Đó là những khoản đầu tư khổng lồ. Nhưng liệu những số tiền khổng lồ ấy có tạo ra được thay đổi lớn trong chất lượng nền kinh tế hay không?
Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nguồn lực Nhà nước, nguồn lực quốc gia dành cho phát triển kinh tế-xã hội luôn rất lớn. Điều đó đã giúp kinh tế đất nước có những bước phát triển vượt bậc. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, điểm hạn chế của kinh tế Việt Nam hiện nay là: Hiệu quả đầu tư chưa cao, nguồn lực còn bị phân tán. Khi bàn về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu cốt lõi để tái cơ cấu thành công chính là các bộ, ngành, địa phương phải hy sinh những lợi ích cục bộ của mình, hành động vì lợi ích chung của quốc gia.
Lâu nay, chuyện “quyền anh, quyền tôi” trong quản lý của bộ máy hành chính nói chung, trong đó có việc quản lý về kinh tế đã được nhắc tới. Bộ, ngành nào cũng thấy rằng mình có một lĩnh vực quản lý riêng, một "khoảng sân" riêng, và có xu hướng đưa ra các mệnh lệnh quản lý để có lợi cho mình. Tỉnh, thành phố nào cũng mang tâm lý: "Họ có, mình cũng phải có". Và cũng phải có dự án thì mới có hoa hồng, có "màu mỡ". Thế là ồ ạt những sân bay, cảng biển, khu hành chính được đề xuất đầu tư theo kiểu phong trào, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn tỷ đồng mà chưa tính hết, tính đủ, tính đúng được hiệu quả.
Chính bởi tâm thế cát cứ mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nước ta có tới gần 20.000 bản quy hoạch, trong đó có một lượng không nhỏ quy hoạch chồng chéo nhau, cái này giẫm lên cái kia, cái này phủ định cái kia. Đó là bởi các quy hoạch ấy bị khu biệt, thiếu sự liên thông chặt chẽ trong một tổng thể chung. Một lớp cán bộ mới lên ở bộ nọ, địa phương kia thì có thể các bản quy hoạch lại được xem xét thay đổi cho phù hợp với những người mới... Thực trạng quy hoạch ấy gây lúng túng, khó khăn, thiệt hại cho nền kinh tế, cho cả xã hội.
Tư duy cát cứ cũng ảnh hưởng trong các doanh nghiệp Việt Nam, dẫn tới những hành động đơn độc, riêng rẽ, thiếu gắn kết, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Còn nhớ câu chuyện của vài năm trước khi các doanh nghiệp viễn thông trong nước không chịu san sẻ, không thỏa thuận được để tận dụng hạ tầng có sẵn. Doanh nghiệp nào cũng hì hục tự dựng cột, kéo cáp, đào rãnh để xây dựng hạ tầng. Kết quả là doanh nghiệp thì lãng phí tài chính, lãng phí công sức; còn phố xá, bản làng thì chi chít cột, que, nhằng nhịt dây cáp viễn thông, đường phố đang đẹp thì thỉnh thoảng lại bị xới tung lên để doanh nghiệp nhét dây cáp xuống. Cách tư duy, hành xử kiểu như vậy sẽ ngày càng gây thiệt hại trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu hơn với thế giới; nếu không có sự đoàn kết hơn, liên kết chặt chẽ hơn, tiết kiệm nguồn lực để nâng cao hiệu quả thì doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ đuối sức trong cạnh tranh quốc tế.
Một nền kinh tế muốn nâng cao hơn nữa tính hiệu quả thì các nguồn lực phải được đầu tư đúng địa chỉ, đúng thời điểm, đúng liều lượng. Muốn thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý kinh tế theo hướng bỏ bớt các khâu trung gian. Đồng thời, tư duy, cách thức quản lý nền kinh tế nên đề cao hơn nữa tính tập trung, bao quát, thống nhất, xuyên suốt, thể hiện trong việc quy hoạch, chọn đúng dự án cấp thiết để đầu tư. Tránh được tư duy cát cứ trong xây dựng kinh tế cũng chính là cách để nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tốc độ triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ, tránh lãng phí nguồn lực.
HỒ QUANG PHƯƠNG