Hàng giả không chỉ là vi phạm pháp luật mà là tội ác. Nó đầu độc sức khỏe cộng đồng, gây hậu quả lâu dài cho cả thế hệ, cho giống nòi. Những viên thuốc giả, thực phẩm bẩn, mỹ phẩm kém chất lượng... đều là những “liều thuốc độc” gắn mác thương mại. Không thể bao biện, không thể nhân nhượng, đây là hành vi cần phải xử lý nghiêm minh.

Hàng giả không chỉ là vi phạm pháp luật mà là tội ác. Ảnh minh họa: vtcnews.vn 

Khi Thủ tướng nhấn mạnh đến “ý chí chiến đấu”, cho thấy vấn đề không còn nằm ở nghiệp vụ nữa mà là ở trách nhiệm chính trị, đạo đức công vụ và lòng tự trọng của cán bộ. Nhân dân sẽ nhìn vào những hành động cụ thể: Có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý không? Có “vùng cấm” nào được đưa ra ánh sáng không? 

Một "chiến dịch" chống hàng giả đã bắt đầu. Tuy nhiên, điều người dân kỳ vọng không chỉ là tháng ra quân rầm rộ mà là một cuộc chiến lâu dài, bền bỉ và kết quả phải rõ ràng. Bởi nạn hàng giả, hàng nhái vốn dĩ đã bám rễ trong những khoảng trống: Quản lý thị trường còn mỏng, phối hợp liên ngành chưa chặt và đôi khi, chính người tiêu dùng cũng có phần dễ dãi, thỏa hiệp với cái rẻ và tiện.

Muốn dọn sạch hàng giả không thể chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng. Trách nhiệm còn ở chính những người đang trực tiếp kinh doanh. Không thể có thị trường lành mạnh nếu thật-giả lẫn lộn, việc quy trách nhiệm thì không rõ ràng. Hàng giả không tự nhiên biến mất nếu người “gác cổng” vẫn làm ngơ, thậm chí "ăn tiền" để tiếp tay. Cuộc chiến này cần sự quyết liệt, không khoan nhượng, từ trên xuống dưới, từ công quyền đến từng người dân.

HOÀNG VIỆT

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.