Hiệu quả mô hình “3 trong 1”

Trang trại gia đình anh A Lăng Ghim ở thôn Pa Lan, xã La Êê (Nam Giang) hôm nay thật đông vui. Ngay từ sáng sớm, Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Trung, trợ lý kỹ thuật nông lâm cùng một số trí thức trẻ tình nguyện đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cách làm cho cây cam, cây chanh sai quả, lớn nhanh. Nhìn những cành cam, cành chanh trĩu quả, nét mặt A Lăng Ghim vui lắm. Từ xưa nay, cả đời chỉ biết nay rẫy này, mai nương khác, an phận với cuộc sống du canh, du cư. Làm lụng quanh năm mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Vậy mà hôm nay, ngay trên khu vườn trong nhà mà trước đây chỉ toàn cỏ dại, gần 100 cây cam, cây chanh sắp cho vụ mùa bội thu. 

Đến nhà anh Pơ Lang Blay, chúng tôi thấy cả đàn lợn lai béo nung núc trong dãy chuồng trại. Chăn nuôi chuồng trại tưởng chừng đơn giản, nhưng đây là một sự tiến bộ rõ rệt so với cách chăn thả rông trước đây. Từng con vật nuôi, cây trồng được bộ đội chuyển giao tận tay mỗi người dân. Định kỳ, cán bộ kỹ thuật Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 207 đến từng gia đình kiểm tra, hướng dẫn cách nuôi, trồng. Bây giờ không riêng gia đình Pơ Lang Blay, hàng trăm hộ dân ở các xã vùng cao này đã thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế.

Hài lòng với sự đổi thay của quê hương, ông A Lăng Blim, Phó chủ tịch UBND xã La Êê khẳng định: “Những kết quả đáng khích lệ hôm nay là nhờ vận dụng mô hình “3 trong 1” do Đoàn KT-QP 207 khởi xướng. Theo đó, đơn vị đã xây dựng mô hình sản xuất tập trung, hình thành các trang trại cây, con giống. Đây vừa là mô hình sản xuất tập trung của đơn vị, vừa là mô hình mẫu giới thiệu cho chính quyền, nhân dân địa phương tham quan, học tập. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ và đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện của đơn vị còn giúp bà con hình thành những mô hình kinh tế vệ tinh, thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học... 

Cán bộ, đoàn viên Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 207 dạy chữ cho con em đồng bào huyện Nam Giang.

Cùng với các mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi, Đoàn KT-QP 207 còn xây dựng “ngân hàng bò” để hỗ trợ bà con. Ở đây, bò giống được chăn nuôi qua nhiều thế hệ. Khi con bò thích nghi được với điều kiện môi trường, thời tiết khắc nghiệt vùng cao biên giới này, đơn vị mới tiến hành hỗ trợ bà con. Nhờ cách làm đó nên khi bò được giao về các hộ gia đình đều phát triển rất tốt. Ngày trước, để có được một con bò như vậy, mỗi gia đình phải chắt chiu, dành dụm trong nhiều năm may ra mới đủ tiền mua được.

Từ bao đời nay, sản phẩm bà con làm ra thường không có thị trường tiêu thụ. Bởi vậy, những năm trước, thực phẩm hằng ngày được tư thương chở từ dưới xuôi lên để trao đổi nông sản. Hàng hóa có gì dùng nấy, giá cả đắt gấp đôi, gấp ba lần dưới xuôi. Trăn trở trước sự bất cập ấy, Đoàn KT-QP 207 chủ động thực hiện giải pháp “tròn khâu”, vừa giúp bà con có cây trồng, vật nuôi và bao tiêu luôn sản phẩm.

Một chuyện tưởng như đơn giản đối với nhiều vùng quê khác, nhưng lại được đồng bào nơi đây rất phấn khởi đón nhận: Chợ phiên do Đoàn KT-QP 207 phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức. Từ đây, hàng hóa, sản phẩm do chính đồng bào làm ra được bày bán, mang lại thu nhập. Phiên chợ đã giúp những người dân nơi đây từ chỗ tự cung, tự cấp đã chuyển sang giao thương hàng hóa. Và cũng với hoạt động buôn bán mới mẻ này, những sản phẩm truyền thống được bảo tồn, phát huy. Cùng với đó, các cửa hàng bình ổn giá của bộ đội trở thành địa chỉ quen thuộc đối với đồng bào. Hệ thống cửa hàng này vừa bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm của bà con trong vùng dự án, vừa góp phần bình ổn giá; đồng thời là phương thức dự trữ phục vụ nhu cầu nhân dân khi có thiên tai, bão lũ xảy ra.

Suốt đời mang ơn Bộ đội Cụ Hồ

Không chỉ lo cái ăn, cái mặc, khám, chữa bệnh cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 còn quan tâm đến những việc cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hình ảnh người dân tìm đến đơn vị nhận nước uống tinh khiết mang về nhà vào mỗi buổi chiều; hay nồi cháo nghĩa tình của các chú bộ đội trích từ đồng lương hằng tháng, nấu cho các cháu nhỏ trường mầm non thôn Pa Lan... phần nào nói lên tấm lòng thơm thảo của người chiến sĩ.

Cảm kích trước những việc làm tình nghĩa của bộ đội, ông Zơ Zâm Huấn, Chủ tịch UBND xã La Êê cảm động nói: “Từ ngày có Đoàn KT-QP 207 lên “cắm bản”, cuộc sống của đồng bào ngày càng khấm khá; tình quân dân thêm bền chặt, gắn bó... Giờ đây nhiều hộ gia đình trong xã có nhà mới. Các công trình phúc lợi, công trình dân sinh được Đoàn KT-QP 207 tích cực triển khai góp phần quan trọng nâng cao đời sống của bà con vùng biên giới. Trạm y tế là nơi bà con tìm đến những lúc ốm đau, bệnh tật thay vì cảnh khiêng nhau vượt hàng chục cây số đường rừng để tìm thầy mo, thầy cúng...”.

Đằng đẵng hơn 10 năm bám bản, bám dân để phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 207 còn chỉ đạo các cơ quan và các đội thường xuyên phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn vững mạnh; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới, hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội... Phối hợp với Bộ đội Biên phòng đồng hành và sẻ chia gian khó, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 207 thực sự là điểm tựa của người dân vùng biên giới phía tây tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi với chúng tôi về vai trò của Đoàn KT-QP 207, đồng chí Chờ Rum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang khẳng định: “Những năm qua, Đoàn KT-QP 207 đã đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao dân trí, bảo đảm dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh”.  

Khe Zum hung dữ ngày nào, ngày nay đã có cây cầu vững chãi bắc qua; con đường bê tông hun hút, trải dài bên sườn đồi nối liền các thôn, bản về xuôi. Những ai đã trải qua khó khăn ngày đầu không đường, không điện, không sóng liên lạc, không doanh trại; những ai từng ngày gian truân băng rừng, lội suối, lội bộ hàng chục cây số trong lớp bùn nhão nhoét, hay oằn mình trong những cơn mưa rừng tầm tã nơi vùng cao biên giới này thì mới thấu hiểu hết niềm vui đó là lớn đến dường nào. Các địa danh gợi nhớ gian nan, nguy hiểm, như: Khe Zum, dốc Luyn, dốc 3 tầng, dốc Già Lào, dốc Ông Hon... giờ không còn nữa. Sắc màu tươi sáng, ấm no. Thành công của Đoàn KT-QP 207 là đã biến những vùng rừng không dân cư, xác xơ, nghèo đói, những vùng đất hoang hóa thành những khu dân cư, thôn, làng trù phú. Giờ đây, vùng đất nghèo khó năm xưa, nay đã cho những vụ mùa bội thu.

Chia tay Nam Giang trong chiều quyến luyến... già làng Bling Hiền tiễn khách qua đầu con suối cạn. Chúng tôi ấn tượng mãi câu nói của già Bling: “Bộ đội hai linh bảy đã giúp đồng bào Nam Giang ta thoát đói nghèo. Ơn này bà con mãi khắc ghi. Bao giờ trên rừng hết cây, nước sông Bung không còn chảy, thì lòng dân Cơ Tu mới hết thương Bộ đội Cụ Hồ !”.

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG