Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn luôn là vấn đề gây bức xúc cho nhân dân, trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm được các biện pháp giải quyết hiệu quả. Nhà nước và các địa phương đã có chủ trương phát triển loại hình kinh doanh vận tải công cộng, nâng cấp hạ tầng giao thông, khuyến khích và trợ giá cho người dân sử dụng xe buýt, góp phần chống ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng xe buýt tăng lên thì cũng là thời điểm tình trạng xe buýt giả xuất hiện ngày càng nhiều cùng với vấn nạn xe dù, bến cóc. Loại phương tiện này có đặc điểm chung là thường sơn màu và thông báo lộ trình di chuyển giống như xe buýt thật, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn. Mặc dù không có biển hiệu, nhân viên không mặc đồng phục của ngành xe buýt; không được cấp phép hoạt động tại các tuyến đường trong nội thành, nhưng xe buýt giả vẫn ngang nhiên đón, trả khách, gây nhiều phiền toái cho người tham gia giao thông. Theo phản ánh, loại xe này chủ yếu hoạt động ở những tuyến đường cửa ngõ thành phố di chuyển đến các tỉnh lân cận và thường hoạt động mạnh vào dịp cuối tuần, trước hoặc sau ngày lễ, Tết.
Lực lượng CSGT Hà Nội tập trung xử lý xe buýt, xe buýt "nhái" vi phạm. Ảnh: dantri.com.vn.
Hệ lụy từ việc xe buýt giả lưu hành đã dẫn đến tình trạng tranh, giành hành khách, chạy lấn đường… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Mặt khác, tình trạng xe buýt giả xuất hiện phản ánh phương thức kinh doanh chộp giật, ảnh hưởng đến uy tín của loại hình vận tải hành khách công cộng, vì vậy cần được cơ quan chức năng kiểm soát và xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, có thực trạng đáng buồn là, sau mỗi đợt cơ quan chức năng ra quân xử lý, xe buýt giả phần nào giảm đi, nhưng cũng chỉ được một thời gian xe buýt giả lại hoạt động rầm rộ trở lại.
Thiết nghĩ, để loại bỏ hình thức kinh doanh trái pháp luật này, các cơ quan chức năng, lực lượng công an và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên và tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó giải pháp cơ bản và quan trọng là phải đẩy mạnh việc quản lý cấp phép kiểm định chất lượng kỹ thuật của các phương tiện vận tải hành khách. Xử lý nghiêm các hành vi thay đổi màu sơn, kết cấu bên trong của các loại hình xe chở khách. Bởi thực tế cho thấy, đa phần các loại xe buýt giả là phương tiện vận chuyển hành khách cũ, nhiều xe đã hết thời gian sử dụng. Đồng thời, có các biện pháp ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật cho loại phương tiện này; ban hành các chế tài phạt thật nặng những chủ phương tiện cố tình làm sai, trục lợi trên tính mạng người tham gia giao thông.
Trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, cơ quan chức năng cần xử lý đúng luật, công bằng, khách quan; kiên quyết rút giấy phép lái xe, giấy phép kinh doanh vận tải của những chủ phương tiện cố tình sai phạm, hoặc sai phạm nhiều lần.
Hiện tượng nhờn luật ở nước ta diễn ra khá phổ biến và lĩnh vực quản lý an toàn giao thông là một ví dụ điển hình. Vì thế, việc các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm và dứt điểm tình trạng xe buýt giả thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; đồng thời đây cũng là một biện pháp quan trọng nhằm duy trì và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
PHÚC THẮNG