Ngoài ra, cần có phương pháp quản lý mới nhân văn, khoa học để thúc đẩy năng suất lao động, xây dựng tính chuyên nghiệp cho từng cá nhân và rộng ra là toàn dây chuyền, phân xưởng hay là cả nhà máy và tầm lớn hơn là sự chuyên nghiệp của toàn Tổng cục CNQP.
Ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao
Tìm hiểu điều này tại Nhà máy Z195 hay Nhà máy Z181, những nơi phóng viên chúng tôi phải mặc quần áo bảo hộ đặc thù, không được phép mang máy ảnh, điện thoại theo người, phải qua buồng khử khuẩn mới được vào các phòng làm việc và sản xuất của các kỹ sư để tham quan những trang thiết bị hiện đại, vậy mà, các kỹ sư của hai nhà máy vẫn có những cải tiến kỹ thuật trên những cỗ máy trị giá nhiều tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù ở những dây chuyền, khâu công việc khác nhau, trình độ làm việc khác nhau, chỉ cần có một tấm lòng với nhà máy, với công việc, những sáng kiến luôn được sinh sôi, làm lợi cho tập thể, tiết kiệm tiền cho ngân sách, làm cho sản phẩm CNQP Việt Nam ngày một giá trị, hoàn thiện hơn.
 |
Nhà xưởng sạch sẽ tại Nhà máy Z175. |
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tá Hà Trung Hữu, Trưởng ban Cơ điện, Xí nghiệp Quang điện tử, Nhà máy Z181, người vẫn được gọi trìu mến là "người nắm giữ "trái tim" của khí tài quan sát ngắm bắn đêm", cho biết: Trong quá trình nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, xuất hiện một vấn đề nan giải, đó là nguồn vật tư bị phụ thuộc, nhiều chi tiết, thiết bị hỏng hóc gần như không tìm được nguyên liệu, phụ kiện thay thế, nhiều lúc tưởng như công việc rơi vào bế tắc... Với tâm huyết của người lính quân giới, anh không cho phép mình bỏ cuộc. Nhiều đêm thức trắng mày mò, anh đã tìm ra các giải pháp thay thế. Thiếu tá Hà Trung Hữu đã nghiên cứu hàng chục đề tài, sáng kiến có giá trị áp dụng trong thực tiễn sản xuất với hàm lượng khoa học rất cao, ví dụ như: Tham gia đề tài nghiên cứu nâng cao chất lượng, giảm tỷ lệ sản phẩm ống khuếch đại ánh sáng loại C; chế tạo mới modul đo lường và hiển thị hệ số phát xạ của màn ảnh... Trong đó, đáng chú ý nhất là đề tài "Thiết bị hiệu chỉnh ống khuếch đại ánh sáng thế hệ 2+". Trong suốt gần một năm, anh Hữu đã tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo và cho ra đời thiết bị mới có độ chính xác cao, phục vụ quá trình hiệu chỉnh hệ số khuếch đại, nhờ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Qua chuyến đi thực tế hơn chục nhà máy, viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP mới thấy, những người trẻ như kỹ sư Vũ Tiến Công (Viện Thuốc phóng, thuốc nổ), Hà Trung Hữu (Nhà máy Z181) hay Võ Tá Nam (Nhà máy Z195)... còn rất nhiều. Một trong những nguyên nhân quan trọng để đạt được những kết quả nêu trên là sự chăm lo cho con người, cho những nhân tài luôn được Đảng ủy Tổng cục CNQP đặt lên hàng đầu. Đảng ủy tổng cục xác định, để thực hiện được mục tiêu “xây dựng và phát triển CNQP trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, yêu cầu tiên quyết là phải có được những con người đầu ngành về kỹ thuật công nghệ.
 |
Bữa ăn tự chọn miễn phí cho cán bộ, kỹ sư, nhân viên Viện thuốc phóng thuốc nổ. |
Thời gian qua, Đảng ủy tổng cục đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt như: Ưu tiên xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học có trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành về vũ khí, đạn, ngòi nổ, thuốc nổ, tên lửa phòng không tầm thấp... Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục CNQP cho biết, tổng cục đang triển khai phát triển một số lĩnh vực công nghệ để trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, tập trung vào công nghệ cơ khí chính xác, hóa nổ, quang điện tử, điều khiển tự động, công nghệ thông tin, vật liệu mới... Tập trung đầu tư nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thành công một số vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu trang bị của quân đội. "Đi tắt đón đầu", phát triển công nghệ mũi nhọn trong hoạt động nghiên cứu, tạo bước chuyển biến và hình thành các sản phẩm có tính đột phá về KHCN; đổi mới công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, tạo sự tăng trưởng cả về số lượng, chủng loại mới, có tính năng kỹ chiến thuật cao. Đẩy mạnh chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xây dựng và phát triển CNQP.
Tìm hiểu thực tế tại các nhà máy, viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP, điều rất dễ nhận thấy là bằng các chính sách thu hút nhân lực hợp lý, kết hợp đào tạo và tự đào tạo, hiện nay, tổng cục đang có đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chất lượng cao, nhiều chuyên gia hàng đầu về CNQP. Với sự đầu tư đồng bộ cả về máy móc, con người, ngành CNQP trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược có trong trang bị của sư đoàn bộ binh đủ quân; đạn pháo cho lục quân, phòng không và hải quân; radar cảnh giới, máy thông tin, phương tiện tác chiến điện tử; một số trang bị khí tài cho các quân-binh chủng; đóng tàu pháo, tàu tên lửa và các loại tàu bổ trợ khác. Qua thống kê của các đơn vị cho thấy, hơn 80% các loại VKTBKT do CNQP sản xuất, sửa chữa lớn hiện nay là nhờ kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của toàn ngành trong 10 năm qua. Đặc biệt, vừa qua, các cơ quan, đơn vị của Tổng cục CNQP đã nghiên cứu chế tạo thành công một số loại vũ khí thế hệ mới, hiện đại, như: Súng và đạn chống tăng, chống giáp phản ứng nổ; đạn xuyên giáp các loại; đạn cối mẫu mới có độ chính xác, uy lực cao hơn; khí tài ngắm bắn, quan sát ban đêm; phương tiện tác chiến điện tử... Thành tích trên cho thấy trình độ tay nghề của những người lính quân giới Việt Nam thật đáng nể phục.
 |
Thượng tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Nhà máy Z175 trao thưởng ngay tại công trường cho những công nhân có sáng kiến. |
Nâng tầm văn hóa quản lý
Để tiếp tục phát triển CNQP một cách nhanh chóng, bền vững và vươn xa hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới, ngoài việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực phát triển CNQP, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm chủ khoa học kỹ thuật thì tăng cường các biện pháp quản lý khoa học luôn được Tổng cục CNQP đặc biệt chú trọng. Mô hình Kaizen-5S như chúng tôi được tận mắt thấy ở Nhà máy Z175 hay mô hình 5S ở Nhà máy Z111 là điển hình về quyết tâm áp dụng văn hóa quản lý tiên tiến giúp các doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong tưởng tượng của chúng tôi, khi tới nhà máy sản xuất các sản phẩm cao su sẽ ngửi thấy mùi cao su; đến nhà máy sản xuất súng thì phải có mùi dầu mỡ... Thế nhưng, chúng tôi đã nhầm. Ngay cả khi vào tận các dây chuyền sản xuất băng tải hay ống cao su ở Nhà máy Z175, đứng bên các dây chuyền sản xuất súng ở Nhà máy Z111, chúng tôi không hề ngửi thấy mùi cao su, mùi dầu mỡ. Nói có vẻ hơi quá, nhưng nhà xưởng quả thực sạch sẽ, gọn gàng như trong một công sở ở thành phố. Mọi dụng cụ làm việc được sắp xếp gọn gàng, lau chùi bóng loáng. Các kệ, giá đựng sản phẩm được bố trí khoa học; nhà xưởng thoáng, mát, không khí trong lành. Đầu tháng 7 năm nay nóng bất thường là thế mà chúng tôi vẫn cảm nhận được sự thoáng đãng trong các phân xưởng ở Nhà máy Z175.
Nói về kinh nghiệm quản lý ở Nhà máy Z175, sau khi đi một vòng các phân xưởng để phát phần thưởng tặng những công nhân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Phó giám đốc nhà máy Hoàng Văn Thành cho biết: "Cách đây ít năm, Nhà máy Z175 đã triển khai áp dụng nguyên tắc 5S-“sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”, là mô hình nhằm tạo ra một môi trường làm việc sạch sẽ, khoa học, gọn gàng và tiện lợi; còn Kaizen là triết lý nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến liên tục trong quá trình làm việc. Đến nay, mô hình này đã cho hiệu quả rất tích cực. Đặc biệt, áp dụng mô hình này, chất lượng công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên, người lao động được nâng lên rõ rệt". Sau thời gian triển khai thực hiện, nhà máy đã đạt được những kết quả nổi bật. Riêng dây chuyền sản xuất băng tải cao su, sản lượng tăng 1,8 lần, chất lượng sản phẩm loại I tăng lên hơn 90%; thu nhập bình quân của lao động trên dây chuyền tăng hơn 5%. Phát huy kết quả, nhà máy tiếp tục xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ, khai thác hiệu quả thiết bị máy móc, gắn kết nghiên cứu vật liệu mới và sản phẩm mới... Ngoài ra, việc triển khai còn tạo được môi trường vệ sinh công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường; mặt bằng công nghệ được sắp xếp khoa học và tiện lợi; chỉ số tâm sinh lý lao động của công nhân tốt hơn; phong trào nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng tăng cao, giúp đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên và người lao động.
Có thể thấy rõ, các phương pháp quản lý mới nhân văn, khoa học đang mang lại môi trường lành mạnh, sạch đẹp, thoáng đãng, tiện lợi giúp cho tinh thần mỗi cán bộ, công nhân được thoải mái hơn, vì thế năng suất lao động cao hơn, con người ngăn nắp, nghiêm túc và chủ động hơn trong mọi kế hoạch chung và riêng, là căn bản để tạo nên tính chuyên nghiệp cho từng cá nhân và rộng ra là toàn dây chuyền, phân xưởng hay là cả nhà máy và tầm lớn hơn là sự chuyên nghiệp trong nghiên cứu, lao động, sản xuất của toàn Tổng cục CNQP.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÒA