Với Thạch, sách không còn là niềm đam mê của cá nhân. Anh là người khởi xướng phong trào “Sách hóa nông thôn”, bắt đầu từ những “Tủ sách dòng họ”, rồi mở rộng ra những “Tủ sách phụ huynh”, “Tủ sách lớp em”, “Tủ sách hậu phương chiến sĩ”, “Tủ sách giáo xứ”...

Trong suốt mười mấy năm qua, với một sự kiên nhẫn hiếm thấy, Nguyễn Quang Thạch đã đi xe gắn máy, đi bộ xuyên Việt nhiều lần, tới các vùng quê, các địa phương trên khắp mọi miền đất nước để vận động, xây dựng các thư viện, các tủ sách nhằm mang sách đến gần hơn với hàng triệu trẻ em ở nông thôn. Ý định tốt đẹp là vậy, sự hy sinh về thời gian, tiền bạc, thậm chí chấp nhận những thiệt thòi trong cả cuộc sống riêng tư của Nguyễn Quang Thạch khó mà đo đếm. Giới truyền thông cũng luôn đồng hành, ủng hộ anh. Nhưng chỉ đến khi đi bộ qua những vùng quê, Nguyễn Quang Thạch mới nhận thấy lực cản ghê gớm đối với dự án tốt đẹp của mình. Như anh từng bộc bạch, nhiều người lớn ở những vùng anh đi qua, có cả những thầy giáo, cô giáo, không đọc sách và cũng không mấy quan tâm đến việc cho trẻ em đọc sách.

Ảnh minh họa/ Baodanang.vn 
Rào cản lớn nhất trong việc mang tri thức đến cho trẻ em thông qua kỹ năng đọc sách, không phải nằm ở chuyện thiếu thốn cơ sở vật chất, mà là ở giới hạn nhận thức của người lớn. Nguyễn Quang Thạch muốn thay đổi điều này nhưng có cảm giác anh giống như hiệp sĩ Đông Ki-sốt đang chiến đấu với những chiếc cối xay gió.

Một người khác tôi cũng quen biết, anh Phạm Cường, là chủ một thư viện gia đình ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Thư viện gia đình anh có chừng 40.000 đầu sách, đủ các thể loại, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, hoàn toàn miễn phí. Anh Cường cho biết, những năm trước đây, trẻ em ở khu vực xung quanh thường xuyên đến đọc sách tại thư viện gia đình anh. Nhưng một vài năm trở lại đây, các em đến thưa thớt dần. Trước đây, mỗi năm anh có thể tổ chức gần chục buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện về sách; bây giờ, tổ chức được một hoạt động đã là gắng lắm rồi.

Rất dễ đổ lỗi hiện trạng này cho sự phổ biến ngày càng nhiều của các thiết bị điện tử, của games, của báo mạng, nhưng theo anh Cường, đấy không phải là nguyên nhân chính. Theo anh, lý do chính khiến trẻ em quanh khu vực anh ở thờ ơ với việc đến thư viện vẫn nằm ở... người lớn! Cha mẹ các em không muốn các em đọc sách nhiều vì phải dành thời gian học bài! Nếu như trước đây, trung bình mỗi em đến thư viện gia đình anh mượn hai cuốn sách mỗi lần thì bây giờ, cha mẹ các em chỉ cho mượn một cuốn. Trước đây các em có thể ngồi đọc sách từ tối đến khuya, nay thì khoảng 9 giờ tối cha mẹ đã đến đón các em về...

Nguyễn Quang Thạch, anh Phạm Cường và nhiều người có cùng chí hướng truyền bá tri thức đến các thế hệ sau đang phải "chiến đấu với những chiếc cối xay gió" của sự trì trệ trong ý thức của người lớn đối với văn hóa đọc của con trẻ.

Đến nay, sự thất bại của mô hình thư viện công cộng ở nông thôn dường như là điều không thể tránh khỏi. Thời đại mới, với tốc độ tư duy thay đổi, nhịp sống thay đổi cùng những yêu cầu, đòi hỏi mới trong đời sống con người, mà mô hình không thay đổi, vẫn những gian phòng im ỉm và giá sách bụi bặm, sách giống nhau năm này qua năm khác, thì hiển nhiên không thể kéo được người đọc, kéo được trẻ em đến gần với sách.

Ở TP Hồ Chí Minh đã có đường sách Nguyễn Văn Bình; Hà Nội thì đang rắp ranh mở ra đường sách tương tự ở phố 19 tháng 12 hoặc Đinh Lễ. Rồi những hội chợ sách hoành tráng mở ra hằng năm, thu hút hàng vạn bạn đọc yêu sách. Đó là những nỗ lực đáng khích lệ nhằm kéo bạn đọc đến với sách. Nhưng đấy là ở những vùng đô thị lớn. Còn ở nông thôn, vẫn là một khoảng trống mênh mông, nơi những người như Nguyễn Quang Thạch đang mải miết trong "cuộc chiến với những chiếc cối xay gió".   

YÊN BA