Đến thời điểm này toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có đến 15 trường đại học (trong đó có 5 trường đại học ngoài công lập) và 26 trường cao đẳng, một số trường đại học khác cũng đang được xúc tiến thành lập...
QĐND - Đến thời điểm này toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có đến 15 trường đại học (trong đó có 5 trường đại học ngoài công lập) và 26 trường cao đẳng, một số trường đại học khác cũng đang được xúc tiến thành lập. Trong năm học 2012 - 2013, các trường đã tuyển sinh hơn 115 nghìn sinh viên với đủ loại ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo.
Tại các vùng, miền khác trên cả nước, số lượng các trường đại học, cao đẳng cũng ngày càng nhiều thêm. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy đã có sự mâu thuẫn giữa quy mô phát triển các trường đại học với nhu cầu, chất lượng đào tạo. Các cơ sở đua nhau mở rộng mô hình, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo mà không quan tâm đúng mức nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế, xã hội. Nhiều trường hiện nay không tuyển đủ sinh viên. Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc trái với ngành nghề đào tạo đã trở nên phổ biến.
 |
Ảnh minh họa. TM |
Từ năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo bước đầu đã siết lại một số ngành nghề đang thừa đầu ra như: Kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh; đồng thời giảm quy mô đào tạo không chính quy, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng công tác đào tạo gắn với yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Để có được sản phẩm nhân lực tốt hơn, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, về lâu dài, hệ thống các trường đại học, cao đẳng cần phải được điều chỉnh phù hợp về quy mô, cơ cấu đào tạo và nhất thiết phải xây dựng cho được chiến lược đào tạo nhân lực ở bậc đại học, cao đẳng một cách khoa học, hợp lý.
Hệ lụy của việc “nở rộ” các trường đại học đã và đang đặt ra cho các cấp các ngành một câu hỏi: Bao giờ phong trào mở các trường đại học, cao đẳng mới đến hồi kết? Chỉ biết rằng, hiện tại nhiều ngành phải “đóng cửa” do thiếu sinh viên, thiếu giáo viên và sinh viên ra trường không có việc làm. Đây là câu hỏi lớn để các địa phương và ngành giáo dục suy nghĩ trước khi quyết định cấp phép thành lập thêm các trường đại học mới.
HỒNG BỈNH HIẾU