QĐND - Một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm cho các cơ quan báo chí tuyên truyền đúng định hướng, giữ vững tôn chỉ mục đích hoạt động, phục vụ đúng đối tượng là xuất phát từ công tác quản lý sâu sát của các cơ quan chủ quản báo chí.
Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều hội nghị, hội thảo chuyên ngành về báo chí thời gian gần đây đều nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đối với chất lượng, hiệu quả của hoạt động báo chí. Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 vừa được tổ chức đã nhận định: Một số cơ quan báo chí có biểu hiện chệch hướng trong thông tin, tuyên truyền và một số người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp là sự “tích hợp” của nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trước hết là do sự hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản. Thực tế thời gian qua cho thấy, sự buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, kiểm tra của cơ quan chủ quản đã vô hình trung “trao quyền” quá lớn cho cơ quan báo chí, khiến cho một số tờ báo, tạp chí đi quá giới hạn cho phép, gây ra những hệ lụy không tốt.
 |
Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Ảnh: http://www.hagiang.gov.vn
|
Trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí đã được Luật Báo chí quy định rất rõ, nhưng một phần do nhận thức chủ quan, phần khác do “nuông chiều” hơi thái quá, một số cơ quan chủ quản đã không làm tròn trách nhiệm, không định hướng, uốn nắn kịp thời để cơ quan báo chí và người làm báo thuộc ngành, tổ chức, đoàn thể mình thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Thế nên, khi báo chí xảy ra vi phạm, không ít cơ quan chủ quản hoặc đứng ngoài cuộc, hoặc “đá quả bóng trách nhiệm” cho cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cấp trên.
Từng có ý kiến cho rằng, hoạt động báo chí rất đặc thù, nếu không có chuyên môn nghiệp vụ thì khó có thể chỉ đạo, quản lý. Ý kiến đó có phần đúng, nhưng chưa đủ. Cơ quan chủ quản không phải là người “cầm tay, chỉ việc” cơ quan báo chí, cũng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động chuyên môn của báo chí, nhưng phải thể hiện rõ vai trò định hướng thông tin tuyên truyền, tạo cơ chế thuận lợi để cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời phải là “trọng tài” phán quyết các hành vi đúng- sai, tốt-xấu, nên hay không nên của cơ quan báo chí. Nhất là khi xuất hiện những vấn đề phức tạp, dễ nảy sinh những dư luận trái chiều càng đòi hỏi phải có sự chỉ đạo kịp thời của cơ quan chủ quản nhằm giúp cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền đúng hướng, không làm nhũng nhiễu thông tin, phức tạp thêm dư luận xã hội.
Vai trò quan trọng, quyết định của cơ quan chủ quản báo chí đã được thể hiện rõ trong nhiều chỉ thị, văn bản của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam. Vấn đề cấp thiết hiện nay là các cơ quan chủ quản-tức là các bộ, ban, ngành, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và các hội nghề nghiệp-cần có nhận thức đầy đủ, thấu đáo và hành động quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, kiên quyết không để cơ quan báo chí của mình “tự bơi” trong “biển thông tin” phức tạp hiện nay.
THIÊN VĂN