TNGT không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn để lại nỗi ám ảnh lớn trong nhiều người, nhiều gia đình.
Theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia: Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do TNGT có liên quan đến rượu, bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. 5 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 118 vụ TNGT có nguyên nhân do người điều kiển phương tiện sử dụng rượu, bia khiến 85 người thiệt mạng và 77 người bị thương.
 |
Uống rượu khi lái xe là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông. Ảnh: Báo Công an nhân dân. |
TNGT là điều không ai mong muốn, thế nhưng nó vẫn đang xảy ra khiến nhiều gia đình rơi vào bi kịch. Sau mỗi vụ TNGT đều để lại nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng, day dứt khôn nguôi. TNGT là gánh nặng vật chất đối với những người trong cuộc. Người mất đi để lại những nỗi đau dai dẳng cho người thân, còn những người bị thương tật do TNGT không những trở thành gánh nặng cho gia đình mà bản thân họ còn chịu sự đau đớn kéo dài.
Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt của chúng ta khá đầy đủ và nghiêm khắc. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Thế nhưng, trước những cuộc vui, nhiều người vẫn uống rượu, bia rồi lái xe như không nhớ gì đến những chế tài nghiêm khắc này. Bởi thế, vấn đề mấu chốt để giảm TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia là công tác thông tin, tuyên truyền. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần đổi mới và tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Phân tích tác hại của việc sử dụng rượu, bia dẫn tới TNGT, góp phần nâng cao nhận thức của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội, hạ tầng số và các khung giờ vàng trên sóng truyền hình.
Liên quan đến TNGT, thời gian qua, đã có rất nhiều thông điệp được tuyên truyền như: “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”... nhưng hiệu quả của việc thực hiện những thông điệp này đều phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Vì thế, rất cần việc tuần tra kiểm soát của các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn.
Hình phạt đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, cùng với đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện chính là hai vấn đề mấu chốt để kéo giảm tỷ lệ TNGT, nhất là các vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu, bia.
ĐỖ PHÚ THỌ