Xác định rõ mục tiêu xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững, thế nên, UBND huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) triển khai thí điểm quy định du khách không được mang chai nhựa, túi nilon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến huyện đảo này, từ ngày 1-9-2022.

Bên cạnh đó, UBND huyện Cô Tô cũng kêu gọi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, tránh lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng.

Bãi đá Móng Rồng trên Đảo Cô Tô. Ảnh: Vnexpress 

Trước đó, để giảm tối đa tác hại của túi nilon, rác thải nhựa trên địa bàn, năm 2021, Huyện ủy Cô Tô đã phê duyệt Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, người dân trong việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng rác thải nhựa; qua đó từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Việc UBND huyện Cô Tô triển khai thí điểm quy định này là hành động thiết thực, cần kíp, đặc biệt đặt trong bối cảnh nhiều địa điểm du lịch biển, đảo nổi tiếng trong nước đang đứng trước tình trạng báo động ô nhiễm rác thải. Càng ở các khu du lịch nổi tiếng, thu hút du khách thì tình trạng ô nhiễm càng nặng nề, kéo dài. Quá tải rác thải không còn là chuyện thời sự ở các đô thị mà đang là vấn đề nhức nhối cả tại vùng nông thôn, biển, đảo.

Rác thải tràn ngập các danh lam, thắng cảnh, khu du lịch là bởi ý thức tồi của nhiều người dân địa phương xả thẳng ra môi trường; du khách ý thức kém thẳng tay ném xuống... Trong khi đó, năng lực yếu của chính quyền địa phương khi không có biện pháp xử lý rốt ráo bằng chế tài nhằm ngăn chặn; hoặc thu gom; hay đơn giản hơn là vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường.

Ở một số địa phương, do nằm cuối hạ lưu sông, sát cửa biển nên cứ “đến mùa” là ngập rác thải. Đơn cử như chính quyền xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) rất có ý thức trong việc thu gom rác thải nhưng do xã đảo này nằm ở cuối hạ lưu nên người dân không biết rác từ đâu trôi đến. Còn tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhiều rạn san hô đã và đang bị bức tử bởi du khách thiếu ý thức, kém hiểu biết; du lịch biển phát triển nhưng chính quyền sở tại chưa thực sự quan tâm sát sao đến việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Rác thải không còn là chuyện của riêng địa phương nào. Cứ sau mỗi dịp lễ, các kỳ nghỉ dài ngày, dịp nghỉ hè... rác thải lại bủa vây từ phố ra chợ, tới bờ biển, trên mặt nước... Nhiều người chua xót ví von, rác đang thực thi "công cuộc" lấn biển, lấn đảo. Những vệt rác trải dài hàng trăm mét trên biển, lâu ngày không có biện pháp xử lý đã biến thành các bãi rác lộ thiên ở nhiều hòn đảo du lịch hút khách, thực chẳng khác nào vết xước trên viên ngọc.    

Giải quyết bài toán thu gom, xử lý rác thải là chuyện cấp bách; tuy vậy, việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân, du khách, cộng đồng đối với vấn đề phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế tối đa việc dùng túi nilon... mới là biện pháp bền vững, thiết thực để bảo vệ môi trường sống, để những hòn đảo ngọc thực sự trở thành thiên đường dưới hạ giới.

HÀ THÀNH