Bài 1:  Giảng đường màu trắng giữa trùng khơi

Hiện nay, Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn thuộc biên chế Học viện Hải quân. Với cấu tạo đặc biệt và có nhiều trang thiết bị hiện đại, con tàu đủ điều kiện tổ chức thực hành huấn luyện đường dài trên biển cho các đối tượng học viên. Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn thực sự là giảng đường trên biển, giúp đưa lý thuyết đến gần hơn với thực tiễn...

Tạo động lực phấn đấu cho học viên

Có thể nói, việc đưa học viên sĩ quan năm cuối đi thực hành huấn luyện biển đường dài là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và khả năng thực hiện nhiệm vụ của những sĩ quan tương lai, đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cùng với đó, việc tổ chức thăm, giao lưu với hải quân các nước chính là sự cụ thể hóa chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại quân sự, quốc phòng, vì hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước và khu vực. Bởi thế, nhiệm vụ này được cấp ủy, chỉ huy các cấp của Học viện Hải quân đặc biệt chú trọng.

Trong số 119 thành viên tham gia hải trình trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn năm nay, có 55 học viên khóa 59 của Học viện Hải quân. Đây là những học viên của Tiểu đoàn 3, thuộc tất cả chuyên ngành: Hàng hải, cơ điện, vũ khí, thông tin-ra đa; họ đều có trình độ ngoại ngữ tốt, đủ điều kiện giao lưu quốc tế và có năng khiếu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.

Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (Học viện Hải quân) cho biết: “Kể từ khi Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn được giao nhiệm vụ tổ chức thực hành huấn luyện đường dài trên biển kết hợp thăm, giao lưu với hải quân các nước ASEAN cho học viên sĩ quan năm cuối thì những chuyến đi như thế này luôn có sức hút và tạo động lực để học viên phấn đấu học tập, rèn luyện ngay từ năm đầu tiên của khóa học”.

Những gợi mở từ Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu thôi thúc chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về các học viên tham gia hải trình năm nay. Kết quả thu được khiến chúng tôi thực sự bất ngờ về thành tích của họ. Toàn bộ số học viên đều có điểm trung bình trong toàn khóa học từ 7,0 trở lên; một học viên đoạt giải nhì Olympic Toán toàn quốc; 3 học viên đoạt giải 3 Olympic tiếng Anh toàn quốc; 3 học viên đoạt giải 3 Olympic Tin học toàn quốc; một số học viên đoạt giải tập thể Olympic toàn quốc các môn lý luận...

leftcenterrightdel
Huấn luyện học viên xác định vị trí tàu bằng phương pháp thiên văn trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn.

Năm 2017, được tham dự giao lưu hải quân hai nước Việt Nam-Indonesia, năm nay, Thượng sĩ Lương Việt Tiến, học viên Lớp KH33B lại vinh dự là thành viên trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn. Lương Việt Tiến chia sẻ: “Ngay từ năm đầu của khóa học, em đã đặt mục tiêu giành thành tích cao nhất trong học tập, vừa tạo cơ sở để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ sau khi ra trường, vừa có cơ hội tham gia huấn luyện đường dài và giao lưu với hải quân nước bạn như các anh khóa trước. Bởi vậy, cùng với tích cực, chủ động học tập các môn chuyên ngành, em cũng đặt ra mục tiêu phải sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giao tiếp. Sau 5 năm học, em đạt điểm trung bình chung 7,47 và có chứng chỉ B1 tiếng Anh”.

Được biết, quá trình bình chọn, xét duyệt học viên tham gia hải trình năm nay được các cấp của Học viện Hải quân tiến hành chặt chẽ, công khai, dân chủ, bảo đảm những học viên có quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ và có kết quả học tập tốt nhất sẽ được “lên tàu”, trong đó ưu tiên những đồng chí có năng khiếu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tham gia vào các hoạt động đối ngoại, giao lưu tại nước bạn...

Khi giảng đường là thực tiễn

Nhìn vào kế hoạch tổng thể của chuyến đi năm nay, có thể thấy nội dung được đưa vào huấn luyện cho các đối tượng học viên khá đa dạng trên tất cả chuyên ngành. Đề cập đến công tác xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện, Thượng tá Lại Hồng Đông, Phó trưởng phòng Đào tạo (Học viện Hải quân) cho hay: “Trên cơ sở kế hoạch huấn luyện đã được Giám đốc Học viện Hải quân phê duyệt, các khoa giáo viên lập kế hoạch huấn luyện chi tiết cho từng chuyên ngành trong chuyến đi này. Nhìn chung, các nội dung huấn luyện trên tàu bảo đảm sát với công việc thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của học viên sĩ quan sau khi ra trường”.

Ngay ngày đầu tiên sau khi rời cảng Nha Trang, “giảng đường màu trắng” lập tức trở nên sôi động, với hoạt động đi ca của các học viên thuộc các chuyên ngành. Phía sau lái, giữa cái nắng gắt gao trong những ngày đầu hè, Thượng sĩ Nguyễn An Hữu Phước và nhóm học viên chuyên ngành Hàng hải khóa 59 say sưa tác nghiệp dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào mục tiêu địa văn và la bàn từ, trên tấm hải đồ trải rộng, các sĩ quan hàng hải tương lai thực hành xác định vệt đi của tàu, đăng ký đầy đủ tham số chuyển động của tàu vào nhật ký hàng hải. Đây sẽ là tài liệu pháp lý về hành trình của tàu, đồng thời là căn cứ để xác định tàu có thực hiện đúng hành trình theo kế hoạch hay không. Ở 4 góc phía trước và sau lái, giảng viên và học viên ngành vũ khí cũng tích cực thực hành huấn luyện làm chủ hệ thống vũ khí hiện đại Wave 300N, với thành phần chính là 4 khẩu súng máy 12,7mm, có thể được điều khiển trực tiếp hoặc thông qua hệ thống điều khiển tự động. Cấu tạo, tính năng tác dụng của Wave 300N được giới thiệu rất cặn kẽ, tỉ mỉ cho học viên. Đây là hệ thống vũ khí hoàn toàn mới và chỉ được trang bị trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn.

Thượng úy Nguyễn Trọng Hiếu (nay là Đại úy), Phó thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn cho biết: "Học viên các chuyên ngành thực hiện đi ca theo kíp tàu, với 6 ca/ngày đêm (4 giờ/ca). Khi đi ca, trưởng ca sẽ kết hợp với giáo viên hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ và tăng cường hỏi-đáp để nhanh chóng củng cố kiến thức và kỹ năng thực hành của học viên".

Sau khi kết thúc hành trình trên vùng biển Việt Nam, tàu đi vào vùng biển chồng lấn giữa 3 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia. Trong ráng chiều, Trung tá Nguyễn Khắc Ngọc, Giảng viên trinh sát, Khoa Chỉ huy-Tham mưu (Học viện Hải quân) tập trung huấn luyện bổ sung phương pháp quan sát, trinh sát, nhận dạng mục tiêu trên biển, nhằm giúp học viên nhận dạng, phân biệt được các mục tiêu tàu và máy bay dân sự, quân sự hoạt động trong khu vực vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế. Anh Ngọc nói: “Quá trình đi ca theo tàu, học viên phải thường xuyên quan sát theo đúng mặt quạt quy định, bảo đảm không bỏ lọt mục tiêu; nhận dạng theo phương pháp ưu tiên mục tiêu gần trước, xa sau-chủ yếu trước, thứ yếu sau-nguy hiểm trước, ít nguy hiểm sau. Khi quan sát thấy tàu quân sự của nước ngoài phải đăng ký đầy đủ tính chất, yếu tố và dự kiến hành động của mục tiêu... Nếu không phát hiện được mục tiêu sẽ dẫn đến mất thời cơ trong xử lý các tình huống, hoặc nhận dạng sai mục tiêu sẽ khiến người chỉ huy đánh giá sai tình hình”.

Trong những ngày Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn neo tại cảng Changi (Singapore), biển bình yên, vậy mà ngay trong buổi sáng khi tàu nhổ neo hướng về Jakarta (Indonesia), trời giông gió, tạo nên những con sóng như những bức tường thành ập xuống, khiến tàu thường xuyên đi nghiêng 15 độ. Khi đêm đen bao trùm, gió vẫn giật liên hồi, tàu vẫn chồm lên rồi ập xuống theo từng con sóng. Trên cabin, kíp tàu và các học viên đi ca tăng cường nhận dạng mục tiêu từ ánh đèn và các trang thiết bị điện tử, như: Thiết bị thông tin liên lạc sóng ngắn, hệ thống nhận dạng mục tiêu AIS, ống nhòm quang học nhìn đêm... Đêm 27-4, tàu đi qua xích đạo giữa giông gió để xuống phía nam bán cầu, làm nên trải nghiệm đáng nhớ đối với các sĩ quan hải quân tương lai...

Trên hải trình dài, Thượng sĩ Cù Hoàng Vũ, học viên Lớp KTP-21B tâm sự: “Ở nhà trường, học viên được huấn luyện tại phòng thực hành và trung tâm mô phỏng, có khả năng tạo giả sóng, gió. Nhưng thực tế chuyến đi này mới là những thử thách thực sự đối với chúng tôi. Qua đó, chúng tôi đã học tập được từ kíp tàu ý thức, trách nhiệm, sự kiên trì bền bỉ để đưa con tàu đi đúng hành trình. Chuyến thực hành biển đường dài cũng trang bị cho chúng tôi những kiến thức thực tế trong tác nghiệp buồm...”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ