Tiếp đó, tại Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về tình hình thực hiện chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019-2021 và quyết định định mức chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội giai đoạn 2022-2024.
Bảo hiểm xã hội được coi là trụ cột của an sinh xã hội, liên quan trực tiếp tới hàng chục triệu người lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đến hết năm 2020 là 16.176.180 người.
Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất, có sự chi trả lớn nhất. Số tiền thu bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 là hơn 261,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi chế độ từ nguồn Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 là 193.619 tỷ đồng.
    |
 |
Mong rằng, trong tương lai không xa, nhờ sự huy động tốt, quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội, mọi người dân khi hết tuổi lao động, mất sức lao động sẽ đều được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng. Ảnh minh họa: thuvienphapluat.vn |
Việc Quốc hội lần đầu tiên thảo luận về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc không để khoảng trống giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan tới an sinh xã hội, tới số đông nhân dân.
Điều đó cũng cho thấy, vai trò, vị thế của bảo hiểm xã hội ngày càng được định hình rõ nét, ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ cử tri, nhân dân và Quốc hội.
Việc cơ quan giám sát tối cao, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân đưa các vấn đề liên quan tới bảo hiểm xã hội ra thảo luận tại nghị trường là cơ hội rất lớn để ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam lắng nghe các ý kiến góp ý, đánh giá từ đại biểu Quốc hội, những người thể hiện tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Đó cũng là áp lực rất lớn để ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam buộc phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, đáp ứng yêu cầu, sự kỳ vọng và niềm tin ngày càng lớn của cử tri, nhân dân cả nước-đối tượng phục vụ và khách hàng tiềm năng của bảo hiểm xã hội.
Qua các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp hàng trăm ý kiến cả đánh giá, phân tích, cả hiến kế để bảo hiểm xã hội ngày càng đi vào nền nếp; đồng thời củng cố niềm tin của người lao động về những giá trị mà bảo hiểm xã hội mang lại cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động, xử lý thích đáng những hành vi trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Giờ là lúc ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu thật kỹ lưỡng ý kiến từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, rút kinh nghiệm, phát huy những mặt làm tốt, khắc phục những khâu yếu, điểm yếu; triển khai thực hiện, tham mưu thực hiện với những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan hữu quan; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về thể chế, chính sách, kịp thời bịt các lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực này.
Đó là cách hữu hiệu để gia cố, làm vững trụ cột bảo hiểm xã hội đối với an sinh xã hội. Mong rằng, trong tương lai không xa, nhờ sự huy động tốt, quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội, mọi người dân khi hết tuổi lao động, mất sức lao động sẽ đều được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng.
CHIẾN THẮNG