1. Những ngày qua, xã hội đồng cảm, khâm phục, trân trọng sự nỗ lực cao độ của toàn ngành y tế, nhất là các y sĩ, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Vậy nhưng, một bộ phận có chức trách trong ngành y, mới đây thôi, từ cấp sở đến cấp bộ đã có những văn bản vừa ban hành thì lại phải thu hồi trước sự phản đối của công luận. Đó là những văn bản khiến dư luận có quyền nghi ngờ về sự ưu ái (nếu có) đối với một số sản phẩm, nhà sản xuất sản phẩm để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ cần đọc nội dung văn bản, những người tinh ý đã ngờ ngợ: Một số hãng dược, một số sản phẩm hưởng lợi lớn khi được xuất hiện tên tại văn bản này dù chỉ trong thời gian ngắn. Giám đốc một công ty truyền thông nhận định: Mấy loại sản phẩm này dù chỉ xuất hiện vài ngày nhưng hiệu ứng của nó hơn bất kỳ loại quảng cáo, PR truyền thông nào hiện nay.
Còn trong thời gian qua, có những địa phương ban hành các văn bản liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19 rất cục bộ. Vì những văn bản đó, khiến người dân, doanh nghiệp vô cùng khó khăn trong đi lại, lưu thông hàng hóa, phục vụ sản xuất, xử lý công việc. Các văn bản mỗi nơi một kiểu, không theo một quy định chung nào. Người dân, doanh nghiệp xoay như chong chóng trong việc chạy theo các thủ tục, giấy tờ. Chính các đại biểu Quốc hội cũng phải có ý kiến: Cuối tuần ra quy định, đầu tuần có hiệu lực ngay khiến người dân không kịp xoay xở, họ phải có thời gian chuẩn bị giấy tờ, xin xác nhận, những việc mà có khi một, hai ngày làm chưa xong.
 |
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh minh họa/TTXVN |
Cũng không khác gì “nhóm lợi ích”, trên thực tế, đã có những cơ quan chức năng, người có trách nhiệm cố tình ban hành văn bản theo kiểu lách luật để vượt qua những quy định của tổ chức. Điều này khá rõ trong cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Ở tất cả các lĩnh vực, những loại văn bản bị xem là "có mùi" hiện nay không hiếm. Nó chủ yếu nằm ở văn bản dưới luật, dạng như văn bản hướng dẫn và quy định chi tiết...
Những văn bản ban hành kiểu “cuốc giật vào lòng” là điển hình cho tình trạng cơ quan ban hành không vô tư, trong sáng, gây bức xúc cho dư luận. Họ thường tìm cách đưa những điều kiện thuận lợi cho ngành mình và đẩy khó khăn cho ngành khác, hay cố gắng bảo vệ lợi ích của ngành mình dù điều đó không vì lợi ích chung của xã hội. Họ cài cắm lợi ích vào văn bản, lợi dụng cái hợp pháp để làm điều không hợp lý. Ở đây, cần phân biệt rõ lợi ích của các nhóm chính đáng ngoài xã hội (công khai, minh bạch) với lợi ích tiêu cực của bộ máy quản lý nhà nước (cụ thể là các ngành) do một số cán bộ tiêu cực muốn đạt được, hoặc trục lợi.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Vẫn có tình trạng cài cắm điều kiện kinh doanh vào thông tư. Tôi được tham dự vào các cuộc họp bàn về việc xây dựng các nghị định, thông tư mới thì nhận thấy rằng, tình trạng này vẫn còn xuất hiện”. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, có hiện tượng quy định tại thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên, thông tư có các quy định thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bức xúc với tình trạng này, tại Kỳ họp thứ tám (Quốc hội khóa XIV), khi cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về tình trạng cài cắm “lợi ích cục bộ”, “cuốc giật vào lòng” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề trăn trở của nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân đối với hệ thống pháp luật.
Tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm” vào văn bản là rất nguy hiểm. Nó phá hỏng tất cả các nguyên tắc, quy tắc trong xây dựng luật pháp, làm méo mó chính sách, làm mất lòng tin của xã hội. Sâu xa hơn, nó làm tha hóa đội ngũ cán bộ, làm đảo lộn giá trị xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Nếu như trước đây, người ta thường chỉ nói nhiều đến tham nhũng kinh tế (tai nghe, mắt thấy, tay sờ được) thì hiện nay, tham nhũng chính sách, trục lợi chính sách bằng cách ra các văn bản chính sách như vậy cũng ghê gớm không kém. Mục tiêu tối thượng của luật pháp là bảo vệ lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn. Quá trình xây dựng, ban hành các văn bản hành chính hay văn bản quy phạm pháp luật giúp nhà nước quản trị xã hội đều phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả.
Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi còn công tác, trong một buổi làm việc đã phát biểu rằng: “Văn bản ban hành phải vì cuộc sống chứ không phải “cuốc giật vào lòng”. Phát biểu điều này bởi chính ông trong quá trình kiểm tra thực tế đã chứng kiến những bất lợi mà doanh nghiệp bị chế tài của văn bản đó làm khó dễ. Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cảnh báo: “Lợi ích nhóm người ta cài vào thì chuyên gia pháp luật mới phát hiện được, cài kín lắm, cài đủ các loại luôn, rất kín. Không có sự phát hiện, bóc tách thì rất tai hại”.
2. Lý giải về hiện tượng “cuốc giật vào lòng” trong ban hành văn bản, luật gia Nguyễn Thành Minh, người có nhiều năm nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam, cho rằng: Đây là một dạng tham nhũng chính sách rất nguy hiểm bởi chỉ có những người có chức, có quyền mới làm được, mới có khả năng được trao quyền ban hành văn bản, chính sách đó. “Tư tưởng "cuốc giật vào lòng" xuất hiện từ thời phong kiến. Bộ máy tổ chức nhà nước khi đó với đơn vị làng, xã làm nòng cốt và tính cố kết cộng đồng rất cao. Luật lệ, quy định cũng phải gắn hoặc xuất phát từ làng, xã, thậm chí là dòng tộc. Chính vì vậy, trong hệ thống luật pháp của nước ta, từ thời phong kiến, nhà nước đã phải ban hành các đạo luật để phòng, tránh hiện tượng này. Nổi tiếng nhất là Luật Hồi tỵ. Tùy từng triều đại, luật này có những biến thể khác nhau, nhưng tinh thần xuyên suốt là loại bỏ tình trạng kéo bè kéo cánh, dòng tộc, cục bộ địa phương, thu vén lợi ích, nạn tham nhũng...”, luật gia Nguyễn Thành Minh phân tích.
Theo tác giả Thạch Thiết Hà trong bài nghiên cứu “Luật “Hồi tỵ” của nhà nước phong kiến Việt Nam” thì Luật Hồi tỵ đã được áp dụng từ thời nhà Lê, đến Vua Minh Mạng (nhà Nguyễn). Luật này đã được áp dụng trên diện rộng, trong đó tiêu biểu nhất trong xây dựng luật pháp, có điều khoản: Các quan từ tham biện (hay biện lý, quan làm nhiệm vụ tư vấn về một khía cạnh nào đó ở một bộ, hay ở tỉnh) trở lên khi về Kinh đô chầu được đình nghị (dự bàn các việc của triều thần), song nếu các cuộc họp đó có bàn đến các việc liên quan đến địa phương mình nhậm trị hay việc của bộ mà mình phụ trách thì phải "lui ra". Việc lui ra này để bảo đảm sự khách quan, các ý kiến họp bàn không bị chi phối.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Tình trạng ban hành văn bản mang tính cục bộ, lợi ích nhóm nếu không được ngăn chặn sẽ phá hỏng tiến trình xây dựng hệ thống luật pháp của đất nước. Việc ban hành văn bản phải vì lợi ích chung của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn”. Nhiều chuyên gia luật pháp cũng đồng tình với quan điểm, chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo để ngăn chặn tình trạng "cuốc giật vào lòng" bằng chính hệ thống luật pháp. Cần ban hành các quy định mang tính phòng ngừa sâu rộng hơn, ví như: Nghiêm cấm người nhà làm lãnh đạo doanh nghiệp trong những lĩnh vực mà cán bộ có chức quyền trong bộ máy nhà nước phụ trách (kể cả núp bóng đứng tên cũng phải làm rõ), minh bạch các mối quan hệ gia đình, tài sản...
Một văn bản ban hành phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Từ quá trình soạn thảo đến ban hành phải thông qua các bước, như: Thảo luận tập thể, thẩm định, thẩm tra, phản biện chính sách... Tất cả các khâu trong hoạch định chính sách rất cần kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, khâu phản biện chính sách hiện còn nhiều hạn chế, bởi thế cần đẩy mạnh các thiết chế giám sát, phản biện mà rõ nhất là nên có một cơ quan độc lập về lợi ích, một cơ quan dân cử để có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản biện từ nhiều góc độ. Trách nhiệm xây dựng, ban hành văn bản là của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng suy cho cùng, cơ quan nhà nước đó cũng là thay mặt nhân dân để thể hiện được ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong đó.
Bởi thế, sự tham gia, phản biện của nhân dân mà đại diện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội, vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết. Nó là cơ sở tăng cường sự minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước và là kênh giám sát đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Và rất cần thiết, phải xử lý nghiêm, công khai những tập thể, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực này. Có như vậy, luật pháp mới vì cuộc sống và đi vào cuộc sống.
 |
Ngân hàng Quân đội hân hạnh tài trợ cuộc thi. |
NGUYỄN ANH TUẤN