ chức, dần dần ai cũng biết việc và thành nền nếp. Vì thế, chất lượng tuyển quân, huấn luyện, khả năng cơ động của lực lượng dân quân xã đã có những chuyển biến rõ rệt".

Rõ ràng, việc duy trì các chế độ, nền nếp của LLVT tỉnh Lai Châu đã và đang mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Vì thế, mỗi khi đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 đến kiểm tra tại địa phương, các đoàn đều đánh giá khả năng, trình độ công tác tham mưu và SSCĐ của lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 2,5% dân số; kết quả kiểm tra 100% nội dung đạt yêu cầu, trong đó 75% đạt khá, giỏi. Đối với lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý chặt chẽ, sắp xếp cơ bản đúng chuyên nghiệp quân sự, biên chế, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kết quả 100% đạt khá, giỏi. Cùng với đó, công tác tuyển quân hằng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân cho các đơn vị.

Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng

Hôm chúng tôi rời Đồn Biên phòng Dào San cũng là lúc các đồng chí cán bộ đồn kiểm tra mọi công tác chuẩn bị của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và lực lượng dân quân cơ động xã chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường biên, mốc giới. Ngoài vũ khí trang bị, công cụ hỗ trợ, trên vai mỗi người còn có ba lô đựng tư trang và lương thực, thực phẩm bảo đảm cho những ngày làm nhiệm vụ.

Khi về Sở chỉ huy Bộ CHQS tỉnh, trao đổi với Đại tá Nguyễn Trọng Lương, Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, chúng tôi lại hiểu rõ hơn về việc thực Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế phối hợp giữa các lực lượng công an, biên phòng, quân sự; Quy chế phối hợp giữa Bộ tư lệnh Quân khu 2 và Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cũng nhờ duy trì nền nếp quy chế này mà những năm qua, các lực lượng đã tổ chức tuần tra, phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn hàng trăm vụ vi phạm hiệp định và quy chế biên giới. Không dừng lại ở đó, việc nắm tình hình biên giới, nội địa và địa bàn trọng điểm của các lực lượng cũng chắc hơn. Đây là yếu tố quan trọng để LLVT địa phương góp phần bổ sung điều chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến; điều chỉnh thế trận, bố trí lực lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Nhờ đó, các sự kiện chính trị, những ngày lễ lớn và các mục tiêu quan trọng đều được bảo vệ an toàn.

Nhớ lại những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu đã khái quát với chúng tôi về những khó khăn, rồi việc bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, chỉ huy để đưa ra cách làm sao cho hiệu quả. Song điều mà anh Minh tâm đắc nhất là lực lượng BĐBP tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới phát huy tốt vai trò, uy tín của các trưởng bản, trưởng dòng họ trong tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào tự quản đường biên, cột mốc và gìn giữ an ninh trật tự thôn, bản... Đến nay, toàn tỉnh đã có 63 tập thể đăng ký tham gia tự quản 102,05km đường biên, 66 cột mốc và 2 công trình bảo vệ biên giới; có 460 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 70,3km đường biên, 55 cột mốc và 2 công trình bảo vệ biên giới... Từ năm 2009 đến nay, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho các đồn biên phòng hơn 1.400 tin, trong đó có hơn 980 tin có giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh với các loại tội phạm.

Những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lai Châu và các đơn vị đứng chân trên địa bàn thời gian qua không chỉ giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mà còn góp phần tạo nên thế trận tổng hợp trên biên cương Tổ quốc. Tuy nhiên, để bảo đảm cho thế trận này luôn vững vàng, cấp ủy, chính quyền và các đơn vị thuộc LLVT địa phương cũng cần tiếp tục rà soát, ngày càng hoàn thiện về tổ chức, biên chế đối với lực lượng dân quân, nhất là các xã, bản có đồng bào dân tộc đặc biệt ít người. Mặt khác, việc xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ cũng cần được chú trọng cả về mặt quy hoạch và đầu tư. Mặc dù Lai Châu có những lợi thế nhất định về địa hình tự nhiên trong khu vực phòng thủ, nhưng nếu không có sự chủ động trong cải tạo, bài bản trong quản lý thì rất khó phát huy được lợi thế của địa hình. Lai Châu tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cũng có nhiều tiềm năng, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, như: Đất rừng, nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; tiềm năng về phong cảnh, khí hậu, thời tiết... để phát triển dịch vụ du lịch... nên rất cần được đầu tư, khai thác hiệu quả theo hướng bền vững. Khi kinh tế phát triển, khoảng cách giàu-nghèo giữa miền núi và miền xuôi được thu hẹp thì sẽ tạo ra thế ổn định tại chỗ, đó cũng là cơ sở để tạo các tiềm lực về quân sự, QPAN, giúp phên giậu biên cương ngày càng vững chắc.

TRẦN TUẤN - DUY HỒNG - NGỌC HÂN