Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, đến 16 giờ ngày 24-8, các địa phương thẩm định và ra quyết định phê duyệt số tiền đề nghị hỗ trợ thuê nhà cho người lao động mới đạt hơn 2.725 tỷ đồng, thực hiện giải ngân được 1.677 tỷ đồng. Nếu so sánh với tổng gói kinh phí cần giải ngân, con số này còn quá khiêm tốn.

Hiện cả nước có hơn 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở, đời sống nhiều người lao động gặp khó khăn. Quyết định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được ban hành, người lao động trên cả nước vui mừng, phấn khởi, có thêm động lực khắc phục khó khăn, hăng say trong lao động sản xuất. Điều này thêm lần nữa khẳng định sự nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động.

Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Chủ trương đúng, thế nhưng quá trình triển khai thực hiện ở nhiều địa phương diễn ra lại không như mong đợi. Từ khi ban hành Quyết định 08 đến nay, để người lao động sớm được thụ hưởng chính sách này, Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục, các ngành cũng có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn cụ thể, chi tiết... Nhưng trên thực tế, tính đến thời điểm này (trừ 3 tỉnh không có đối tượng đề nghị hỗ trợ là Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng), số địa phương cơ bản hoàn thành việc giải ngân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tại sao trên thông suốt nhưng dưới lại có tình trạng tắc nghẽn? Nguyên nhân cơ bản và sâu xa là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, vẫn còn mang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; một số người lao động còn tâm lý e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời...

Chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất rõ ràng. Người lao động có thêm khoản tiền hỗ trợ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giúp họ thêm gắn bó và đồng hành với doanh nghiệp. Thế nhưng triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả lại phụ thuộc rất nhiều yếu tố. 

Trước hết, các cơ quan chức năng phải chú trọng làm tốt ngay từ khâu dự báo, xây dựng dự toán gói kinh phí cho sát thực tế. Quá trình triển khai, thực hiện cần có sự phân cấp, giao quyền cụ thể, vừa tránh tình trạng quá tải khâu xét duyệt hồ sơ, chi trả hỗ trợ; vừa giúp đối tượng thụ hưởng không mất thời gian chờ đợi. Để bảo đảm công bằng, khách quan, các tỉnh (thành phố) cần lập đoàn giám sát theo dõi, chỉ đạo việc hỗ trợ người lao động được tốt hơn, nhanh hơn.

Thực hiện tốt việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 chính là hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo ra hiệu quả thiết thực giúp người lao động giải quyết ngay những nhu cầu cấp bách trong đời sống hằng ngày; qua đó gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khâu nhân lực để phục hồi sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương và trong cả nước sau đại dịch Covid-19.

KIM ANH