 |
Ảnh minh họa. Nguồn:baodatviet.vn |
QĐND - Gặp tôi, ông anh họ là hiệu trưởng một trường tiểu học tại Nghệ An than thở: “Nhìn cảnh nhiều gia đình chạy đôn, chạy đáo, bán lúa, bán lợn, gà… để có tiền cho con vào năm học mới mà thấy cảm thương vô cùng. Các khoản tiền đóng đầu năm học luôn là một gánh nặng cho mỗi gia đình nghèo. Chỉ riêng mua một bộ sách giáo khoa (SGK) đã hết từ vài chục cân đến cả nửa tạ lúa”.
Theo Nhà xuất bản Giáo dục, năm học 2013-2014, đơn vị này đã phát hành hơn 90 triệu bản SGK, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng của giáo viên, học sinh, chưa kể các loại sách tham khảo, bổ trợ, bản đồ, tranh ảnh giáo khoa… Theo danh mục SGK của Bộ Giáo dục và đào tạo, bộ SGK lớp 1 có chi phí thấp nhất (theo giá bìa) là 166.900 đồng/bộ (19 quyển) và cao nhất là bộ SGK lớp 4: 343.200 đồng/bộ (27 quyển).
Cũng theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục, hiện có khoảng 40% học sinh sử dụng SGK cũ và khoảng 10% mượn SGK tại thư viện nhà trường. Như vậy, chỉ mới bổ sung 50% nhu cầu SGK cho năm học mới, xã hội đã phải tốn một khoản chi phí không hề nhỏ.
Việc tái sử dụng SGK đạt hiệu quả thấp có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là sự thiếu ổn định, dẫn đến phải chỉnh lý, thay đổi nội dung trong quá trình cải cách giáo dục. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn SGK của một bộ phận học sinh cũng như phụ huynh học sinh chưa được quan tâm, nhất là tại các đô thị lớn. Trong khi đó, tại nông thôn và các vùng sâu, vùng xa, dù SGK mới có được cung ứng đầy đủ, thì với nhiều gia đình lại là thêm một gánh nặng chi tiêu mỗi khi tới mùa tựu trường.
Thời gian qua, nhiều địa phương đều có các phong trào quyên góp, tặng SGK cũ cho học sinh nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hình thức và số lượng còn nhiều hạn chế do chưa được tổ chức tốt. Trước đây, có được một bộ SGK đầy đủ luôn là niềm mơ ước đối với mỗi học sinh, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi. Trước mỗi năm học, việc đầu tiên của hầu hết học sinh là đến thư viện nhà trường đăng ký mượn SGK. Mượn được, mang về bọc bìa, sử dụng cẩn thận để cuối học kỳ, cuối năm trả lại nguyên vẹn, nếu bị hư hỏng phải trả bằng tiền mua sách mới. Chính vì vậy, học sinh luôn biết trân trọng, bảo quản và giữ gìn SGK. Có những quyển sử dụng được 5 đến 10 năm, tính theo năm in trên bìa sách.
Ngày nay, dù đời sống kinh tế xã hội được tăng cao, nhưng chỉ có 10% học sinh sử dụng SGK mượn tại thư viện nhà trường là một tỷ lệ quá thấp. Nhu cầu này ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa chắc chắn là rất cao. Để SGK được bảo quản, sử dụng được nhiều năm, giảm lãng phí cho ngân sách Nhà nước và gánh nặng chi tiêu của gia đình học sinh, các cấp chính quyền, nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục ý thức giữ gìn SGK trong đội ngũ giáo viên, học sinh. Các cuộc vận động sử dụng SGK cũ, tặng sách cho thư viện nhà trường hoặc tủ sách dùng chung cần được nhân rộng và hiệu quả hơn.
XUÂN CƯỜNG