Bộ Công Thương vừa có chỉ thị, yêu cầu lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, kể cả lãnh đạo bộ, khối văn phòng, các đơn vị, người được bộ cử làm kiểm soát viên, đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần, thương vụ tại nước ngoài... trong ngành Công Thương phải kê khai và công khai tài sản, thu nhập trong năm 2016.
Đây được coi là quyết định đầy dũng khí của lãnh đạo Bộ Công Thương khi “đột phá” vào việc công khai tài sản, thu nhập-vùng xưa nay vốn được coi là “nhạy cảm”.
Việc kê khai tài sản thực ra không chỉ được thực hiện ở riêng Bộ Công Thương mà là quy định chung đối với một số đối tượng cán bộ công chức, lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương. Nghị định số 78 năm 2013 của Chính phủ quy định rõ về nghĩa vụ kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên; người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị...; cả Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách; người được Quốc hội bầu, phê chuẩn đảm nhiệm các chức danh trong bộ máy Nhà nước... đều phải kê khai về các loại tài sản, thu nhập trong năm. Tuy nhiên, việc kê khai hiện nay mới cơ bản chỉ dừng lại ở giấy tờ là chính chứ chưa có cơ quan chuyên môn hay chuyên trách đứng ra thẩm định về tính trung thực của những “bản kê khai tài sản” trong thực tế. Thành thử mới có câu chuyện người ở miền núi báo cáo với cơ quan mình về hoàn cảnh khó khăn nhưng lại xuống Hà Nội mua nhà, mua đất cho người khác đứng tên. Không ít vụ việc tham nhũng bị phanh phui khi tài sản của đối tượng tham nhũng nhiều hơn rất nhiều lần so với kê khai trên giấy...
Để kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ Nhà nước không chỉ dừng lại ở những tờ giấy ít người biết đến, hay nằm trong ngăn bàn, góc tủ, mà trở thành câu chuyện của lòng trung thực, sự minh bạch thì việc kê khai tài sản, thu nhập dứt khoát phải gắn với sự công khai. Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc niêm yết bản kê khai tài sản tại nơi công tác, tại địa phương nơi người kê khai đang sinh sống để người dân và cả hệ thống chính trị giám sát, theo dõi về các biến động tài sản của người kê khai. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu một cách khoa học để theo dõi liên tục những biến động về tài sản của người kê khai hay thiết lập hệ thống thanh toán tín dụng đồng bộ, hạn chế dần thanh toán bằng tiền mặt cũng là điều rất cần thiết trong kiểm soát thu nhập và công khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay.
Kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập mới có thể hạn chế tham nhũng. Do đó, việc kê khai tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức dứt khoát phải công khai, minh bạch và có chế tài đủ mạnh để người kê khai không thể giấu tài sản, thu nhập trước tổ chức.
HOÀNG GIA MINH