Sao không xúc động và cảm phục khi người dân và các thầy cô giáo cùng khiêng xe máy qua suối hay vượt các con dốc trơn lầy, đám học trò ngồi trên chiếc săm ô tô làm mảng kéo qua suối đang chảy xiết. Lại có hình ảnh người dân và thầy trò ngồi trên chiếc gầu để máy xúc chuyển qua…

Vùng cao vốn thường ngày đã khó khăn thiếu thốn đủ bề, một ngôi trường xây dựng khá đàng hoàng phải mất cả chục năm. Một lớp học muốn gần đủ học sinh là phải có công, có tình của thầy cô giáo lặn lội nhiều ngày tháng đến từng gia đình để vận động cho các em đi học. Người giáo viên những nơi này vừa là người thầy vừa là người chăm sóc cả từ cái ăn, cái ở, nhiều khi bỏ cả tiền riêng để giúp học trò có giấy bút, sách vở, có thêm miếng ăn. Vậy mà giờ đây những cơn lũ quét bất ngờ làm tan hoang trường lớp, ngăn cản thầy trò hội lớp trước thềm năm học mới.

Những thiệt hại và khó khăn, thiếu thốn là không thể kể hết, nhưng những cố gắng để khôi phục trở lại cuộc sống, việc dạy và học bình thường cũng là không thể truyền tải hết trên mọi phương tiện, cách thức thông tin. Thầy trò cùng nhân dân thực sự đã nêu một tấm gương vượt khó rất chủ động và thiết thực, không trông chờ, ỷ lại. Những tấm lòng cao cả, sự gắn bó, yêu thương, san sẻ đã quyện lại mà vượt lên lũ dữ.

leftcenterrightdel

Máy xúc cũng trở thành phương tiện đến trường. Ảnh minh họa: Internet. 

Cũng không thể kể hết về những tấm lòng bà con người miền xuôi hướng về những bản làng xa xôi ấy. Lương thực, thực phẩm, quần áo, sách vở... đã và đang được vận chuyển ngày đêm đến các làng bản, trường lớp.

Riêng thầy trò các trường học miền xuôi đã có nhiều hoạt động đóng góp chia sẻ. Từ quyên góp sách vở, đồ dùng học tập đến dành ra 10 ngàn, 20 ngàn đồng để ủng hộ. Trong các buổi học tập sinh hoạt, chuẩn bị bước vào năm học mới, các thầy cô giáo đã thông tin, kể chuyện về các thầy, các bạn vùng lũ. Tuy nhiên, mong cho các hoạt động không chỉ dừng tại đó mà mở rộng hơn thành những đợt sinh hoạt học tập tấm gương vượt lên khó khăn, thiếu thốn của thầy trò vùng cao. Các lớp học sinh dù còn nhỏ tuổi cũng cần được hiểu biết về hoàn cảnh của các bạn, noi gương vượt khó của các bạn mà có thái độ học hành, rèn luyện tích cực hơn. Bây giờ, nhiều trường lớp đã có máy chiếu, điều kiện kết nối hình ảnh cũng đã tốt hơn, nên chăng các hình ảnh về thầy trò vùng lũ được đưa lên cho các em xem. Sự đồng cảm trong các em sẽ được khơi lên gần gũi, sâu rộng hơn từ đấy. Sự chia sẻ, noi gương và sát cánh cùng nhân dân và thầy trò vùng cao vượt khó chính là góp phần để dạy tốt, học tốt.

Hôm nay, lại có tin đợt mưa lớn mới sẽ lại đổ xuống các tỉnh miền núi Tây Bắc, Việt Bắc. Làng bản, trường lớp, thầy trò vùng cao sẽ ra sao trong dập dồn mưa lũ?                                                                                                         

NGUYỄN MẠNH