Ví như với Luật Đất đai, Tiến sĩ Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Việc triển khai thực hiện Luật Đất đai gặp rất nhiều khó khăn do có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa hệ thống pháp luật liên quan. Một mảnh đất mà chồng chéo nhiều luật điều chỉnh nên rất khó thực hiện. Có tình trạng áp dụng Luật Đất đai thì vướng Luật Đầu tư, Luật Nhà ở và ngược lại. Vì vậy, khi sửa Luật Đất đai phải rà soát, sửa cả các luật có liên quan mới bảo đảm thực hiện suôn sẻ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Báo Gia Lai 

 

Vừa qua, khi góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều chuyên gia cũng đề nghị cần sửa cả 3 luật (gồm: Khám bệnh, chữa bệnh; Đấu thầu; Luật Giá) và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm sự thống nhất, khắc phục những vướng mắc về pháp lý liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sử dụng vật tư, trang thiết bị y tế và chủ trương xã hội hóa y tế, tạo thuận lợi cho ngành y phát triển. Nếu chỉ sửa riêng Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì vẫn không thể gỡ vướng. 

Còn khá nhiều quy định của pháp luật không sát với thực tiễn, hoặc khó triển khai vì lại có văn bản quy định khác. Thực tế, trong một việc nhưng nước ta có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, người thực hiện “chẳng biết đường nào mà lần”, thậm chí không thể thực thi; nếu không "soi chiếu" kỹ thì vi phạm, còn quá cẩn thận, lấn cấn thì lại không được việc!

Nguyên nhân của tình trạng trên, bên cạnh nhiều bộ luật còn quy định chung chung, “nhường” hướng dẫn cụ thể cho các nghị định, thông tư, dẫn đến phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết mới thực hiện được thì còn có hiện tượng “mỗi ngành một khoảnh” kiểu “quyền anh, quyền tôi” mà chưa vì lợi ích chung. Nhiều quy phạm pháp luật chỉ nhằm “quản chặt là chính”, chưa chú trọng mục tiêu vì sự phát triển. Việc góp ý vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng còn hình thức, chưa thực sự sâu kỹ hoặc thiên về góp ý có lợi cho bộ, ngành mình mà không đặt trong bối cảnh chung, không phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành...

Muốn tránh tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo,“đá nhau”, gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, cản trở sự phát triển, cần bám sát phương châm "luật càng quy định cụ thể, rõ ràng thì càng dễ thực hiện", hạn chế văn bản dưới luật không cần thiết; đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan ban hành và cơ quan chuẩn bị dự thảo, các đơn vị tham gia đóng góp ý kiến; tổ chức chặt chẽ việc góp ý, phản biện, giải trình. Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải rà soát kỹ lưỡng, kịp thời phát hiện, đề xuất chỉnh sửa các quy phạm pháp luật để không có vướng mắc khi thực hiện; tham mưu ban hành, cùng sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, không bị vướng khi thực thi trên nguyên tắc hàng đầu là vì sự phát triển.

LÂM SƠN