QĐND - Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% xuống dưới 10% theo chuẩn nghèo quốc gia trong vòng 20 năm qua là minh chứng chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn. Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” được bạn bè quốc tế đánh giá cao trong vấn đề xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế, hoàn thành sớm việc xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói mà Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc đã đề ra.
Mặc dù tỷ lệ nghèo đói nói chung đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn những tồn tại, những bất cập mà cơ quan chức năng cần giải quyết. Chẳng hạn, bên cạnh những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang sống dưới chuẩn nghèo; các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện giữa những nhóm dân di cư và nhóm lao động phi chính thức do suy giảm kinh tế. Một số lượng không nhỏ công nhân và lao động tự do ở thành thị không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội. Nguy cơ nghèo khổ về nhiều phương diện của cuộc sống con người ngoài vấn đề nghèo về thu nhập, ngày càng tăng. Cần phải sớm có nhận thức về những đối tượng nghèo mới, có chính sách quyết liệt ngay từ bây giờ sẽ giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh về sau.
 |
Ảnh minh họa.
|
Với những bản chất nghèo đói khác nhau, trước hết, cần nghiên cứu và áp dụng các phương pháp đo lường nghèo đa chiều, để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng nghèo và thiết kế các chính sách, chương trình, mục tiêu phù hợp hơn, giải quyết nghèo đói cho từng nhóm đối tượng và vùng, miền khác nhau.
Trước mắt, vẫn cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các vùng nghèo nhất, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối tượng là hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, khuyến khích tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo; tránh thái độ trông chờ, ỷ lại vào chính sách Nhà nước, không để tư tưởng này xuất hiện cả trong cán bộ lãnh đạo địa phương.
Điều quan trọng nhất để việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, tránh hiện trạng buồn “ba ra-một vào” (ba hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo hoặc phát sinh nghèo mới), cần thay đổi chính sách xóa đói, giảm nghèo theo hướng sát với thực tế, phù hợp với sự chuyển động của cuộc sống. Các cơ quan chức năng cần nắm bắt số hộ nghèo, cận nghèo, có nguy cơ trở thành hộ nghèo để hỗ trợ các chính sách một cách ổn định, có đánh giá khách quan và minh bạch, có thể không hỗ trợ những hộ nghèo vẫn hoàn nghèo do những nguyên nhân chủ quan. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cần phải thay đổi, hạn chế các chính sách cho không và tăng các chính sách cho vay có điều kiện, với phương châm “cho cần câu chứ không cho con cá” để thúc đẩy mong muốn thoát nghèo và tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường các chính sách hỗ trợ về y tế, phúc lợi đời sống cho người nghèo cũng là một cách hiệu quả giúp họ giữ được mức thu nhập và không tái nghèo.
Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập trung bình, nhưng số hộ thoát nghèo vẫn chưa bền vững, chênh lệch giàu-nghèo có thể nhận diện rõ ràng. Do đó, điều chỉnh chính sách xóa đói, giảm nghèo nhanh chóng, phù hợp, công bằng, để mọi đối tượng thuộc diện nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ không chỉ giúp chiến lược xóa đói, giảm nghèo đạt được hiệu quả tối đa, mà còn góp phần thúc đẩy ổn định xã hội về lâu, về dài.
HÀM ĐAN