Đến Dào San (Phong Thổ, Lai Châu), chúng tôi gặp đầu tiên là tiếng khèn, tiếng sáo rộn ràng, những chiếc ô đỏ rực rỡ, những tà váy Mông đầy màu sắc xập xòe theo từng nhịp chân của các cô gái đang tập tiết mục hát múa “Người Mèo ơn Đảng” tại hội trường UBND xã để chuẩn bị biểu diễn vào ngày Tết Độc lập (2-9). Bao đời nay sống nghèo lam lũ. Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi... những ca từ của bài hát là sự tổng kết ngắn gọn và chính xác cho quá trình phát triển của các xã vùng biên giới thuộc tỉnh Lai Châu những năm qua. Để có diện mạo như ngày hôm nay, một phần là do cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu đã chú trọngxây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, một trong những giải pháp có tính rường cột để giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn biên giới.

Xóa bản “trắng” đảng viên       

Dào San trước đây là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Phong Thổ, nhưng đến nay, đứng ở trung tâm xã, chúng tôi có cảm giác như đang đứng giữa một xã miền xuôi vì nhà cửa san sát, đa phần được xây dựng bê tông kiên cố. Hiện nay, Đảng bộ xã Dào San có 19 chi bộ với 149 đảng viên, trong đó 113 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Xã có 3 đảng viên là cán bộ biên phòng tăng cường về sinh hoạt tại các chi bộ: Sì Phài, Lèng Chư, Sểnh Sảng A. Theo nhận xét của đồng chí Vàng A Phùa, Bí thư Đảng ủy xã Dào San, từ ngày có cán bộ tăng cường, nhất là khi hệ thống chính trị cơ sở được chú trọng củng cố, kiện toàn, diện mạo các thôn bản cũng theo đó mà thay đổi từng ngày.

Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung, cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông thì lại kể cho chúng tôi nghe về tình hình địa phương những ngày đầu tiên anh xuống bám bản: “Từ năm 2015 trở về trước, hầu hết cán bộ xã đều chưa qua đào tạo, trình độ học vấn cao nhất là THCS, năng lực yếu nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn nhiều hạn chế. Năm 2007-2008, xã Huổi Luông vẫn còn nhiều bản “trắng” đảng viên, cả đảng bộ chỉ có hơn 10 người. Từ năm 2009, nhờ sự chủ động tạo nguồn, đồng thời tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển Đảng nên liên tục trong 3 năm từ 2009 đến 2011, mỗi năm, Đảng bộ xã tuyển chọn, kết nạp mới được 30 đảng viên. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm Đảng bộ xã kết nạp được 15 đảng viên, trong đó có 1-2 đảng viên là người dân tộc Mông. Đảng bộ xã Huổi Luông hiện nay đã có 26 chi bộ, với gần 200 đảng viên, xã có đầy đủ các tổ chức chính trị, đoàn thể hoạt động khá sôi nổi và hiệu quả”.

leftcenterrightdel
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356 hướng dẫn bà con bản Nhóm 1, xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu) trồng lúa nước. Ảnh: THẾ THÀNH.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, anh Dung đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến nay, 100% cán bộ của xã đã qua đào tạo chuyên môn; 21/22 cán bộ xã có trình độ văn hóa 12/12; 14/22 đồng chí qua lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 6 đồng chí có trình độ đại học. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo của cán bộ có chuyển biến tích cực, việc tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết và triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Anh Dung còn nhớ rõ năm 2016, anh tham gia vận động được một bản người Mông (đa số theo đạo Tin lành) từ chống đối, không chịu hợp tác với chính quyền chuyển sang đồng thuận, trở thành bản mẫu mực của xã về thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đó là bản Làng Vây 1. Tháng 5-2016, trước ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, các hộ trong bản Làng Vây 1 rỉ tai nhau không đi bầu cử (do mâu thuẫn trong giải quyết tranh chấp đất đai với xã Pa Tần). Anh Dung nắm bắt được tình hình, lập tức tìm đến trưởng bản và những người có uy tín, thuyết phục họ đưa đến từng nhà để vận động người dân, giải thích cho họ hiểu quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân khi đi bầu cử. Đồng thời, anh Dung đề nghị cấp trên kêu gọi một số nhà đầu tư đến thực hiện các dự án nước sạch, kéo điện lưới đến bản... Chỉ sau một ngày vận động, sáng hôm sau, cử tri ở bản Làng Vây 1 đã có mặt đông đủ ở nơi bỏ phiếu và trở thành điểm bầu cử xong sớm nhất của xã. Gặp chúng tôi, Trưởng bản Làng Vây 1 Thào A Súa, sinh năm 1972, khoe: “Bây giờ mọi người trong bản tin và làm theo cán bộ rồi, nhờ thế mà mấy năm nay biết trồng lúa, trồng chuối, nhiều nhà giàu rồi”.

Chúng tôi được Trung tá Mai Thăng Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Huổi Luông cung cấp thêm thông tin: Hiện nay, Đồn Biên phòng Huổi Luông đã cử 11 cán bộ có năng lực tốt, có năng khiếu về chính trị xuống sinh hoạt Đảng tại 11 bản trong xã để tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chủ trương, đường lối, nghị quyết của các cấp chính quyền đến từng người dân; cử 28 đảng viên phụ trách 128 hộ gia đình, nhờ thế mà luôn kịp thời nắm bắt thông tin và những tâm tư, nguyện vọng của người dân để báo cáo cấp trên, phối hợp với các cấp chính quyền có chính sách, giải pháp phù hợp.

Khi bộ đội “ba bám, bốn cùng, năm có”

Khi tăng cường xuống bản, điều khó khăn nhất đối với cán bộ là việc nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để khắc phục tình trạng này, Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 356 (Quân khu 2) “bật mí” với chúng tôi giải pháp của đơn vị: “Trước khi cử cán bộ xuống bản thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi tổ chức cho anh em học nói thành thạo tiếng DTTS. Nội dung này được xác định rõ trong nghị quyết. Bên cạnh đó, với công tác dân vận, đơn vị xác định phương châm “ba bám, bốn cùng, năm có”: Bám chủ trương, đường lối, bám địa bàn, bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào; có tâm huyết, có hiểu biết, có trách nhiệm, có năng lực, có bản lĩnh. Vì thế, 5 năm qua, Đoàn KT-QP 356 đã phối hợp với các lực lượng liên quan đấu tranh ngăn chặn 6 vụ tuyên truyền đạo trái pháp luật, 4 vụ có ý định làm nhà nguyện trái phép, không còn hộ di cư tự do, tình hình vượt biên trái phép giảm rõ rệt; tỷ lệ đảng viên tại cơ sở tăng cả về số lượng và chất lượng; đã tham mưu cho địa phương nâng cấp 4 chi bộ cơ sở thành đảng bộ cơ sở, phát triển 136 đảng viên mới, củng cố 46 tổ chức quần chúng. Nhiều chi bộ và tổ chức quần chúng trước đây yếu kém nay đã đạt mức trung bình và khá.

Việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở địa bàn biên giới là nhiệm vụ quan trọng, cực kỳ cần thiết, nhưng không phải là việc có thể làm trong ngày một ngày hai mà là một quá trình, đòi hỏi phải có kế hoạch, có hệ thống. Bắt đầu từ việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng, củng cố chính quyền; luân chuyển cán bộ; củng cố các tổ chức quần chúng, đoàn thể đến việc tham gia bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nói như đồng chí Bí thư Huyện ủy huyện Phong Thổ Nguyễn Ngọc Vinh thì: "Huyện đã phải trải qua một thời gian dài vừa xây dựng, vừa củng cố hệ thống chính trị cơ sở, với quyết tâm rất cao, biến từ không thành có, từ yếu kém thành trung bình, rồi lên khá và đạt được những thành quả như ngày nay". Chúng tôi được biết, năm 2002, hệ thống chính trị của Phong Thổ vừa yếu, vừa thiếu; một số cán bộ, nhân viên ở xã lúc đó còn nghiện thuốc phiện. Trước tình hình đó, Huyện ủy đã tập trung vào việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, coi đây là điều kiện “sống còn”, cấp bách cần làm ngay. Huyện tăng cường cán bộ xuống xã đảm nhiệm một số vị trí chủ chốt để củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả lãnh đạo. Tới thời điểm này, Phong Thổ có 13 xã biên giới thì vẫn có 13 cán bộ là lực lượng biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy xã, trong đó 1 đồng chí là bí thư đảng ủy, 12 đồng chí là phó bí thư thường trực đảng ủy. Huyện đang phấn đấu hết năm 2020 khoảng 30% cán bộ cấp xã có trình độ đại học, 100% cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị, còn đối với công chức, yêu cầu tối thiểu 40% có trình độ đại học.

Đứng chân trên địa bàn khó khăn, những năm qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu cũng có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn các xã biên giới. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phan Hồng Minh, Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: "Đầu thập niên 2000, trên địa bàn Lai Châu mới chỉ có 5 đảng bộ, 16 chi bộ/21 xã biên giới, 37 chi bộ trực thuộc với tổng số 1.112 đảng viên. Đến năm 2018, trên địa bàn biên giới đã có 23/23 xã thành lập đảng bộ cơ sở với 336 chi bộ trực thuộc, 3.018 đảng viên, trong đó hơn 2.370 đảng viên là người DTTS. BĐBP đã tham gia xóa được 92 bản “trắng” đảng viên, thành lập mới được 84 chi bộ thôn, bản; tham mưu phát triển được 2.010 đảng viên. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã mở 3 khóa bồi dưỡng, kết nạp đảng được 20 đồng chí tạo nguồn cán bộ cho xã, bản biên giới. Đảng ủy BĐBP đã giới thiệu 22 đồng chí cán bộ tăng cường cho 22/23 xã biên giới, giới thiệu 78 đảng viên là cán bộ BĐBP về tham gia sinh hoạt tại chi bộ các thôn, bản; phân công 315 đảng viên tại đồn biên phòng phụ trách gần 1.950 hộ dân ở khu vực biên giới".

Con đường trải nhựa mới tinh đưa chúng tôi tạm biệt Dào San, tạm biệt Huổi Luông ra về đi qua những triền núi mây trắng bồng bềnh, qua những thửa ruộng bậc thang lúa đang vào độ chín. Từ thực tế ở Lai Châu, chúng tôi nhận thấy, việc xóa bản “trắng” đảng viên, củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại các xã vùng biên của tỉnh đã đạt được những thành công bước đầu. Hiện nay, hầu hết bà con đã nghe theo, làm theo cán bộ, đảng viên từ phát triển kinh tế đến giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, việc vận động, tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới bà con DTTS tại các xã biên giới cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống thì mới duy trì được sự ổn định. Bởi tính cách của bà con DTTS vốn thật thà, cả tin, vì thế cấp ủy, chính quyền các địa phương càng phải thường xuyên bám nắm, gần gũi nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị trong dân, đó là cách tốt nhất để ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng, lôi kéo nhân dân tham gia vào các tổ chức xấu, đi theo các “đạo lạ” như đã từng xảy ra trước đây trên một số địa bàn biên giới.

(còn nữa)

TRẦN TUẤN - DUY HỒNG - NGỌC HÂN