QĐND - Ở các thành phố lớn, đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư, đặc biệt là ở khu vực nội thành, hầu hết đều đã được người dân xây nhà để ở hoặc chuyển nhượng lại. Về mặt pháp lý, khi chưa được chuyển mục đích sử dụng sang diện đất ở, đó vẫn là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do những mảnh đất này không còn được sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nên cũng không được cấp "sổ đỏ" đất nông nghiệp. Điều này đang khiến việc quản lý quỹ đất và cả việc quản lý dân cư, trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đây cũng là một trong những “điểm nghẽn” khiến mục tiêu căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào cuối năm 2013 khó thành hiện thực.
 |
Đất xen kẹt. Ảnh: http://baohaiphong.com.vn |
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là không ít mảnh đất xen kẹt được người dân tự ý chuyển nhượng cho nhau, không tuân thủ đúng quy định của pháp luật nên không thuộc diện được chuyển mục đích sử dụng đất để được cấp "sổ đỏ". Vướng mắc này thường do “nhiều đời” cán bộ địa phương để lại, nên việc xử lý trách nhiệm với cán bộ gặp không ít khó khăn. Để gỡ rối cho vấn đề này, chỉ có hai phương án. Một là chấp nhận thực tế, cho phép những hộ dân đang sinh sống trên những mảnh đất đó được chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng thu tiền sử dụng đất cao hơn diện được chuyển mục đích sử dụng theo đúng quy định hiện hành. Hai là kiên quyết thu hồi những mảnh đất đó để xây dựng các công trình phúc lợi, hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Về lâu dài, cần xử lý kỷ luật nghiêm những cán bộ để xảy ra tình trạng người dân “vô tư” đặt cơ quan quản lý nhà nước vào “thế đã rồi” trên địa bàn mình quản lý.
Vướng mắc thứ hai là có rất nhiều mảnh đất xen kẹt thuộc diện được chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng người dân không mặn mà với việc xin cấp "sổ đỏ" bởi chi phí chuyển mục đích sử dụng đất quá lớn so với khả năng của họ. Theo quy định hiện hành, người nắm giữ quyền sử dụng đất xen kẹt khi chuyển mục đích sử dụng phải nộp 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất ở với tiền sử dụng đất nông nghiệp. Trong khi đó, hầu hết những người này đều là những người có thu nhập thấp, lại phải “mua” mảnh đất xen kẹt từ các đời “chủ” cũ với giá khá cao, phải “bôi trơn” cho cán bộ quản lý địa phương để được xây nhà không phép trên mảnh đất chưa có "sổ đỏ". Do vậy, nếu tính cả 50% chênh lệch này, giá mà người sử dụng phải trả thậm chí còn cao hơn giá mà họ mua những mảnh đất đã có "sổ đỏ". Để giải quyết vướng mắc này, có lẽ nên tính tới việc giảm tỷ lệ tiền chênh lệch phải đóng với những người có mức thu nhập thấp để khuyến khích họ thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Quan trọng hơn cả, những cán bộ cố tình nhũng nhiễu để dân phải “bôi trơn”, như trường hợp một người dân ở Hải Phòng nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời mới đây, cần được phát hiện và xử lý kịp thời. Có lẽ không khó để các cơ quan chức năng tìm hiểu sự thật, nếu họ chịu khó tìm đến “tai mắt” là những người dân đang sử dụng đất xen kẹt.
“Đả thông” 3 điểm nghẽn trên, quản lý đất xen kẹt sẽ không còn là “bài toán khó” với các địa phương cũng như Bộ Tài nguyên và Môi trường như trong thời gian dài đã qua.
MINH THẮNG