Theo Bộ Giao thông vận tải, tai nạn xe khách chủ yếu do lỗi chủ quan, vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), nhất là tình trạng vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ. Một số vụ nghiêm trọng xảy ra gần đây là: Tối 8-5, tại km233 cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, xe khách biển kiểm soát (BKS) 36B-015.08 đâm vào đuôi xe đầu kéo, khiến nhân viên phụ xe khách tử vong và nhiều hành khách bị thương; sáng 29-4, trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai có 3 xe khách bị tai nạn, làm gần 10 người thương vong... Đặc biệt, hai vụ tai nạn xe khách đêm 14-2 và 21-2 tại Núi Thành (Quảng Nam) khiến 13 người thiệt mạng, nhiều người bị thương cũng do tài xế không làm chủ được tốc độ (xe khách BKS 76B-006.60 gây tai nạn khiến 10 người chết, 11 người bị thương còn chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đăng ký xe hợp đồng nhưng hoạt động trá hình, gom khách lẻ, bán vé như xe khách tuyến cố định)...

leftcenterrightdel
Xe khách biển kiểm soát UN-0680 (biển số của nước ngoài) chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội bị tai nạn sáng 29-4-2023, lao khỏi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại km131. Ảnh: CSGT 

 

Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành nhiều chỉ thị, công điện yêu cầu các địa phương cùng lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm TTATGT, nhất là xử lý nghiêm "xe dù", "bến cóc". Thế nhưng, tình trạng vi phạm và tai nạn xe khách vẫn rất nhức nhối, đến nỗi người dân coi xe khách như “hung thần trên đường”!

Vì sao nhiều xe khách lại trở thành “hung thần”?

Nguyên nhân sâu xa là nhà xe cạnh tranh "bẩn", phóng nhanh để tăng chuyến, đón được nhiều khách; tránh bảo dưỡng, sửa chữa để xe hoạt động liên tục. Không những thế, nhiều nhà xe đăng ký loại hình vận tải theo hợp đồng nhưng hoạt động trá hình kiểu “xe dù”, không vào bến nhằm tự do đón-trả khách và tránh một số loại thuế, phí, thu lợi nhuận tối đa. Đặc biệt, một số nhà xe còn ngang nhiên sử dụng ô tô gắn BKS của nước ngoài để chở khách trong nước, núp bóng "xe quá cảnh" nhằm trốn nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm... Trong khi đó, lực lượng chức năng chưa kiểm soát chặt và xử lý nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng "bảo kê".

Xe khách "chạy dù", hoạt động như “hung thần trên đường” đã đành, nguy hại hơn, nó khiến các nhà xe khác dù không muốn cũng phải cuốn theo, vì nếu chấp hành đúng pháp luật thì không thể cạnh tranh nổi, sẽ phá sản vì lỗ vốn! Sự lộn xộn, bát nháo trong hoạt động của xe khách kéo dài dai dẳng mãi chính bởi nguyên nhân này.

Ngày 19-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, trong đó có nội dung tổ chức tổng kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải hành khách trên toàn quốc, hoàn thành trong quý II-2023. Hy vọng là đợt tổng kiểm soát này, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc thật sự quyết liệt, xử lý nghiêm và dứt điểm tất cả những xe khách “chạy dù” để lập lại trật tự, văn minh cho vận tải hành khách. Nếu những chiếc xe khách “hung thần” vẫn tiếp tục “chui lọt lỗ kim” thì hệ lụy không chỉ là tai nạn giao thông, tính mạng con người mà còn làm suy giảm niềm tin vào kỷ cương phép nước!

LÂM SƠN