Để có ngành CNQP với nòng cốt là Tổng cục CNQP vững mạnh, những con người làm CNQP phải luôn sáng tạo, biết đột phá vào các lĩnh vực khoa học then chốt cũng như có văn hóa quản lý tiên tiến, đậm chất nhân văn, tạo ra sức bật mới cho ngành CNQP. Điều này có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những kinh nghiệm, cách làm của các nhà máy, viện nghiên cứu... ở Tổng cục CNQP đang cho thấy hướng đi đúng đắn này.
 |
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân mặc quần áo đặc chủng tìm hiểu một thiết bị hiện đại tại Nhà máy Z181. |
Thời gian qua, thực lực CNQP của chúng ta phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao; góp phần nâng cao tiềm lực QPAN quốc gia. Làm thế nào để có thể đẩy nhanh hơn nữa các chương trình phát triển CNQP là câu hỏi lớn cho cán bộ, người lao động ở Tổng cục CNQP, cơ quan được xác định là nòng cốt cho nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa cấp bách và tính chiến lược lâu dài này.
Việc làm đại nghĩa
Ngay từ những ngày đầu thành lập, để đứng vững và phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí ngày càng cao trong kháng chiến, cán bộ, công nhân ngành quân giới (tiền thân của Tổng cục CNQP) không chỉ chú trọng đào tạo con người; sáng tạo trong kỹ thuật, mà còn linh hoạt, khoa học trong tổ chức, quản lý sản xuất. Những sáng tạo về tổ chức và quản lý sản xuất góp phần không nhỏ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Việc tổ chức chuyên môn hóa từng xưởng, tổ chức sản xuất đa dạng, góp phần đẩy nhanh nhịp độ sản xuất vũ khí, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của chiến trường.
Chưa đầy hai tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của ngành CNQP ngày nay) với hai nhiệm vụ: Thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí, chuẩn bị cho đất nước chống thực dân Pháp xâm lược bảo vệ chính quyền non trẻ. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn, với thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành, ngân khố quốc gia trống rỗng... ngành quân giới đứng trước thực tế gần như con số không khi chưa có bất kỳ cơ sở sản xuất cơ bản như điện, hóa chất, luyện kim, các loại vật tư chuyên dụng... Có lẽ thời điểm ấy chúng ta chỉ ít người có kiến thức sâu về ngành. Thứ giàu có nhất thuở ban đầu ấy chính là tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm "thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Chính từ tinh thần, ý chí ấy, sau ngày thành lập đã có đông đảo trí thức, công nhân, các tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp vàng bạc, máy móc, nhà cửa, trí tuệ, sức lực của mình để xây dựng những cơ sở sản xuất vũ khí cho cách mạng. Và như thế, chỉ trong một thời gian không dài, khắp đất nước, từ đồng bằng tới miền núi, hàng trăm công binh xưởng ra đời để sản xuất nhiều loại vũ khí thông thường, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, giành độc lập dân tộc.
Thực hiện lời căn dặn của Bác khi Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới (ngày 5-12-1946): "Việc sản xuất vũ khí để đánh giặc cứu nước là việc làm đại nghĩa", toàn ngành quân giới hăng say lao động, tự học, tự đào tạo để phát triển, để làm việc đại nghĩa suốt 75 năm qua, với tinh thần tự học, sáng tạo, tự khắc phục mọi khó khăn đúng như lời khen tặng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Quân giới Việt Nam chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, vượt mọi khó khăn, học tập nữa, học tập mãi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Trong suốt 75 năm qua, Tổng cục CNQP luôn coi trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực CNQP có chất lượng cao. Hiện nay, lãnh đạo các nhà máy, viện nghiên cứu trong toàn Tổng cục CNQP đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho CNQP, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học-công nghệ quân sự có trình độ cao trên các lĩnh vực trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn, công nghệ cao; cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật giỏi, lành nghề.
Trong chuyến khảo sát thực tế tại một số nhà máy, viện nghiên cứu, viện công nghệ của Tổng cục CNQP, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúng tôi được gặp những kỹ sư đóng tàu quân sự hàng đầu, như: Trung tá Phạm Thành Trung, mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng đã trở thành tổng công trình sư, đóng được nhiều loại tàu quân sự hoạt động trong nước, thậm chí xuất khẩu và được các đối tác đánh giá rất cao. Chúng tôi cũng gặp những tiến sĩ ở Viện Thuốc phóng thuốc nổ, ở viện công nghệ hay ở một số nhà máy mà tuổi đời mới ngoài 30 nhưng đã làm chủ nhiều đề tài cấp Bộ Quốc phòng, cấp tổng cục... Những kỹ sư, như: Thiếu tá Hà Trung Hữu ở Nhà máy Z181, Thiếu tá Võ Tá Nam ở Nhà máy Z195, Thiếu tá Vũ Tiến Công ở Viện Thuốc phóng thuốc nổ... và cả những người công nhân khác ở Nhà máy Z175 nhưng năm nào cũng có cả chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật... Họ chính là những nhân tố mới tiêu biểu trong đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật giỏi, là hạt nhân của các nhà máy, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của ngành CNQP.
 |
Công nhân Nhà máy Z111 lắp ráp súng. |
Lan tỏa văn hóa quản lý vì con người
Chính từ tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, vượt mọi khó khăn, học tập nữa, học tập mãi, dám nghĩ, dám làm ấy mà ngay từ ngày đầu, những cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành quân giới đã nỗ lực tìm mọi cách tiếp cận tri thức khoa học kỹ thuật quân sự, tạo nên các hình mẫu các cơ sở sản xuất vũ khí đặc biệt Việt Nam, sản xuất được nhiều loại vũ khí theo cách riêng của mình; sửa chữa các loại vũ khí, phục vụ tốt nhất cho yêu cầu tác chiến của bộ đội qua các thời kỳ. Kể từ những ngày đầu cho tới tận bây giờ, để đứng vững và phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí ngày càng cao, cán bộ, công nhân ngành quân giới đã không chỉ sáng tạo trong kỹ thuật, công nghệ, mà còn vô cùng linh hoạt, khoa học trong tổ chức, quản lý sản xuất.
Trong chuyến công tác tìm hiểu thực tế về cách thức quản lý, trọng dụng nhân tài, xây dựng con người ở viện công nghệ; viện vũ khí; Nhà máy Z181; Nhà máy Z175; Nhà máy Z111; Viện Thiết kế tàu quân sự; Nhà máy Z195 hay Viện Thuốc phóng, thuốc nổ... phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm thấy câu trả lời thỏa đáng khi mà từ chỉ huy, lãnh đạo các nhà máy, viện nghiên cứu luôn biết đặt con người ở vị trí trung tâm. Cho dù là cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nghiên cứu hay chỉ là người công nhân thì ở mỗi vị trí công tác của mình, họ đều được tổ chức tạo điều kiện tối đa để phát huy tinh thần sáng tạo; tôn trọng mọi ý kiến đóng góp của mỗi công nhân, kỹ sư khi góp ý cho nhà máy, viện nghiên cứu; làm cho họ luôn có cùng suy nghĩ, trăn trở chung với tập thể, khi ấy trí tuệ cá nhân và tập thể được hòa cùng một nhịp. Và như vậy, mỗi người sẽ đóng góp sức mình theo khả năng vì nhà máy, vì viện nghiên cứu... cứ như thế, liên tục sẽ có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa ra để tối ưu hóa quy trình sản xuất, cách thức quản lý...
Đi cùng Thượng tá Hoàng Văn Thành, Phó giám đốc Nhà máy Z175 trao hàng trăm suất quà, là phần thưởng tặng những công nhân trực tiếp sản xuất ở các phân xưởng đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ tháng 3 đến tháng 5-2020, khiến nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúng tôi vô cùng bất ngờ và thú vị, bởi Ban giám đốc Nhà máy Z175 thay vì tổ chức hội nghị thì nay đi tới từng phân xưởng, từng vị trí làm việc của công nhân để trao thưởng. Nét mặt người nào khi được nhận thưởng cũng hân hoan, tự hào với lãnh đạo nhà máy, tự hào với những đồng nghiệp, cho dù giá trị vật chất không phải là quá lớn. Nhìn ánh mắt ngời lên sự tin yêu của mỗi công nhân, tận mắt chứng kiến cách làm gần gũi, văn hóa quản lý nhân văn của cán bộ, lãnh đạo các nhà máy, viện nghiên cứu ở Tổng cục CNQP chúng tôi mới hiểu rõ tại sao từ lãnh đạo tổng cục cho tới chỉ huy các nhà máy, viện nghiên cứu lại "chụm" trong suy nghĩ: Phải quan tâm tới con người, bởi con người chính là nền tảng quyết định sự thành công của ngành CNQP.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÒA