Đây là điều kiện rất dễ phát sinh ra các căn bệnh nguy hiểm cho con người như: Sốt xuất huyết, thương hàn, tả, đau mắt, viên đường hô hấp, cảm cúm, sởi và các bệnh về da.
Trong nước lũ có rất nhiều loại vi sinh vật từ bùn, đất, bụi, rác, chất thải, đặc biệt là xác chết của các loại động vật... theo dòng tỏa đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, nhất là ruồi, muỗi sinh sôi, nảy nở, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm cho người. Bên cạnh đó, nguồn nước ăn, nước sinh hoạt ở các khu dân cư đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe con người. Không những vậy, mưa lũ làm cho nhiệt độ và môi trường sống thay đổi, khiến cho người già, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh về hô hấp và bệnh đường ruột.
 |
Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: TTXVN. |
Hiện nay, các địa phương của nước ta đang phải căng mình để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Mặc dù công tác bảo vệ môi trường và vệ sinh nơi công cộng đã có nhiều chuyển biến tích cực, người dân có ý thức hơn trong công tác PCD, nhưng không phải nơi nào cũng có điều kiện tốt để xử lý ô nhiễm môi trường, khám, chữa bệnh cho người dân. Ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc PCD lại càng khó khăn hơn khi kinh phí hạn hẹp, thiếu thuốc men, phương tiện, đời sống của bà con rất thiếu thốn, trình độ nhận thức hạn chế. Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường, cũng như ý thức tự PCD của một số nơi, một số người dân chưa cao, vẫn còn tư tưởng chủ quan, xem thường dịch bệnh.
Trong những ngày mưa lũ, ngoài việc quan tâm chăm lo đến đời sống của người dân, không để bà con bị đói rét, các cấp chính quyền cần có lực lượng cùng cán bộ y tế đến các vùng ngập lụt để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách bảo vệ sức khỏe và phòng, chống các loại dịch bệnh; chuẩn bị tốt các phương tiện y tế, thuốc men cho các tình huống. Sau khi nước rút, chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng chức năng, phối hợp với các đơn vị quân đội, công an cùng bà con tiến hành vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, sử dụng thực phẩm sạch, phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ, làm sạch các nguồn nước ăn, nước sinh hoạt; vận động, hướng dẫn bà con thực hiện ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch khi mới xuất hiện.
Thời điểm mưa lũ ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên hiện nay, trùng với chu kỳ phát sinh các dịch bệnh là sốt xuất huyết và một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp, da liễu trên địa bàn. Vì thế, chính quyền các cấp và ngành y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không dùng các nguồn nước chưa qua xử lý ô nhiễm, luôn giữ ấm cơ thể, ngủ màn. Khi bị bệnh, bà con cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn chữa trị, không được tự ý điều trị tại nhà để tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng.
PHÚ HƯNG