Trong số gần 40 học sinh được tuyên dương lần này, có 8 em đoạt Huy chương vàng Olympic quốc tế; 17 em đoạt Huy chương bạc, Huy chương đồng, bằng khen trong các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực, 8 em đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel Isef, 5 em đạt điểm cao nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, so với các năm trước, đây là năm đầu tiên, tất cả các đoàn học sinh của nước ta tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế đều có học sinh đoạt Huy chương vàng và thứ tự xếp hạng của đoàn học sinh Việt Nam cũng ở tốp cao, trong đó Olympic Toán xếp thứ 11/109 quốc gia và vùng lãnh thổ, Olympic Tin học xếp thứ 7/81 quốc gia và vùng lãnh thổ, Olympic Hóa học xếp thứ 8/75 quốc gia và vùng lãnh thổ…

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho em Đinh Thị Hương Thảo đã có 2 năm liền đoạt HCV Olympic vật lý quốc tế. 
Được biết, 5 năm trở lại đây, với tỷ lệ hơn 62% học sinh đạt Huy chương vàng, Huy chương bạc, Việt Nam là một trong số ít nước luôn giữ vững ở tốp đầu về thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực vượt bậc của các em học sinh và công lao hướng dẫn của các thầy, cô giáo, là do ngành giáo dục đã đầu tư đúng hướng, trọng điểm trong việc phát hiện, bồi dưỡng các em học sinh xuất sắc tham gia tranh tài và đạt thứ hạng cao trên đấu trường trí tuệ quốc tế.

Có thể khẳng định rằng, những học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và giành điểm cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 là đại diện tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam. Ý chí phấn đấu và thành tích nổi trội của các em thêm một lần khẳng định, tinh thần hiếu học của ông cha ta qua bao đời đã được các em tiếp nối, phát huy một cách xuất sắc và góp phần làm rạng rỡ hình ảnh dân tộc Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Mục tiêu của giáo dục nước ta là không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nếu ví mục tiêu đó như một hình tháp, thì có thể hiểu rằng, nâng cao dân trí là chăm lo phần “nền tháp”, đào tạo nhân lực là quan tâm đến phần “thân tháp”, còn bồi dưỡng nhân tài là chú trọng đến phần “đỉnh tháp”. Không quá lời khi ví các học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế chính là những tài năng nằm ở phần “đỉnh tháp”. Muốn phần “đỉnh tháp” này thật sự tỏa sáng trong tương lai, thì ngay từ bây giờ, ngoài việc tôn vinh, khen thưởng xứng đáng, chúng ta phải có những cơ chế, chính sách ưu việt để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, khả năng sáng tạo của các em; đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục được học tập, trưởng thành và cống hiến tài năng, trí tuệ của mình phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì thực tế cho thấy, những năm qua, sau khi đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, một số học sinh ra nước ngoài du học đã không trở về đất nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” này là do một số tổ chức, cơ quan chức năng chưa có chính sách hợp lý để thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân tài một cách khoa học, tương xứng; phần khác, do môi trường, điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học ở trong nước còn khó khăn, thiếu thốn.

Tài năng ở lĩnh vực nào cũng chỉ chiếm phần rất nhỏ trong số đông. Nhưng “phần rất nhỏ” ấy bao giờ cũng ẩn chứa nhiều tiềm năng sáng tạo mà nếu chúng ta biết nâng niu, trân trọng và tìm cách “đánh thức, khai thác” để tiềm năng ấy thực sự “phát lộ” và tỏa sáng, thì đó chính là một trong những nhân tố mạnh mẽ nhất góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

THIỆN VĂN