Bài 1: Chăm lo cho dân, giữ yên lòng dân

Đi dọc biên giới huyện Phong Thổ (Lai Châu), suốt từ cửa khẩu Ma Lù Thàng (thuộc xã Ma Li Pho), qua Huổi Luông, rồi lại từ Dào San, Tung Qua Lìn, lên Pa Vây Sử... chúng tôi chứng kiến sự đổi thay đến ngỡ ngàng của một vùng biên giới. Đường đến các xã ở huyện Phong Thổ giờ đây cơ bản được trải nhựa. Tuy còn đôi chỗ khấp khểnh do bị các trận mưa lũ tàn phá, nhưng nói như anh Nguyễn Ngọc Vinh, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ thì đó là một sự tiến bộ vượt bậc. Trước đây, cả huyện gần như đi lại trên đường đất, đường mòn, từ xã ra huyện có khi mất cả hai, 3 ngày đường đi bộ, nhưng nay thì ô tô chạy chỉ mất một, hai tiếng, kể cả ở xã xa nhất là Sì Lở Lầu. Nhà cửa của bà con các dân tộc thiểu số ở Phong Thổ cũng có nhiều đổi khác. Bên cạnh những ngôi nhà sàn, nhà trình tường, đã mọc lên những ngôi nhà bê tông cốt thép 2-3 tầng bề thế. Đường điện thì giăng mắc khắp nơi và có tới 99% dân số của huyện được dùng điện, với 100% bản có điện lưới quốc gia, 85% dân số sử dụng nước hợp vệ sinh...

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lai Châu cùng nhân dân làm đường liên thôn tại xã Trung Chải (Nậm Nhùn, Lai Châu). Ảnh: THẾ THÀNH

Đưa dân ra biên giới, tạo nền tảng để xây dựng thế trận

Ở đâu có dân thì ở đó mới có thế trận, mới có những “cột mốc sống” để giữ gìn đường biên, mốc giới, đó là nguyên tắc bất di bất dịch, được cha ông ta lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ngày nay, trên các tuyến biên giới, chúng ta vẫn duy trì truyền thống này và được thực hiện ngày càng có bài bản. Đại tá Nguyễn Văn Cường, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 356, Quân khu 2 (trước năm 2017 thuộc Bộ CHQS tỉnh Lai Châu), kể với chúng tôi: “Năm 2006, đoàn cơ động vào xã Pa Vây Sử nhận nhiệm vụ. Khi ấy, dân cư trên tuyến biên giới còn rất thưa thớt, có chỗ đi cả mấy cây số không gặp hộ dân nào. Hệ thống đường sá cơ bản là đường đất, đường mòn, điện gần như không có... Vì thế, việc đưa dân ra biên giới định cư, canh tác là việc làm đầu tiên của đoàn, trước cả khi chúng tôi chuẩn bị chỗ ở cho mình. Sau một thời gian ngắn vận động, chúng tôi đã đưa được hàng chục hộ dân ra sát đường biên. Trong đó, đoạn từ mốc 69 đến mốc 70 đã đưa được 21 hộ ra lập bản, định cư. Giữa các mốc khác cũng định cư được 5-7 hộ. Đến nay, trên địa bàn 8 xã thuộc khu vực bắc Dào San đã có hàng trăm hộ dân sinh sống ổn định trên tuyến biên giới. Thành công đó có sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, trong đó có sự đóng góp tích cực của Đoàn KT-QP 356 và Bộ CHQS tỉnh Lai Châu...”.

Cùng với việc di dân ra biên giới, hệ thống làng bản dọc đường biên cũng được quy hoạch lại, hình thành thế bố trí dân cư rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm. Các đoàn KT-QP trên hai huyện Phong Thổ và Mường Tè đã thi công hàng chục công trình, tạo kết cấu hạ tầng kinh tế cơ bản cho vùng biên giới. Ở huyện Phong Thổ, huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng và triển khai Đề án số 1161 về tập trung phát triển kinh tế-xã hội khu vực 8 xã biên giới bắc Dào San. Nguồn lực của địa phương kết hợp nguồn lực của Trung ương và của Bộ Quốc phòng đã được sử dụng hợp lý, giúp cho hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn có những biến chuyển nhanh chóng. Trong câu chuyện với Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Chính ủy Đoàn KT-QP 356, chúng tôi được biết, riêng đoàn KT-QP 356, từ năm 2006 đến nay đã thi công 15 công trình dân sinh trị giá 119 tỷ đồng trên địa bàn 8 xã khu vực biên giới bắc Dào San. Trong đó nổi bật là đã làm mới hơn 17km đường, 5,5km kênh mương thủy lợi, 14,7km đường ống nước sạch, xây dựng 5 điểm trường, giúp dân làm mới 195 ngôi nhà, tái định cư cho 122 hộ, đồng thời tạo ra hàng chục mô hình về kinh tế hộ gia đình, giúp dân xóa đói, giảm nghèo... Những công trình đó giờ đã phát huy tác dụng, giống như những mảnh ghép để tạo ra diện mạo mới trên một vùng biên giới.

Giúp dân biên giới làm giàu   

Đưa dân ra đường biên là một chuyện, làm thế nào để dân có thể sinh sống ổn định, tiến tới làm giàu ở vùng biên giới còn là việc khó hơn nhiều. Ban đầu, Đoàn KT-QP 356 hướng dẫn dân trồng lúa nước hai vụ, giải quyết ngay cái thiếu đói trước mắt. Cán bộ, chiến sĩ của đoàn lặn lội đi tìm những chân ruộng ấm, có nước tại các xã Mù Sang và Vàng Ma Chải để khai phá, quy hoạch. Sau hơn 10 năm miệt mài khai phá, quân và dân trên địa bàn hai xã nói trên đã có được 76ha ruộng trồng lúa nước hai vụ. Với năng suất 7,5 tấn/ha, bảo đảm đủ lương thực cho bà con trong vùng biên giới bắc Dào San và còn có tích lũy. Không còn lo cái đói rình rập nên cuộc sống của các hộ dân trên tuyến biên giới dần ổn định, bắt đầu nghĩ cách vươn lên và làm giàu.

Thượng tá Đào Công Toàn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Phong Thổ dẫn chúng tôi đi dọc con đường tuần tra biên giới từ cửa khẩu Ma Lù Thàng lên Huổi Luông (Phong Thổ) rồi vòng qua Pa Tần (Sìn Hồ) để về thị trấn. Trên những sườn đồi, dưới các thung lũng là những vườn chuối, vườn cao su, nghệ đen... bạt ngàn. Giờ thì chúng tôi đã hiểu, khi nói chuyện với anh Nguyễn Ngọc Vinh, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ về việc trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu, anh thường nhấn mạnh với chúng tôi về chuyện cây chuối của bà con Phong Thổ. Cách đây mấy năm (2015), khi thấy bên Trung Quốc có nhu cầu về chuối, cấp ủy, chính quyền địa phương một số xã có khí hậu ấm của huyện đã định hướng cho bà con mở rộng diện tích trồng chuối. Chỉ sau một năm, cây chuối đã cho thu hoạch, bán được giá (trước đây trồng lúa chỉ đạt 30 triệu đồng/ha, nay trồng chuối đạt tới 200 triệu đồng/ha, lúc được giá còn thu nhập cao hơn), vì thế hầu hết các gia đình bà con dân tộc thiểu số ở Huổi Luông, Ma Li Pho... đều có tiền mua sắm tiện nghi sinh hoạt và gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Khi nghe trực tiếp Thiếu tá QNCN Lê Văn Dung (cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông được tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông) kể chuyện, chúng tôi càng ngỡ ngàng về “độ giàu” của bà con. Chẳng hạn, nhà anh Giàng A Mé, sinh năm 1989, người dân tộc Hà Nhì, ở bản Cô Tô có 7ha chuối. Năm 2018, anh Mé thu được gần 2,5 tỷ đồng tiền bán chuối. Khi đến nhà gặp Mé, chúng tôi thấy anh còn trẻ hơn so với cái tuổi 30. Mé kể: “Lẽ ra Mé phải thu được hơn 4 tỷ đồng từ quả chuối, nhưng cũng vì cha Mé làm chưa đúng kỹ thuật, lại có phần bảo thủ nên chỉ thu được bằng ấy. Bây giờ làm nông nghiệp cũng phải tuân thủ khoa học kỹ thuật mới có nhiều tiền...”. Chúng tôi thấy rất lạ, bởi đó là câu nói của một thanh niên người Hà Nhì, quanh năm sống ở vùng sâu biên ải.

Ở 4 bản người Mông của Huổi Luông như: Pờ Ngài, Ngải Chồ, Làng Vây 1, Làng Vây 2, cũng đã có không ít hộ giàu lên từ cây chuối. Điển hình như Lý A Dơ (Làng Vây 1); Sùng A Sang (Ngải Chồ) cũng đều thu được hơn 400 triệu đồng tiền bán chuối mỗi năm, cộng với tiền thu được từ cây nghệ đen, cây sắn... mỗi năm Sang và Dơ đều có gần 600 triệu đồng để gửi ngân hàng. Các hộ người Mông khác cũng đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Có những người nhanh nhạy như Lý Chỉn Hùng, Lý Chỉn Sơn ở bản Cô Tô đã đầu tư mua xe ô tô, tổ chức thu mua chuối của bà con các bản, rồi tập trung xuất theo đường cả chính ngạch và tiểu ngạch, có ngày anh Hùng, anh Sơn thu lãi gần 10 triệu đồng.

Một điều lạ là các tỷ phú trên Huổi Luông đều chỉ tầm tuổi trên dưới 30. Nói như anh Lê Văn Dung thì: “Phải có lớp trẻ như thế làm đầu tàu thì việc sản xuất nông sản hàng hóa trên tuyến biên giới mới có những đột phá”. Và điều quan trọng là họ rất tích cực và chủ động tham gia vào những việc mà trước đây họ “mặc kệ chính quyền và bộ đội”. Đó là những việc, như: Phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp xây trường, làm đường, giúp các hộ khác thoát nghèo... Thêm nữa, khi làm ăn có thu nhập thì người ta trở nên chí thú, chính vì thế mấy cái "đạo lạ" cũng không xâm nhập được vào Huổi Luông. Nhưng trong câu chuyện của mình, cả Bí thư Huyện ủy Phong Thổ Nguyễn Ngọc Vinh và Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông Lê Văn Dung đều khẳng định: Cây chuối vẫn chưa phải là “cây chiến lược” của Phong Thổ. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp vẫn còn phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để hướng dẫn bà con cách làm ăn bài bản, khoa học, tìm đúng cây-con phù hợp thổ nhưỡng, vừa cho thu nhập, nhưng lại phải có giá trị ổn định để không bị "bắt chẹt", hoặc rơi vào tình trạng "được mùa, mất giá". Rồi cũng lại phải tìm cách để bảo đảm cho tất cả 18/18 xã, thị trấn phát triển đồng đều, ít chênh lệch về khoảng cách giàu-nghèo thì mới dẫn đến ổn định về dân cư, ổn định về an ninh trật tự. Khi ấy ta mới có cơ sở mà xây dựng thế trận quân sự, quốc phòng trên tuyến biên giới.

Từ trên xã Pa Vây Sử, chúng tôi xuôi về các xã vùng thấp của Phong Thổ như Mường So, Bản Lang... và gặp những cánh đồng lúa ngút ngát. Theo số liệu thống kê của Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Vinh, hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có hơn 8.000ha trồng lúa nước hai vụ và trồng rau màu, hơn 3.700ha chuối, hơn 1.400ha thảo quả, 1.500ha cao su, huyện cũng có hàng nghìn héc-ta chè, sắn, ngô, đậu..., có nhà máy thủy điện... Thu nhập bình quân của người dân Phong Thổ nay đã đạt 23 triệu đồng/năm (năm 2002 chỉ đạt một triệu đồng/người/năm). Đó là một tiến bộ vượt bậc. Thế nhưng trên địa bàn huyện cũng còn tới 30% hộ nghèo, và quan trọng là sự làm giàu vẫn chưa bền vững. Vì thế, mong muốn của anh Vinh cũng như của nhân dân Phong Thổ nói riêng, Lai Châu nói chung là làm sao Đảng, Nhà nước giúp cho sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp của người dân Lai Châu được lưu thông bền vững, nghĩa là vừa phải mở đường, vừa tạo cơ chế về vốn, về thông tin khoa học kỹ thuật, thu hút đầu tư vào nông nghiệp ở Lai Châu... thì vùng đất này mới có động lực phát triển tốt.

Những ngày đi dọc dài biên giới Lai Châu, chúng tôi nhận ra, cái ăn, cái mặc của người dân trên tuyến biên giới bây giờ không còn là nỗi lo thường trực, mà là làm thế nào để giúp người dân giàu lên từ chính mảnh đất biên cương mới là nỗi lo của đội ngũ cán bộ nơi đây. Chủ động tìm con đường đi cho mình cũng là một yếu tố cần khuyến khích. Thế nhưng trong thế phát triển hiện nay, một mình Lai Châu đi tìm hướng cho mình thì cũng chẳng khác nào vỗ tay bằng một bàn tay. Vì thế cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, trên thì gỡ khó bằng cơ chế, chính sách, vốn... dưới thì chủ động bám dân, gần dân, động viên dân để khơi dậy nội lực từ dân và phát huy thế mạnh của địa phương để sản xuất ra hàng hóa, chỉ có như thế thì chúng ta mới sớm tạo ra sự trù phú trên các vùng biên giới, nền tảng căn bản để tạo dựng “thế trận lòng dân”, tạo dựng phên giậu biên cương vững chắc.

TRẦN TUẤN - DUY HỒNG - NGỌC HÂN