Nếu doanh nghiệp không chấp hành, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế, thu hồi theo quy định, kết quả thực hiện phải báo cáo trước ngày 20-7.
Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi hơn 28.000m2 diện tích đất ven biển của một khu nghỉ dưỡng và đơn vị này cũng chuyển đến khu vực mới tại huyện Cam Lâm để khai thác dự án mới. Đây là một trong những biện pháp quyết liệt được địa phương đưa ra nhằm chỉnh trang lại không gian công cộng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
 |
Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành phố có biển, với tổng chiều dài hơn 3.260km bờ biển. Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Thực tế, việc yêu cầu doanh nghiệp trả lại không gian bờ biển không phải là điều mới mẻ ở Khánh Hòa, mà đã có từ nhiều năm trước. Tuy vậy, sự chần chừ, không quyết liệt của chính quyền các cấp dẫn đến doanh nghiệp có thái độ “chây ỳ” và chậm bàn giao mặt bằng.
Lấn chiếm không gian bờ biển để xây dựng nhà hàng, khách sạn không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về môi trường biển. Với địa phương có biển, không gian này không chỉ có chức năng du lịch, là hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng...
Ở nhiều nước phát triển, chính phủ có quy định rất khắt khe về xây dựng các công trình ven biển. Theo đó, chính phủ những nước này không cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn, resort ven biển; nếu muốn làm, phải lùi vào sâu trong đất liền.
Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành phố có biển, với tổng chiều dài hơn 3.260km bờ biển, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với hàng trăm bãi tắm, rất thuận lợi phục vụ du lịch biển, nhu cầu sinh hoạt, giải trí và luyện tập thể dục thể thao của người dân. Thế nhưng, tình trạng lấn chiếm bờ biển, chiếm dụng để xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sinh hoạt chính đáng của người dân địa phương và du khách.
Trả lại bờ biển cho người dân là việc làm hết sức kịp thời và khẩn thiết. Quản lý và khai thác hiệu quả bờ biển phục vụ phát triển kinh tế một cách bền vững là trách nhiệm của chính quyền các địa phương ven biển. Theo đó, các địa phương khi quy hoạch, lập dự án cần được tiến hành công khai, minh bạch để mọi người có quyền tiếp cận thông tin, đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận.
Đặc biệt, khai thác tài nguyên thiên nhiên biển cần quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, quyết không vì mục tiêu phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường.
VŨ DUY HIỂN