Chia sẻ với chúng tôi về phát triển nguồn nhân lực, Đại tá Phạm Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV 133 cho hay: "Xác định nhân tố con người là khâu then chốt, yếu tố quyết định, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy chủ động rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuẩn hóa về trình độ, tay nghề theo từng vị trí công tác; chú trọng liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để tuyển chọn; tổ chức đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu nhằm cân đối lực lượng sản xuất, xây dựng đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật trẻ lành nghề làm nòng cốt ở các lĩnh vực chuyên môn". 

 

Công nhân Nhà máy Z133, Tổng cục Kỹ thuật sửa chữa, hiệu chỉnh khí tài nhìn đêm.

Đặc biệt, Nhà máy coi trọng huấn luyện, kèm cặp, bồi dưỡng qua thực tiễn sản xuất, qua tiếp nhận chuyển giao công nghệ; đồng thời khuyến khích người lao động tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ tay nghề, vươn lên làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm tuyển dụng nhân lực chất lượng cao vào làm việc, bảo đảm tốt đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động. Hiện nay, 100% đội ngũ cán bộ của Nhà máy có trình độ đại học và sau đại học; bậc thợ bình quân là 5,3/7, có 81% thợ bậc cao, 64,8% thợ có trình độ đại học, cao đẳng...

Bên cạnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực, Nhà máy Z133 tích cực huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại; đột phá vào công nghệ sửa chữa, sản xuất các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao, mở rộng công nghệ phục hồi, nhất là phục hồi vật tư kỹ thuật theo súng, pháo mà công nghệ trong nước không có khả năng sản xuất. Song song với các dự án đã thực hiện, Nhà máy tiếp tục tham gia cải tiến các loại vũ khí, trang bị hiện đại; chế thử và sản xuất loạt những vật tư kỹ thuật đặc chủng, đầu tư xây mới nhà đo lường, kiểm định sản phẩm. Đặc biệt, để từng bước thực hiện số hóa trong quản lý, sản xuất, sửa chữa, Nhà máy đầu tư các phần mềm phục vụ thiết kế, lập trình, gia công (Pro Engineer, tổ hợp phần mềm TopSolid, Geomagic Control X, Geomagic Design X); các phần mềm quản lý tài liệu, quản lý điều hành và số hóa tài liệu kỹ thuật; đầu tư các trang bị mới, hiện đại như: Trung tâm gia công 5 trục DMU65; máy tiện NEF-520; trung tâm gia công U630T; các máy gia công tia lửa điện như ROBOFORM-22; ROBOFILL-290P; máy đột, dập CNC, các trang bị đo, kiểm tra...

Công nhân Nhà máy Z133, Tổng cục Kỹ thuật sản xuất vật tư kỹ thuật trên máy phay CNC. 

Với những giải pháp đồng bộ, tinh thần trách nhiệm cao, sự năng động của cán bộ, nhân viên, người lao động, những năm qua, Nhà máy Z133 bảo đảm được 30% nhu cầu vật tư kỹ thuật, trong đó có nhiều loại vật tư khan hiếm, trước đây phải nhập ngoại, góp phần tiết kiệm ngân sách, giảm chi phí sản xuất, sửa chữa. Cùng với đó, Nhà máy tổ chức hàng trăm đoàn công tác sửa chữa cơ động tại các đơn vị vùng biên giới, hải đảo, các quân khu, quân đoàn với gần 20.000 khẩu súng, pháo các loại; sửa chữa hơn 42.000 khí tài quang học; sản xuất gần 200.000 vật tư kỹ thuật thay thế; phục hồi hàng trăm cụm chi tiết súng, pháo; có hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, 50 đề tài khoa học được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn...

Đại tá Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Nhà máy Z133 cho biết: Với việc đầu tư chiều sâu công nghệ theo từng giai đoạn, hiện nay, Nhà máy đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất, chế tạo các cụm nhóm vũ khí có yêu cầu kỹ thuật cao như các cụm hãm lùi, đẩy lên; cụm cân bằng; cụm kích bệ tì của các loại pháo. Bên cạnh đó, được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, Nhà máy đã hoàn thiện dự án sửa chữa khí tài quang-điện tử, với dây chuyền hiện đại có khả năng sửa chữa, cải tiến, nâng cấp khí tài quang-điện tử từ thế hệ 0 và 1 lên thế hệ 2+ và 3, sửa chữa khí tài đo xa laser đơn xung LPR-1, BD-1... 

 Bài và ảnh: DUY HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.