QĐND - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi 10 công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thì chỉ nhận được một công văn trả lời, 9 công văn rơi vào im lặng. Đó là một thực tế được ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết trong một cuộc họp về giải quyết khiếu nại tố cáo. Cụ thể, năm 2013, có 1.968 công văn chuyển đơn, 45 công văn kiến nghị giải quyết thì chỉ nhận được 202 công văn trả lời (tỷ lệ 10%) và đó cũng là tỷ lệ chung của giai đoạn 2008-2013.

Tại buổi họp bàn về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2014 trong phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đã đề nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan công quyền, của các cán bộ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đến thời điểm này của năm 2014, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn rất phức tạp, số lượng đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng hơn 12% so với năm trước. Có nhiều khiếu kiện vượt cấp nên cơ quan Trung ương buộc phải chuyển xuống các cấp dưới để xử lý theo đúng quy trình. Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo công văn do các cơ quan của Quốc hội, cơ quan Đảng, Nhà nước chuyển, nhìn chung còn rất chậm. Điều này đặt ra câu hỏi là, ngay cả công văn của cơ quan có trách nhiệm mà còn không được trả lời thì các đơn thư đề nghị của người dân sẽ bị đối xử thế nào? Bao nhiêu đơn thư sẽ được trả lời, hay là phần lớn sẽ lại rơi vào im lặng?

Ảnh minh họa: vietnamplus.vn.

Được biết, trước đây có quy định về thời gian các cơ quan chức năng phải trả lời công văn, nhưng hiện nay chỉ khi vụ khiếu nại, tố cáo được giải quyết thì các cơ quan có trách nhiệm mới phải trả lời (trong thời gian 7 ngày). Như thế, những vụ chưa được giải quyết thì nghiễm nhiên các cơ quan sẽ không trả lời. Sự im lặng ấy khiến các cơ quan chuyển đơn thì lúng túng, người dân đã bức xúc càng thêm bức xúc, không biết phải đến đâu, hỏi ai để được trả lời.

Còn nhớ trong loạt bài "Những việc cần làm ngay" thời kỳ đầu Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết một bài đưa ra cụm từ “im lặng đáng sợ” để nói về việc phớt lờ trả lời của các cơ quan chức năng đối với những khiếu nại, tố cáo của công dân. Bài viết này của Tổng Bí thư đã có tác động lớn, sự “im lặng đáng sợ” đã bị phá vỡ. Ngay sau đó, tất cả các cơ quan phải nhanh chóng xử lý và trả lời việc xử lý các vụ việc tiêu cực, các vụ khiếu nại, tố cáo của công dân.

Hiện nay, sự “im lặng đáng sợ” lại đang hiện hữu. Nhiều vụ việc được người dân, rồi báo chí nêu ra nhưng rồi dường như đã bị “lờ” đi. Những vụ việc không được trả lời, thì hẳn rằng nó chưa được giải quyết. Trong đó, có thể có những vụ việc quá “khó”, chưa biết xử lý thế nào, nên chẳng biết trả lời ra sao.

Nên chăng thời gian tới, cần có quy định cụ thể về thời gian tối đa các cơ quan phải trả lời những công văn chuyển liên quan đến khiếu nại, tố cáo, trả lời đơn thư của công dân. Có ý kiến còn cho rằng, nên thực hiện “một cửa” trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nghĩa là quy định một đầu mối chung để công dân gửi khiếu nại, tố cáo đến. Tại đầu mối này có đại diện của tất cả các cơ quan liên quan để giải quyết, giám sát việc giải quyết những vụ việc mà người dân nêu. Như vậy, sẽ đỡ được việc công văn trao đi, gửi lại, tốn nhiều giấy mực, thời gian, công sức mà hiệu quả lại không cao. Cần tích cực tổ chức đối thoại, tìm ra hướng giải quyết cho những vụ khó. Sẽ càng tốt hơn nếu như có một hệ thống dữ liệu chung về những vụ việc, được cập nhật thường xuyên, để từ các cơ quan cho đến người dân đều có thể truy cập vào xem vụ việc của mình, mình đang quan tâm đã được xử lý tới đâu thì có lẽ những bức xúc sẽ giảm đi.

HỒ QUANG PHƯƠNG