Hệ thống hóa kiến thức, nâng cao chất lượng thực hành
Có thể nói, nhờ tăng cường huấn luyện sát với thực tế, có sự bám sát, hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình của đội ngũ giảng viên Học viện Hải quân tham gia đoàn công tác, nên kiến thức được trang bị ở nhà trường thêm một lần được hệ thống hóa trên “Giảng đường màu trắng”.
Trong quá trình học ở Học viện Hải quân, học viên học trên các tàu với trang bị kỹ thuật đã cũ nên khi tiếp cận sử dụng các máy móc, trang bị kỹ thuật mới trên tàu buồm, kíp tàu và giảng viên phải hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian học tập ở học viện, học viên ít được đi biển và mỗi lần đi biển cũng khá ngắn nên kinh nghiệm chưa nhiều, khả năng chịu đựng sóng gió chưa tốt.
 |
Huấn luyện tác nghiệp buồm cho học viên trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn. |
Chia sẻ về quá trình thực hành của học viên chuyên ngành hàng hải, Thượng úy Đoàn Tử Nguyên Ngọc, Phó thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn nói: “Ban đầu, do bỡ ngỡ nên nhiều em điều khiển tàu đi thiếu ổn định, thể hiện ở vệt hành trình còn “đánh võng”. Tuy nhiên, qua mỗi ngày, các em xử lý máy lái càng trở nên thuần thục, vận hành tàu tốt, lái đúng ý định của chỉ huy. Các bộ phận tác nghiệp tại những vị trí như cabin, sau lái... đã sử dụng được các phương pháp tác nghiệp địa văn để xác định vị trí tàu, hoặc giải các bài toán vận động tàu, tính toán các thông số mục tiêu để tránh va chạm...
Những ngày đầu, việc quan sát mục tiêu của các học viên đi ca ở hai bên dải quạt tàu có lúc chưa tốt, dẫn đến việc phát hiện, quản lý mục tiêu chưa thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, kỹ năng này ngày càng được hoàn thiện trong hành trình của tàu buồm. Bất kể trong điều kiện ngày đêm, mưa nắng, học viên vẫn kiên trì bám sát từng vị trí được phân công. Trong ngày tàu đang hành trình tiếp cận khu neo đậu trước khi vào cảng Tanjung Priok (Jakarta, Indonesia), các học viên đi ca thực hiện nhiệm vụ quan sát, cảnh giới trước lái căng mắt dõi tìm các mục tiêu trên hướng đi của tàu trong màn đêm thẫm đen buông trên mặt biển.
- Có lưới đánh cá trước tàu! - một học viên hô lên dõng dạc.
Cách không xa mũi tàu là những chiếc phao trắng đang lềnh bềnh trôi. Ngay lập tức, động cơ trên tàu được ngắt kịp thời.
- Nếu học viên đi ca không phát hiện tốt, cảnh báo sớm để kíp tàu xử lý kịp thời, lưới rất dễ quấn vào chân vịt của tàu, khi đó sẽ mất thời gian khắc phục, ảnh hưởng đến hành trình-Thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn, Đại úy Cao Xuân Long chia sẻ.
Sau những ngày dài miệt mài vận dụng lý thuyết vào thực tế, trước khi tàu trở về đến Côn Đảo, 55 học viên được kiểm tra đánh giá kết quả thực tập trên tàu. Nội dung kiểm tra được tiến hành trên tất cả chuyên ngành và kết quả đạt được rất khả quan: 100% khá, giỏi, trong đó 49% giỏi.
Kết nối vòng tay bạn bè
Trong mỗi chuyến thăm hải quân các nước của Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn, hoạt động tham quan, tìm hiểu, trao đổi nghiệp vụ và giao lưu với bạn luôn là nội dung được các đoàn công tác chú trọng.
Đến quốc đảo sư tử Singapore xinh đẹp, các thành viên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn đã tới tham quan tại Sở chỉ huy Học thuyết và Huấn luyện hàng hải Hải quân Singapore. Tại khu vực sảnh sở chỉ huy, nhiều biểu trưng là quà tặng của hải quân các nước được treo trang trọng, trong số đó có bức tranh chất liệu đồng in hình chùa Một Cột là quà tặng trước đó của một đoàn công tác Hải quân Việt Nam. Quan hệ giữa hải quân hai nước Việt Nam-Singapore những năm gần đây phát triển rất tốt đẹp và chuyến thăm lần này của Tàu buồm 286/Lê Qúy Đôn là chuyến thăm thứ 5 của Hải quân Việt Nam tới Singapore. Sau khi được Đại tá Douglas Goh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Học thuyết và Huấn luyện hàng hải Hải quân Singapore đón tiếp, đoàn đã “thực mục sở thị” học viên và giáo viên của bạn tác nghiệp tại Trung tâm Mô phỏng và Trung tâm Huấn luyện thực hành bảo đảm sức sống tàu. Tại đây, đoàn được nghe giới thiệu khá chi tiết về tổ chức biên chế, chức năng nhiệm vụ, mục tiêu và phương châm đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ của Hải quân Singapore. Nhiều câu hỏi thú vị cũng được đặt ra từ đoàn công tác, như: Việc cấp văn bằng, chứng chỉ ở từng cấp học được đơn vị đào tạo của bạn tiến hành như thế nào? Việc tạo nguồn giảng viên và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này được thực hiện ra sao?... Mỗi câu hỏi đều được phía bạn chia sẻ thỏa đáng, vừa giúp đoàn mở rộng sự hiểu biết về công tác đào tạo nguồn nhân lực hải quân của Singapore, vừa tạo ra những kinh nghiệm quý để tham khảo, phục vụ công tác giáo dục-đào tạo cán bộ các cấp của Hải quân Việt Nam.
 |
Đoàn Hải quân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Hạm đội 1, Hải quân Indonesia. |
Là một trong những học viên được tham quan Trung tâm Mô phỏng thuộc Sở chỉ huy Học thuyết và Huấn luyện hàng hải Hải quân Singapore, Thượng sĩ Nguyễn Hoàng Giang, học viên Lớp KH33B bày tỏ: “Nhiều kiến thức bổ ích chúng tôi thu nhận được từ quá trình tham quan. Chúng tôi thực sự ấn tượng với việc bạn tích hợp đường giới hạn phương vị và độ sâu trên hải đồ khi huấn luyện dẫn tàu đi trong luồng thủy hẹp, bảo đảm cho tàu đi an toàn. Công tác đào tạo của bạn cũng rất thú vị. Trong thời gian đào tạo 9 tháng, bạn trang bị kiến thức nhiều chuyên ngành, đồng thời dành không ít thời gian cho thực hành, bảo đảm cho một sĩ quan có thể nắm được kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Sau khóa đào tạo 9 tháng, sĩ quan mới trải qua khóa đào tạo dài hơn, tập trung chuyên sâu vào một chuyên ngành cụ thể”.
Tình cảm trọng thị, nồng ấm từ phía Indonesia là cảm nhận chung của các thành viên trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn, trong lễ đón tiếp của bạn tại cảng Tanjung Priok (Jakarta, Indonesia). Tiếng kèn, trống do đội quân nhạc phía bạn tấu lên rộn rã; những điệu múa truyền thống được biểu diễn rộn ràng, sôi nổi bởi các vũ nữ trong trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của đất nước vạn đảo khiến những con người từ hai đất nước ở hai bên xích đạo trái đất trở nên gần gũi.
Đến thăm Hạm đội 1 của Hải quân Indonesia, đoàn công tác Hải quân Việt Nam được Đề đốc Hutabarat, Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Hạm đội 1 nhiệt liệt chào đón. Tại đây, Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó giám đốc Học viện Hải quân, Trưởng đoàn công tác chia sẻ với bạn: “Thành viên của đoàn Hải quân Việt Nam trong chuyến thăm lần này có các học viên sĩ quan hải quân học năm cuối. Những chuyến đối ngoại như thế này sẽ góp phần hình thành tình cảm tốt đẹp giữa các sĩ quan hải quân tương lai với các nước bạn bè, để sau này trên cương vị là chỉ huy các đơn vị hải quân, họ sẽ vun đắp cho những tình cảm hôm nay tiếp tục phát triển, qua đó góp phần củng cố ngày càng vững chắc tình đoàn kết, hữu nghị giữa Hải quân Việt Nam với hải quân các nước”.
Một điều thú vị diễn ra tại cuộc gặp này là cái bắt tay thật chặt giữa Đại tá Nguyễn Đức Nam và Đề đốc Hutabarat, khi hai người nhận ra nhau là bạn học ở Học viện Quốc phòng Australia. Những nội dung hai bên cùng quan tâm đã được trao đổi cởi mở, đặc biệt là nội dung mở rộng trao đổi thông tin cũng như tăng cường hợp tác trong đào tạo sĩ quan hải quân. Tại các buổi đến chào xã giao lãnh đạo địa phương khu vực Bắc Jakarta và Phó thống đốc thành phố Jakarta, đoàn Hải quân Việt Nam đều được đón tiếp trọng thị. Phía bạn dành nhiều thời gian chia sẻ thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, văn hóa của địa phương và những kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề tồn tại ở Jakarta, như vấn đề giao thông và môi trường. Buổi tiệc chiêu đãi trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn tổ chức trong những ngày tàu ở thăm Indonesia được đánh giá thành công hơn mong đợi, khi có sự tham gia của nhiều tướng lĩnh quân đội Indonesia và lãnh đạo cao cấp của địa phương.
Trở về cảng Nha Trang, kết thúc hải trình dài hơn 2.600 hải lý, Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn đã “chạm” đến “hai đích” quan trọng của chuyến đi lần này: Huấn luyện thực hành đường dài trên biển hiệu quả và tổ chức đối ngoại quân sự thành công tốt đẹp.
Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ