Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện nay trên thế giới, mỗi năm tai nạn giao thông làm chết 1,25 triệu người, gây ra thương tật vĩnh viễn cho hơn 50 triệu người, làm thiệt hại về kinh tế khoảng 2,5% tổng giá trị GDP, tương đương 1.500 tỷ USD.

 Riêng ở nước ta năm 2016, với sự nỗ lực từ Chính phủ cho đến các cấp, các ngành, tai nạn giao thông được kéo giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Tuy nhiên, qua theo dõi của các cơ quan chức năng thì số vụ tai nạn giao thông có giảm, nhưng số vụ nghiêm trọng, cùng lúc làm chết và bị thương nhiều người lại tăng. Số người bị thiệt mạng, bị thương do tai nạn giao thông còn ở mức cao (bình quân một ngày có 24 người thiệt mạng và 60 người bị thương). Điều đáng lo ngại là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân chuyển biến rất chậm trong khi áp lực về giao thông ngày càng lớn đối với một đất nước đang trên đà phát triển như nước ta. Những vấn đề, hiện tượng nêu trên là nỗi băn khoăn, day dứt đối với Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam, vì vậy không thể chần chừ được nữa trước tai nạn giao thông.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Các cơ quan chức năng đã chỉ ra, tai nạn giao thông đường bộ là yếu tố gây ra số người chết và bị thương nhiều nhất. Trong đó chủ yếu là xe gắn máy va chạm với xe gắn máy; ô tô va chạm với xe gắn máy và ô tô va chạm với ô tô. Như vậy chúng ta đã tìm ra điểm mấu chốt để có thể khoanh vùng, tập trung giải bài toán về tai nạn giao thông nhằm mục tiêu đến năm 2020 kéo giảm 50% số vụ tai nạn giao thông so với năm 2010.

Thế nhưng trên lộ trình biến mục tiêu thành hiện thực, chúng tôi cho rằng cần thực hiện một số việc chủ yếu: Trước hết cần tiếp tục làm thật tốt quy hoạch về giao thông. Hiện nay giao thông của chúng ta quy hoạch còn mang tính chắp vá, thiếu sự đi trước, đón đầu và thiếu sự đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, phát triển nông thôn. Do đó dẫn đến hiện tượng hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển trước, giao thông phát triển sau, nhiều chỗ giao thông không thể phát triển vì không còn quỹ đất. Cho nên hiện tượng ùn tắc trên các tuyến đường trong các đô thị chắc chắn còn xảy ra thường xuyên, với mật độ ngày càng dày. Đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự lấn làn, vượt tuyến của các phương tiện khi xảy ra ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Vấn đề thứ hai là phát hiện và xử lý lỗi vi phạm. Thực tế cho thấy những năm qua các lực lượng chức năng đã chỉ ra những lỗi vi phạm chủ yếu của các đối tượng tham gia giao thông đường bộ như: Uống rượu, bia, sử dụng chất gây nghiện khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thiếu ý thức, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, lấn tuyến; cố tình sử dụng phương tiện không bảo đảm kỹ thuật tham gia giao thông... và cuối cùng mới là thiếu kiến thức về Luật Giao thông đường bộ. Đều đó dẫn đến hơn 95% số vụ tai nạn giao thông là do lỗi chủ quan. Xử lý vấn đề này, một mặt cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, mặt khác cần phải xem lại phương pháp và mức xử phạt đối với các lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông theo hướng tăng nặng, kể cả vi phạm các lỗi thông thường như dừng, đỗ sai quy định, làm việc khác khi đang điều khiển phương tiện...

Giải quyết bài toán về tai nạn giao thông cần có nhiều giải pháp, nhóm giải pháp mang tính tổng thể. Tuy nhiên những vấn đề nêu trên là những điều căn bản, cấp bách, cần làm trước, làm ngay thì mới có thể giảm được các tiêu chí về tai nạn giao thông.

TRẦN VŨ