Khá nhiều cán bộ cấp đại đội đến sư đoàn phàn nàn: "Sĩ quan mới ra trường thường lúng túng trong huấn luyện và quản lý, chỉ huy nên chiến sĩ không phục"; còn một số trung đội trưởng thì bộc bạch: "Cán bộ cấp trên hay quát mắng, phê bình nặng lời sĩ quan trẻ trước mặt chiến sĩ, khiến anh em nản chí"...
Mỗi năm có hàng nghìn sĩ quan trẻ ra trường. Từ học viên ra làm cán bộ (chỉ huy phân đội hoặc trợ lý cơ quan) là bước chuyển lớn của các quân nhân ở độ tuổi đôi mươi. Hành trang của sĩ quan trẻ là được đào tạo cơ bản, có sức khỏe, bầu nhiệt huyết và khát vọng cống hiến, trưởng thành. Tuy nhiên, điểm yếu của họ là chưa có kinh nghiệm trong chỉ huy, quản lý bộ đội và công tác chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến thiếu tự tin, lúng túng trong giải quyết công việc, nhất là khi yêu cầu nhiệm vụ và trách nhiệm của người cán bộ đòi hỏi cao hơn hẳn lúc còn là học viên.
 |
Sĩ quan trẻ ở Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 95 kiểm tra đường ngắm cho bộ đội. Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Thực tế cho thấy, việc tiếp cận, thích nghi với môi trường công tác mới của nhiều sĩ quan trẻ tương đối chậm; vận dụng kiến thức được đào tạo vào thực tế đơn vị còn hạn chế do nặng về lý thuyết, thiếu sáng tạo, linh hoạt; phương pháp, tác phong làm việc chưa chững chạc, khoa học... Song, những bỡ ngỡ ban đầu của sĩ quan trẻ nếu được chỉ huy đơn vị thấu hiểu, sâu sát quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ và khích lệ, động viên thì chắc chắn họ sẽ vững tin, yên tâm công tác, có động lực phấn đấu tiến bộ. Ngược lại, nếu cấp trên chỉ nhìn vào điểm yếu và những điều "gai mắt", rồi quát mắng, phê bình nặng lời không đúng nơi đúng chỗ thì sĩ quan trẻ càng e ngại, lo lắng thái quá và dần chán nản... Việc "rèn" sĩ quan trẻ kiểu này dễ phản tác dụng, nhất là khi những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và môi trường xã hội hiện nay ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tâm lý của những cán bộ lứa tuổi đôi mươi.
Khi sĩ quan trẻ về công tác, ngoài việc giáo dục truyền thống, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt giúp "đàn em" yên tâm công tác, chỉ huy các đơn vị cần giao việc, rèn luyện, thử thách từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, bồi dưỡng, hướng dẫn; phân công cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt kèm cặp, giúp đỡ sĩ quan trẻ. Đặc biệt, sự chân thành, gương mẫu của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị chính là "mệnh lệnh không lời" cho sĩ quan trẻ học tập. Cùng với đó, cán bộ cấp trên cần coi trọng việc biểu dương, khen thưởng, khích lệ kịp thời khi sĩ quan trẻ có những việc làm tốt; chủ động phối hợp với gia đình, người thân để động viên sĩ quan trẻ phấn đấu; tránh tình trạng "quân phiệt miệng" và không khen, chỉ chê trách, khiến anh em căng thẳng, nản chí.
Tuy sự quan tâm dìu dắt, giúp đỡ của chỉ huy đơn vị và cán bộ đi trước là vô cùng quan trọng. Song, yếu tố quyết định sự trưởng thành chính là bản lĩnh, quyết tâm phấn đấu không ngừng, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thử thách để khẳng định mình của mỗi sĩ quan trẻ. Khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe những góp ý của cấp trên và đồng chí, đồng đội rồi nghiêm túc sửa mình; đề cao tinh thần trách nhiệm với công việc, với tập thể đơn vị và tích cực học hỏi vì sự trưởng thành, phát triển vững chắc trong sự nghiệp của bản thân luôn là bí quyết của thành công. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các sĩ quan trẻ cũng không được nản chí, vì như Bác Hồ đã dạy: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền...".
SƠN BÌNH