Một trong những chức năng chính của vỉa hè là dành cho người đi bộ tham gia giao thông. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, người đi bộ vẫn thường xuyên phải luồn lách dưới lòng đường vì vỉa hè đã bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh, trông giữ xe, thậm chí nhiều hộ dân có nhà mặt đường còn xem vỉa hè như một phần của nhà mình nên tùy ý sử dụng.

Từ lâu đã hình thành "nền kinh tế vỉa hè", biến phần diện tích công cộng thành vị trí đắc địa, nguồn lợi kinh tế thu được không nhỏ nhưng không phải đóng một đồng nào thuế, phí cho Nhà nước. Cơ quan chức năng thỉnh thoảng có làm một cuộc ra quân để trả lại sự thông thoáng của vỉa hè cho người đi bộ, nhưng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa".

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: dantri.com.vn

Các thành phố của các nước phát triển trên thế giới như New York, Seoul cũng áp dụng thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường cho mục đích kinh doanh. Để làm như vậy, họ quy hoạch khu vực vỉa hè, lòng đường có thể cho phép kinh doanh, bán hàng có thu phí và khung giờ để thực hiện việc này. Ở nước ta, trong Luật Phí và lệ phí đã đề cập đến việc thu phí vỉa hè.

Theo đó, Quốc hội giao cho hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Thủ đô Hà Nội đã áp dụng việc thu phí một phần diện tích vỉa hè, lòng đường làm nơi trông giữ xe.

Thiết nghĩ, việc thu phí vỉa hè đã có kinh nghiệm của cả trong nước và thế giới, đã có căn cứ pháp lý và có thể thực hiện được. Nếu được thực hiện bài bản, việc này sẽ giúp tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương. Sử dụng vỉa hè đa mục đích còn giúp đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng thêm tiện ích cho các đô thị, đồng thời cũng tạo sinh kế, nhất là cho những người thu nhập thấp, vốn sống dựa vào buôn bán trên vỉa hè. 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nếu việc quản lý không khoa học, cách làm thiếu minh bạch, không tạo được sự đồng thuận thì sẽ gây ra những phiền phức. Bởi hiện nay, không phải nơi nào thực hiện thu phí cũng đường thông hè thoáng. 

Muốn thực hiện tốt việc thu phí vỉa hè, trước hết phải bắt đầu từ quy hoạch. Trong đó, cần quy định rõ phần diện tích vỉa hè tối thiểu dành cho người đi bộ, phần có thể thực hiện thu phí để trông giữ xe, các loại hình dịch vụ khác... Quá trình triển khai thu phí cần bảo đảm khách quan, minh bạch, thông tin rộng rãi, công khai và tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Khi người dân góp sức với chính quyền địa phương vì mục tiêu xây dựng trật tự đô thị, không chỉ giúp nâng cao ý thức của mỗi thành viên trong cộng đồn, mà còn tạo được kênh giám sát thường xuyên, qua đó, góp phần chấn chỉnh những hành vi biến vỉa hè thành của riêng. Sự chung tay của cộng đồng và sự vào cuộc thực chất, hiệu quả của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng sẽ là chìa khóa để việc quản lý vỉa hè, lòng đường ngày càng quy củ.

ĐỖ MẠNH HƯNG